6 dự án xuất sắc của học sinh tỉnh BR-VT đã được lựa chọn để tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học (từ ngày 16 đến 19-3 tại TP. Hồ Chí Minh). Đây là những dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng đều có tính ứng dụng cao, thể hiện sự sáng tạo của các nhà khoa học nhí.
Em Đỗ Thành Đạt, HS Trường THPT Trần Văn Quan bên dự án “Thiết bị đo độ ô nhiễm nước qua internet”.
4 DỰ ÁN ĐẦY TRIỂN VỌNG CỦA HS THPT
Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm nay, dự án “Phân tách vật liệu Hydroxyapatite (HA) từ xương bò, dùng làm vật liệu trám răng, ghép xương, thực phẩm bổ sung canxi” của Nguyễn Thanh Tùng và Lê Đình Hoàng Vũ (HS Trường THPT Vũng Tàu) được đánh giá rất cao. Với dự án này, các em đã phân tách thành công vật liệu HA tinh khiết, bảo đảm chất lượng và độ tinh khiết cao, hoàn toàn vô trùng, được chứng nhận của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm tạo ra có thể sử dụng như một vật liệu xương nhân tạo trong phẫu thuật cấy ghép xương, trám răng, thuốc bổ sung canxi…
Trong khi đó, Lê Quán Nghĩa và Trần Thu Trang (HS Trường THPT Châu Thành - TP. Bà Rịa) lại lựa chọn đề tài đặc biệt hóc búa: “Khảo sát thành phần hóa học và thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư gan, vú, tử cung của các phân đoạn cao n-hexane lá trôm Sterculia foetida Linn. (Sterculiaceae)”. Nỗ lực nghiên cứu của các em đã được đền đáp khi phân lập được 3 hợp chất có hoạt tính gây độc tế bào tốt nhất của cao n-hexane và tìm ra một hợp chất mới có kết quả tốt khi thử hoạt tính gây độc tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư gan Hep G2…
Mong muốn đưa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, Đỗ Thành Đạt và Nguyễn Trung Hiếu (THPT Trần Văn Quan -huyện Long Điền) đã nghiên cứu dự án: “Thiết bị đo độ ô nhiễm nước qua internet”. Em Đỗ Thành Đạt chia sẻ: “Chương trình được chúng em viết trên phần mềm Arduino, mạch in được vẽ trên phần mềm Altinum Designer Winter 09. Thiết bị tạo ra không chỉ đo được nhiệt độ, độ pH, độ đục, tổng lượng chất rắn và nồng độ oxy hòa tan trong nước rồi xuất dữ liệu qua màn hình LCD và phần mềm Blynk mà còn có thể điều khiển và giám sát từ xa bằng internet. Từ đó giúp con người biết được tình trạng nguồn nước nuôi thủy sản hằng ngày và dễ dàng xử lý khi có biến đổi”.
Một đề tài khác cũng không kém phần xuất sắc được lựa chọn vào đấu trường cấp quốc gia năm nay là dự án “Hỗ trợ việc học bộ môn Hóa học cho HS khiếm thị thông qua bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học thông minh kết hợp QR Code chứa Audio” của 2 em Phạm Minh Hùng, Nguyễn Thiên Phú, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Các em đã tạo ra một bảng có chứa thông tin các nguyên tố Hóa học vừa kết hợp được chữ nổi Braille vừa có thể sử dụng như một cẩm nang sách nói, để hỗ trợ HS khiếm thị học bộ môn Hóa học. Dự án đã được thí điểm tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh) và được đánh giá tích cực từ phía nhà trường.
2 DỰ ÁN THIẾT THỰC CỦA HS THCS
Không lép vế trước các thí sinh khối THPT, năm nay, các nhà khoa học “nhí” thuộc khối THCS của tỉnh cũng góp mặt ở sân chơi cấp Quốc gia với 2 dự án có tính ứng dụng cao. Dự án “Đấu trường trắc nghiệm” thuộc lĩnh vực phần mềm hệ thống của 2 HS Nguyễn Tuấn Phong và Đinh Gia Bảo, HS Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu). Với đề tài của mình, các em tạo nên 1 trang web phục vụ cho việc thi trắc nghiệm, có thể truy cập trên nhiều thiết bị. Đặc biệt, trang web được chinh phục như một đấu trường, có sự tương tác giữa các thí sinh tham gia, tạo nên một cuộc đua khi làm bài, điều mà chưa phần mềm hỗ trợ học tập nào từng làm trước đó. Em Đinh Gia Bảo cho biết, chúng em đã phải tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều về lập trình để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Do sản phẩm chạy trên nền tảng web nên chúng em sử dụng nền tảng lập trình Bootstrap để thiết kế giao diện, ngôn ngữ lập trình PHP làm ngôn ngữ lập trình chính... Sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng chính khả năng chúng em, không tái sử dụng dựa trên mã nguồn mở có sẵn. Hiện tại, chúng em đã tạo ra hệ thống có hơn 1.000 câu hỏi về tất cả các môn học. Kết quả bài thi được chấm dựa trên số câu đúng, nếu cùng số câu đúng sẽ chấm theo thời gian làm bài để xếp hạng thí sinh.
Dự án cuối cùng của HS tỉnh BR-VT bước vào cuộc thi cấp Quốc gia năm nay là “Thước đo đa năng”, thuộc lĩnh vực Toán học của em Phạm Thị Thùy Trang, HS Trường THCS Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ). Gia đình có ba làm nghề xây dựng nên Trang đã quan sát và nhận thấy công việc của ba thường xuyên phải đo những mặt phẳng nghiêng. Và trong những tiết học trên lớp, em cũng thấy rằng việc đo góc cũng tốn khá nhiều thời gian của tiết học. Trong khi đó, thước đo điện tử dù chính xác và tiện lợi nhưng giá thành lại quá cao. Từ những ấp ủ ban đầu, Trang đã tạo ra loại thước đo góc với thiết kế gọn nhẹ, độ chính xác cao với cấu tạo không quá phức tạp, chỉ gồm: Mô đun cảm biến đo góc nghiêng, biến trở đo góc, màn hình LCD hiển thị, vi điều khiển, pin và bộ sạc pin. Sản phẩm Trang tạo ra đo được độ nghiêng của mặt phẳng bằng kỹ thuật số, các góc trong môn học tự nhiên và đo được độ thẳng hàng để treo các vật dụng trên mặt phẳng đứng với giá thành thấp, gọn nhẹ, tiện lợi.
- Chiến hạm Nga nổ súng, bắt ba tàu Ukraine trên Biển Đen (26/11/2018)
- Xe máy điện VinFast sẽ tăng giá sau một tháng nữa (26/11/2018)
- HLV Eriksson: 'Philippines phải cố gắng hơn nữa khi đối đầu Việt Nam' (26/11/2018)
- Cách tiết kiệm tiền mà không phải sống khổ sở (26/11/2018)
- Ăn trứng gà hay trứng vịt tốt hơn? (26/11/2018)
- Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ngủ quá nhiều (25/11/2018)
- Những gia vị cấm kỵ đối với người đau dạ dày (25/11/2018)
- Phụ nữ Việt nên khám sàng lọc ung thư vú từ 30 tuổi thay vì 45 (25/11/2018)
- 10 phút nhìn chằm chằm vào mắt người khác khiến bạn bị ảo giác (25/11/2018)
- Khi ông Park Hang Seo tập dượt cho bán kết. (25/11/2018)