Những rào cản khó tháo gỡ của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
14/04/2020

Chi phí vận tải cao, hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ cảng biển chưa theo kịp tốc độ phát triển… là những nguyên nhân khiến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) vẫn khó khăn trong việc thu hút nguồn hàng.

Xếp dỡ hàng container tại Cảng TCIT.

CHỈ 15%  HÀNG HÓA LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CM-TV

Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát HĐND tỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua, các DN cảng biển cho biết: Năm 2019, có 3,5 triệu TEUs  hàng hóa xuất nhập khẩu qua CM-TV  nhưng chỉ có 15% lượng container qua đường bộ và làm thủ tục hải quan tại CM-TV. Nguyên nhân là nhiều tàu lớn cập cảng CM-TV nhưng chi phí vận chuyển container bằng đường bộ cao, do đó, các hãng tàu, DN xuất nhập khẩu không làm thủ tục hải quan tại CM-TV mà dùng sà lan trung chuyển hàng hóa về TP.Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan để giảm chi phí.

Điều này xuất phát từ thực tế, hầu hết lượng hàng nhập khẩu đều có điểm đến tập trung ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Do đó, nếu thông quan hàng hóa tại CM - TV, thì DN phải vận chuyển hàng hoàn toàn bằng đường bộ. Mức chi phí vận chuyển bằng đường bộ cao hơn rất nhiều so với phương án kết hợp trung chuyển bằng sà lan và vận chuyển đường bộ quãng ngắn. Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) nêu dẫn chứng làm rõ vấn đề này: Giả sử, một container hàng về  KCN Bàu Bàng (Bình Dương) nếu vận chuyển về thông quan ở Cát Lái thì chi phí vận chuyển chỉ vào khoảng 3,5 triệu đồng (600 ngàn đồng vận chuyển bằng sà lan về Cát Lái + 2,9 triệu đồng vận chuyển từ Cát Lái về KCN Bàu Bàng). Trong khi đó, nếu thông quan tại Cái Mép - Thị Vải và sau đó phải vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ về KCN Bàu Bàng thì chi phí lên đến 4,6 triệu đồng.

Do chi phí vận chuyển container bằng đường bộ cao nên đã xảy ra nghịch lý: Nhiều tàu lớn cập cảng CM-TV nhưng không xuống hàng tại đây mà dùng sà lan trung chuyển hàng hóa về TP.Hồ Chí Minh để giảm chi phí. “Chi phí vận tải cao là yếu tố tác động đến việc hầu hết các DN không muốn làm thủ tục hải quan ngay tại CM-TV”- ông Nam cho biết thêm. 

Theo ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, để thu hút các DN xuất nhập khẩu về làm hàng tại CM-TV, hàng năm, ngành hải quan đều trực tiếp tới các DN XNK gặp gỡ, tìm hiểu những vướng mắc để vận động họ về làm thủ tục hải quan tại CM-TV. Tuy nhiên, hiệu quả của việc làm này không cao. Sớm hay muộn, DN cũng chọn giải pháp có lợi cho họ. Cụ thể, năm 2019, ngành hải quan đã kêu gọi được thêm 50 DN. Thế nhưng, sau một thời gian, vì chi phí cao, buộc DN phải đưa hàng về làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái.

ĐỂ GIẢM CHI PHÍ LOGISTIC

Một khó khăn khác là dù các cảng ở CM-TV được đầu tư hạ tầng bến cảng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối của các DN, thiếu hệ thống các kho bãi container rỗng, kho tổng hợp hàng container (CFS), cảng cạn (ICD)... Bà Lê Thị Thúy Kiều, Trưởng Văn phòng Công ty TNHH Đại Không Gian (CCN Hắc Dịch 1, TX.Phú Mỹ) cho biết: Bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu 40 container hàng sang Hàn Quốc và một số nước khác. Trong đó, chỉ 3-4 container qua cụm cảng CM-TV, số container còn lại DN phải vận chuyển lên cảng Cát Lái. Việc này không chỉ tốn thời gian mà chi phí vận chuyển cũng tăng thêm khoảng 800 ngàn đồng/container, nhưng DN buộc phải chấp nhận vì tại cụm cảng CM-TV chưa có các ICD cung cấp container rỗng, dịch vụ đóng gói hàng hóa. Do đó, nếu muốn xuất hàng tại cụm cảng CM-TV, chủ hàng phải “ngược đường” lên TP.Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai để lấy container rỗng, dẫn đến chi phí tăng  cao.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, BR-VT cần chú trọng phát triển dịch vụ logistics để phục vụ cho dịch vụ hậu cần sau cảng tốt, có như vậy mới phát huy hết hiệu suất của cảng. Do đó, tỉnh cần sớm hoàn thành việc xây dựng cầu Phước An để có thêm tuyến đường liên cảng thông lên đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ khởi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trước hết là đoạn cao tốc từ Biên Hòa về Cái Mép; thúc đẩy các chủ trương phát triển hệ thống đường sắt kết nối cảng với các KCN trong vùng Đông Nam Bộ. Khi hạ tầng giao thông kết nối được hoàn thiện, rút ngắn được lộ trình thì sẽ giúp hạ giá thành vận chuyển, hạ giá thành logistics. Ông Anh Tuấn cho biết thêm: Chi phí logistics chiếm 21% trong trị giá hàng hóa nên hạ được khoản chi phí này là mấu chốt để tạo nên hiệu quả của cạnh tranh. 

Ngoài ra, các chuyên gia về cảng biển cho rằng, về lâu dài, Bộ GT-VT cần phải bổ sung quy hoạch các cảng cạn (ICD) để phát triển các chân hàng tại chỗ. Song song đó là cần có các bến thủy nội địa dọc theo các tuyến sông các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bộ với việc nâng cấp tĩnh không các cầu đường bộ để tăng cường vận chuyển đường thủy kết nối từ chân hàng với cụm cảng. Đồng thời, ngành hải quan tỉnh BR-VT cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm soát đặc biệt, nhất là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bỏ hẳn hoặc đơn giản hóa, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

 

 


Số lượt đọc: 1967 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác