Đặc thù địa hình Côn Đảo không có sông, chỉ có suối nhỏ và ngắn, lượng nước trên bề mặt rất mỏng, được tích tụ chủ yếu vào mùa mưa và khô cạn dần trong mùa nắng. Do vậy, dù địa phương đã có nhiều giải pháp cải tạo nguồn nước tích trữ, song với tốc độ gia tăng khách du lịch liên tục trong 2 năm gần đây vẫn gây nhiều lo lắng về nguy cơ thiếu nước ngọt cho Côn Đảo.
Hồ Quang Trung 2 có dung tích 645.000m3.
Nước chảy yếu tại hộ dân
Những năm sau ngày giải phóng miền Nam, nhân dân Côn Đảo chủ yếu sử dụng nước từ hồ hoặc giếng đào. Đến năm 1983, Côn Đảo chính thức có nhà máy nước. Từ đây, nguồn nước ngầm được khai thác, xử lý đưa vào phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh một cách bài bản. Ban đầu, nhà máy nước xây dựng ở khu dân cư (KDC) số 1 với công suất 200m3/ngày đêm. Năm 2001, do yêu cầu phát triển, mở rộng, nhà máy nước chuyển về KDC số 3. Công suất nhà máy cũng tăng lên 1.500m3, rồi 2.500-3.800m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý nước cũng được nâng cấp dần, từ công nghệ lọc nổi sang lọc nén giúp loại bỏ hơn 90% tạp chất, cặn bã. Nhà máy xử lý nước Côn Đảo đồng thời được mở rộng về hạ tầng, xây dựng thêm tháp đốt oxy, hồ chứa, các thiết bị chuyên dùng cũng được bổ sung như thiết bị đo độ PH, độ đục, độ dư Clo. Hệ thống đường ống dẫn nước thay thế từ gang sang nhựa PVC và đến nay là nhựa cao cấp HDPE. Chất lượng nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trên đảo ngày càng bảo đảm và cung cấp đủ nước cho người dân.
Thế nhưng, hơn 1 năm nay, tình trạng nước yếu đã xuất hiện khiến nhiều người lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hoàng, ở KDC số 6 cho biết, ở nhà chị, hàng ngày từ tầm 17 giờ đến 20 giờ, nước do nhà máy cung cấp chảy rất yếu. Nước từ vòi hoa sen trong phòng tắm phun rất yếu, có khi không có nước. Muốn tắm cho con nhỏ, chị phải đợi đến sau 20 giờ vì khi ấy nước chảy mạnh hơn.
Xác nhận tình trạng nước sinh hoạt chảy yếu ở nhà các hộ dân trong KDC, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng KDC số 2 cho biết: “Tình trạng này xuất hiện khoảng 1 năm nay. Tôi đã phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo huyện. Tuy nhiên, đến nay, tình hình vẫn chưa cải thiện”.
Theo đại diện Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn, nhỏ, nhưng chỉ đảo trung tâm - Côn Sơn có nước ngọt. Địa hình đảo Côn Sơn cao và dốc, không có sông, chỉ có khoảng 45 con suối nhỏ và dốc. Lượng nước được tích tụ chủ yếu vào mùa mưa ở các hồ: An Hải, Quang Trung 1, Quang Trung 2, Lò Vôi và Cỏ Ống với tổng dung tích gần 2 triệu m3 nhưng khô cạn dần trong mùa nắng.
Công nhân Trạm Cung cấp nước Côn Đảo kiểm tra, vận hành hệ thống máy xử lý nước.
Cần đầu tư thêm 1 nhà máy nước sinh hoạt
Để tăng nguồn tích trữ nước, năm 2013 UBND huyện Côn Đảo đã thực hiện công trình nạo vét hồ Quang Trung 2. Cuối năm 2017, công trình hoàn thành. Hồ chứa nước Quang Trung 2 có dung tích 645.000m3 và các hạng mục: Tràn xả lũ, cầu giao thông qua tràn, kênh dẫn nước từ hồ Quang Trung 1, cống lấy nước từ hồ Quang Trung 1, mái kè bảo vệ bờ hồ và đường giao thông xung quanh hồ. Cùng với công trình nạo vét hồ Quang Trung 2, hiện nay, hồ Quang Trung 1 (dung tích 200.000m3) cũng đã xong giai đoạn 1-cải tạo cảnh quan, kè bảo vệ bờ hồ, đường giao thông xung quanh hồ. Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá thận trọng trước khi tiếp tục giai đoạn 2 nạo vét, mở rộng lòng hồ.
Hiện nay, Trạm Cung cấp nước Côn Đảo đang quản lý, vận hành nhà máy cấp nước công suất xử lý nước thiết kế 3.800m3/ngày đêm, khai thác từ nguồn nước ngầm dưới lòng đất khu vực hồ Quang Trung 1 với 25 giếng. Bên cạnh đó, toàn huyện có khoảng 200 giếng khoan do các hộ gia đình, khách sạn, nhà nghỉ sử dụng khai thác nước cho sinh hoạt và tưới tiêu. Theo dự báo của UBND huyện Côn Đảo, trong năm 2019 lượng nước sử dụng sẽ tăng thêm từ 600 đến 700m3/ngày đêm, vượt công suất thiết kế của nhà máy cấp nước hiện hữu từ 15-20%.
Theo UBND huyện Côn Đảo, dù đã tập trung đầu tư cho khâu tích trữ nước ngọt nhưng sự phát triển nóng về khách du lịch đến Côn Đảo thời gian gần đây đang tạo áp lực lớn trong cung cấp nước trên địa bàn. Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho hay, 4 tháng đầu năm nay, có những thời điểm nhu cầu cấp nước ngọt vượt quá công suất xử lý của nhà máy trong khi mực nước dưới lòng đất hạ thấp, gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả, bảo vệ bền vững tài nguyên nước của địa phương. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền du khách, nhân dân, DN sử dụng tiết kiệm nước; thường xuyên quan trắc kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm và xâm nhập mặn nguồn nước mặt. UBND huyện cũng chỉ đạo Trạm Cung cấp nước điều tiết lượng nước phân bổ về khu vực trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ông cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng khu vực; nâng cấp hệ thống thoát nước Cỏ Ống - Bến Đầm lên 500 m3/ngày đêm trong năm 2019.
“Trước dự báo nhu cầu sử dụng nước gia tăng do hoạt động du lịch những năm tới, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 xây dựng thêm 1 nhà máy nước sinh hoạt công suất 3.000m3/ngày đêm; mở rộng nạo vét hồ An Hải”, ông Lê Văn Phong nói.
- Thạc sĩ Tài chính Mỹ về Việt Nam trồng chuối (05/12/2017)
- Lý do khách Mỹ ghen tỵ với người dân Việt Nam (05/12/2017)
- Một ngày ở trang trại rau sạch. (24/11/2017)
- Can thiệp sớm khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ (24/11/2017)
- Chiều nay Hà Nội tổ chức tang lễ cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (13/11/2017)
- Bí quyết tăng cân nhanh, an toàn cho người gầy kinh niên (12/11/2017)
- TP.Vũng Tàu: Khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VII và Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X (12/11/2017)
- NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI Đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em miễn phí: Kịp thời ngăn chặn hành vi bạo hành trẻ em (12/11/2017)
- Những quan niệm sai lầm về sức khỏe rất hay gặp (11/11/2017)
- 8 tác hại khủng khiếp của việc uống Coca thường xuyên (10/11/2017)