Tỷ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch ở mức cao.
15/09/2019

Theo Sở NN-PTNT, hiện tổn thất sau thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, 10% đối với cây có hạt, 10-20% đối với cây có củ và rau quả là 10-30%. Đối với hải sản, tỷ lệ hao hụt, tổn thất sau thu hoạch cũng từ 30-35%. Chính vì thế, việc tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch đang là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm.

Bảo quản nông sản sau thu hoạch hiện đang là khâu yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Anh Lê Hoài Ân (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) phân loại thanh long trước khi bán.

TỶ LỆ HAO HỤT CAO

Bà Trần Thị Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) có gần 1 tấn tiêu, thu hoạch từ năm 2018 đến nay vẫn chưa bán hết do giá tiêu luôn ở mức thấp. Tuy nhiên, do không có kho bảo quản nên tiêu sau khi phơi khô, được bà Mai cất vào một góc nhà. Hơn 1 tháng trở lại đây mưa nhiều, một số bao tiêu có dấu hiệu bị ẩm mốc. Tranh thủ những hôm trời nắng, bà Mai lại mang tiêu ra phơi. “Hạt tiêu nếu phơi khô, có kho cất trữ đạt chuẩn thì có thể để được 2-3 năm, chờ được giá, có lãi mới bán. Nhưng do không có kho bảo quản nên sắp tới tôi định gọi thương lái vào thu mua, dù giá rẻ cũng phải bán bởi nếu để lâu ẩm mốc, sẽ hư hỏng hết”, bà Mai cho biết.

Đánh giá của Sở NN-PTNT cho thấy, thời gian qua, việc áp dụng các giải pháp khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn ở khâu làm đất, vận chuyển, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh... Trong thu hoạch và sau thu hoạch thì chưa có nhiều ứng dụng tiến bộ. Chỉ riêng trong sản xuất lúa, toàn tỉnh hiện có 78 máy gặt đập liên hợp, bảo đảm 99% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, giảm hao hụt từ 3-5% so với trước. Tuy nhiên, tỷ lệ lúa được sấy khô bằng máy chỉ chiếm khoảng 40-50%. Toàn tỉnh chỉ có hơn 50 lò sấy lúa có công suất 10-15 tấn/ngày/lò. Công đoạn sấy khô và bảo quản sau thu hoạch chủ yếu là thủ công nên tỷ lệ hao hụt rất cao.

Theo bà con nông dân, chi phí đầu tư máy móc thu hoạch và thiết bị hỗ trợ sấy khô nông sản rất cao, nên ít người có khả năng mua. Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều loại máy sấy nông sản hoạt động theo phương pháp sấy gió nóng hoặc sấy buồng tầng sử dụng dầu DO, gas, than đá và chất đốt từ phụ phẩm nông nghiệp như trấu, rơm rạ, nhưng giá bán từ 100-150 triệu đồng/cái, tùy theo loại và công suất. Đây là số tiền rất lớn đối với bà con nông dân, do đó họ không đủ khả năng để đầu tư các loại máy móc này. Anh Nguyễn Văn Vinh (ấp Bình An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Mỗi vụ, gia đình tôi gieo trồng hơn 1ha lúa, năng suất bình quân thường đạt từ 1,8-2 tạ/sào nhưng việc bảo quản lúa gặp nhiều khó khăn. Nhất là ở vụ mùa, vào thời điểm thu hoạch thường mưa, nắng thất thường, nếu gặt về không phơi được nắng, lúa rất dễ bị “vào hơi”. Chẳng may gặp mưa bị ẩm, hoặc mưa kéo dài nhiều ngày hạt còn bị nảy mầm thì chúng tôi phải bán với giá rẻ, có khi còn không bán được”.

BẢO QUẢN TỐT, GIÁ TRỊ NÔNG SẢN NÂNG CAO

Nếu bảo quản và chế biến tốt, giá trị nông sản tăng cao, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Ví dụ từ HTX Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại An toàn - Tiện Lợi (gọi tắt là HTX An toàn Tiện Lợi, huyện Xuyên Mộc) cho thấy, nhờ sơ chế và bảo quản tốt, HTX đã kết nối đầu ra với các khu du lịch, chuỗi cửa hàng và các bếp ăn công nghiệp, sản lượng cung cấp ra thị trường của HTX đạt trung bình 1 tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc HTX cho biết: Đặc thù của rau củ là dễ bị dập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch giữ vai trò quan trọng. Để giữ được chất lượng rau tốt nhất, năm 2014, HTX An toàn Tiện Lợi đã đầu tư dây chuyền sơ chế, tạm trữ rau an toàn gồm: máy rửa 3 ngăn, máy ly tâm tách nước, máy đóng gói, kho lạnh... Sản phẩm rau tại đây được xây dựng theo quy trình sản xuất, chế biến khép kín hoàn toàn. Rau, củ, quả sau khi lấy về sẽ xử lý theo dây chuyền bao gồm các khâu phân loại rau, sơ chế, xử lý tia cực tím, sau đó đóng gói bằng các loại bao tự hủy. Cũng theo bà Phương, so với phương thức sản xuất truyền thống, sản xuất theo chuỗi, đặc biệt chú trọng khâu bảo quản, có sự kết nối với DN thì giá trị nông sản tăng gấp nhiều lần.

Giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương trên thị trường là mục tiêu mà Sở NN-PTNT đang hướng tới. Do đó, việc tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản được coi là vấn đề then chốt. Để giải bài toán khó cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, hiện Sở NN-PTNT đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi từ vốn để đầu tư công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa DN và nông dân... Đây được coi là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Bảo quản nông sản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ở hộ gia đình gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, trong đó có khâu bảo quản và làm khô. Vì vậy, tỷ lệ hao hụt trong khâu bảo quản còn cao, chất lượng không bảo đảm và thời gian cất trữ nông sản ngắn. Chính vì vậy, để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “Được mùa mất giá hay được giá mất mùa”, bà con nông dân đang cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói... Đây cũng là mắt xích quan trọng để tiến tới cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân.


Số lượt đọc: 3196 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác