Cấp bách bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu địa phương.
05/08/2019

BR-VT là địa bàn phân bố khá nhiều loại cây thuốc quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn gen của những cây thuốc bản địa có nguy cơ thoái hóa do bị khai thác quá mức. Để bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, cần đẩy mạnh ươm trồng và phát triển các vườn thuốc nam; đồng thời triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững các loại thuốc bản địa quý, hiếm.  

ƯƠM TRỒNG CÂY THUỐC QUÝ   

Vào mội buổi chiều đầu tháng 8, khi trận mưa rào vừa dứt, men theo triền núi Lớn ở khu vực Bãi Dâu, chúng tôi đến vườn thuốc nam Phước Thiện - một trong những vườn thuốc nam lớn nhất BR-VT hiện nay. Vườn thuốc trải rộng theo sườn núi, có diện tích hơn 60.000m2. Dẫn chúng tôi vào sâu bên trong khu vườn, lương y Lê Thanh Tốt, người gây dựng vườn thuốc giới thiệu với chúng tôi những loài cây dược liệu quý hiếm như xạ đen, xáo tam phân, từ bi, bách hoa xà thiệt thảo… và dược tính của chúng. Lương y Thanh Tốt cho hay: “Trước đây, những loài cây này chủ yếu khai thác trong tự nhiên, xung quanh bìa rừng, triền núi, nhưng hiện nay chúng tôi đã nhân giống, ươm trồng được. Cây phát triển tốt, chất lượng dược liệu không thua kém cây thuốc trong tự nhiên. Vườn thuốc hiện đã phát triển được hơn 200 loài cây thuốc được trồng lâu năm, nên có giá trị dược liệu cao”. 

Theo lương y Lê Thanh Tốt, vườn thuốc này có từ trước giải phóng, nhưng thời điểm đó do nguồn cây thuốc tự nhiên còn dồi dào nên vườn thuốc không trồng nhiều. “Sau này, khi nguồn thuốc tự nhiên ngày càng cạn kiệt, chúng tôi đã gây dựng, phát triển dần nguồn thuốc ươm trồng. Đến nay, trong số 200 cây thuốc nam của vườn thì có khoảng 20 loài là vị thuốc quý hiếm có thể chữa trị được những bệnh hiểm nghèo. Mỗi năm, vườn thuốc thu hoạch 500-600kg thuốc nam, cung cấp cho các phòng khám bệnh từ thiện trên địa bàn tỉnh và tỉnh bạn như Sóc Trăng, Cà Mau”, lương y Tốt nói.   

Dược liệu địa phương chủ yếu cung cấp cho các phòng khám từ thiện trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên phòng khám Hưng Hiệp Tự (84, Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu) bốc thuốc cho bệnh nhân.

Trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, BR-VT phân bố nhiều loài cây thuốc quý và quý hiếm mọc tự nhiên ở khu vực rừng, núi. Chẳng hạn, cây bách hoa xà thiệt thảo là vị thuốc quý có tác dụng hỗ trợ ngừa ung thư; cây râu mèo là vị thuốc không thể thiếu để trị bệnh sỏi thận; sài hồ, bách bộ, cỏ xước là những vị thuốc quý, dùng trong nhiều bài thuốc nam, phân bố khá nhiều ở sườn núi tại TP. Vũng Tàu, khu vực Núi Dinh (TX. Phú Mỹ), những cánh rừng ở khu vực Hồ Tràm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Đây đều là những loài cây quý hiếm và đang có nguy cơ thoái hóa do việc khai thác bừa bãi, tận diệt. Vì vậy, vấn đề bảo tồn cây thuốc nam đã trở nên cấp bách trong nhiều năm qua. 

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế, Hội Đông y tỉnh đã hướng dẫn các thành viên của Hội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khai thác bảo tồn cây thuốc trong tự nhiên, đồng thời nhân giống phát triển các vườn thuốc nam. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 132.500m2 ươm trồng, phát triển cây thuốc nam, cung cấp khoảng 705 tấn dược liệu mỗi năm, chủ yếu cho các phòng khám từ thiện trong và ngoài tỉnh. Các dược liệu được trồng phổ biến và thu hái theo từng mùa như: cam thảo dây, diệp hạ, đinh lăng, nga truật, nghệ vàng, ngũ gia bì, xuyên tâm liên, mã đề, sài hồ, cỏ xước… Đồng thời vận động, hướng dẫn các thành viên của Hội, các lương y đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia công tác bảo tồn các loại thuốc quý trong tự nhiên; đặc biệt là các cây sài hồ, bách bộ, cỏ xước là các dược liệu thông dụng trong nhiều bài thuốc cũng đang có nguy cơ cạn kiệt. 

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC LÂU DÀI

Bà Liên cho rằng, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, giữ gìn hiệu quả các nguồn cây giống quý hiếm tại BR-VT cần phải có chiến lược lâu dài. Theo điều tra của Hội, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 100 loại cây làm dược liệu quý hiếm mọc ở các vùng rừng Xuyên Mộc, núi Dinh (TX. Phú Mỹ) và các vùng rừng nước mặn ven biển. Nếu không có kế hoạch bảo tồn, nhân giống hiệu quả, các loại dược liệu này sẽ dần bị thoái hóa, mất giống. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn dược liệu quý địa phương. Từ năm 2009, trung ương đã ban hành các chỉ thị, quyết định về việc bảo tồn cây thuốc nam nhưng việc triển khai mới dừng ở các hội đông y. Trong khi đó, trên thực tế, các hội đông y không có đủ nguồn lực để thực hiện việc bảo tồn. Do đó, hiện nay, việc phát triển, ươm trồng cây thuốc chủ yếu dựa vào những vườn thuốc đã có sẵn ở các nhà chùa, nên quy mô còn hạn chế. Các cây thuốc chủ yếu được ươm trồng, bảo tồn theo kinh nghiệm của lương y địa phương và họ thường khai thác, ươm trồng các dược liệu làm vị thuốc theo bài thuốc gia truyền của họ. 

“Để bảo tồn dược liệu quý bản địa cần phải có kế hoạch khoanh vùng, phát triển dược liệu ở những vùng phân bố tự nhiên. Việc triển khai kế hoạch này không chỉ của riêng hội đông y mà cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương. Đồng thời, xây dựng quy chế quy định các biện pháp quản lý khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Kim Liên đề xuất. 

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm. Tập trung bảo hộ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Từng bước bảo vệ an toàn số loài cây thuốc đang có nguy cơ tuyệt chủng để phát triển bền vững trong tự nhiên. 

Về phát triển trồng cây dược liệu, các khu vực gồm: Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ (An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo với quy mô khoảng 3.000ha. 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hội Đông y TP. Vũng Tàu, hiện nay, nguồn dược liệu thuốc nam trên địa bàn đang dần khan hiếm. Do đó, việc phát triển, nhân giống nguồn dược liệu tại địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, quỹ đất để ươm trồng dược liệu trên địa bàn thành phố còn hạn chế, diện tích đất trồng ngày càng thu hẹp, khiến cho công tác bảo tồn, phát triển cây thuốc quý gặp nhiều khó khăn. 

Về giải pháp mở rộng vườn thuốc nam, lương y Lê Thanh Tốt chia sẻ: “Để chăm sóc, phát triển vườn thuốc, chúng tôi đã đề nghị và rất mong chính quyền địa phương cho phép sử dụng khu vực đất bìa rừng (hiện đã giao cho Hưng Thắng Tự, TP. Vũng Tàu quản lý) để ươm trồng cây thuốc nam. Việc trồng cây thuốc sẽ xen với cánh rừng tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái của cây rừng”. 


Số lượt đọc: 1855 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác