Uống rượu, bia thế nào là hợp lý?.
18/01/2020

Rượu bia là thức uống không thể thiếu trong những bữa tiệc tất niên, lễ, Tết. Tuy nhiên, rượu, bia cũng mang đến nhiều phiền toái cho sức khỏe, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm gia tăng tình trạng bạo lực. Do đó, để tránh những tác hại từ rượu bia, mọi người cần biết cách sử dụng rượu bia hợp lý và chấp hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia.


Uống rượu quá nhiều có thể gây suy hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong. Trong ảnh: Bệnh nhân bị ngộ độc rượu do uống quá nhiều rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa.

“ĐƯỜNG ĐI” CỦA RƯỢU, BIA VÀO CƠ THỂ

Rượu, bia đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan. Tất cả những bộ phận này đều chịu tác động xấu của rượu, bia  nếu sử dụng không hợp lý hoặc lạm dụng. Khi đi vào miệng, rượu, đặc biệt là rượu mạnh kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng. Các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng protein cao, tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Cacbonat trong đồ uống có thể được trộn với rượu làm tăng tốc độ hấp thụ rượu. Khi nồng độ cồn và dịch vị cao, kích thích niêm mạc tăng lên, phản ứng nôn mửa là phản xạ của cơ thể để giảm kích ứng này. Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% (rượu còn lại) được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Nguy hiểm nhất là khi vào trong máu, rượu được vận chuyển khắp cơ thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể như gan, thận, phổi, não. Tùy theo nồng độ rượu trong máu, rượu ngay lập tức tác động lên não ảnh hưởng đến hành vi của người uống. Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng Khoa Tim mạch lão học, BV Lê Lợi cho biết, nồng độ rượu trong máu từ 20-50mg/dl, người uống bắt đầu có những rối loạn ức chế như cảm xúc không ổn định, nói nhiều; từ 50-100ml/dl người uống có biểu hiện chậm đáp ứng, giảm khả năng phán đoán, mất điều hòa vận động, giảm khả năng khéo léo, mất kiểm soát hành vi, loạn ngôn; nếu từ 200-400mg/dl, người uống sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê; cao hơn nữa có thể tử vong. 

UỐNG RƯỢU ĐÚNG CÁCH

Theo bác sĩ Trần Mạnh Tuân, nếu uống rượu, bia chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5% độ cồn); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5% độ cồn); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30ml (40% độ cồn). 

Riêng đối với việc tham gia giao thông, thông thường thì trong 24 giờ uống rượu bia thì xét nghiệm còn độ cồn trong hơi thở và vẫn có thể ảnh hưởng đến hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông. Do đó, để an toàn cho bản thân và người đi đường, sau khi uống rượu bia không nên tham gia giao thông. 

“Khi sử dụng những loại thực phẩm, trái cây lên men, thực phẩm có sử dụng rượu, bia khi chế biến, vẫn cho xét nghiệm dương tính với nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, nồng độ này ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến hành vi khi điều khiển phương tiện giao thông”, bác sĩ Tuân cho biết thêm. 

Ngoài việc sử dụng với liều lượng phù hợp như đã nêu trên, theo khuyến cáo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, khi uống rượu, bia cần uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp, nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu. Không nên uống rượu lúc đói vì dễ gây kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia) vì có thể làm tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu. Không nên uống rượu với caffeine (có trong các đồ uống cà phê, trà, nước tăng lực…), bởi uống đồng thời rượu và caffeine sẽ làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố (Oxic Jock Syndrome).

Bên cạnh đó, khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số “cao thủ rượu” đã uống aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quỵ…)  thì nên tránh uống rượu. 

 

 


Số lượt đọc: 2656 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác