Theo Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, vàng ô (VAT Yallow) là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Nếu trộn vàng ô vào thức ăn cho gia cầm sẽ khiến thịt gia cầm, cá, trứng gia cầm trông bắt mắt, nhưng ăn chất này sẽ tích tụ lại và về lâu dài có thể gây ung thư, đặc biệt là có thể gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Sở dĩ có nạn nuôi gà bằng hóa chất vàng ô, nhuộm màu da gà vàng là do người Việt có thói quen thích gà và trứng gà có màu vàng đẹp mắt. Để đáp ứng nhu cầu, một số người chăn nuôi đã trộn chất này vào thức ăn chăn nuôi, kích thích gia cầm ăn để cho màu da vàng đẹp, dễ bán.
Theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh, gia cầm ăn thức ăn có trộn chất vàng ô sẽ không tăng chất dinh dưỡng ở thịt và gây bệnh nguy hiểm như: dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, hệ thần kinh và thận, lâu ngày có thể gây ung thư. Trẻ nhỏ hấp thụ quá nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung. Nhiều người dân, mua gà sống về nuôi thả vườn hoặc nuôi lồng nửa tháng mới ăn, với mong muốn để gà thải bớt chất độc, kháng sinh trong cơ thể. Nhưng thực tế những chất này không tiêu hóa được, cũng không thải được và sẽ tích lũy trong thịt, nội tạng gia cầm, đặc biệt là trong lòng đỏ trứng. Vì vậy, cách mua gà về rồi nuôi thêm nửa tháng, 1 tháng cũng không có tác dụng gì.
Cũng theo ông Giao Văn Sỹ, mặc dù BR-VT chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất vàng ô, song ngành thú y tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra lấy mẫu để phát hiện và xử lý; đồng thời tuyên truyền cho người chăn nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhằm tìm hiểu có hay không tình trạng các chủ trạng trại chăn nuôi gia cầm sử dụng chất vàng ô, chúng tôi có mặt tại trang trại của ông Lưu Bá Hoa, hộ chăn nuôi gà ở ấp Nhân Nghĩa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc. Ông Hoa khẳng định, gà da vàng hay trắng là do giống gà đã mặc định, không có loại thức ăn nào thay đổi được. Cũng theo ông Hoa, gà chân trắng thì nuôi kiểu gì cũng không thể biến thành vàng được. Chỉ có giống gà chân vàng, muốn đẹp hơn, thì xưa nay, người nuôi vẫn trộn bột ngô vào thức ăn.
Ông Hoa cho biết: “Gà ta mình nuôi nếu cho ăn đầy đủ, đúng chất thì vẫn thơm ngon, đẹp mắt mà không cần cho chất gì để tạo màu vàng. Nếu cho ăn bắp đầy đủ thì gà sẽ vàng không thua gì chất vàng ô mà lại đảm bảo sức khỏe.”
Cũng như ông Hoa, anh Nguyễn Văn Tâm, chủ trang trại nuôi trên 3.200 con gà ở khu phố Phước Tiến, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc không sử dụng chất vàng ô, bởi anh muốn làm ra sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho bà con.
Tại huyện Châu Đức, nơi có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh với trên 670.000 con, trước tình hình một số địa phương phát hiện có sử dụng chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm, Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cũng khẳng định, trên địa bàn chưa phát hiện các vụ vi phạm chất cấm, tuy nhiên, chưa có không phải là không có. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về tác hại khi sử dụng chất cấm này.
Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý nếu có các vụ vi phạm chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có chất vàng ô, song thiết nghĩ, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen chọn thịt gà, không nên ưu tiên mua gà da vàng, đẹp mắt. Theo Chi cục Thú y tỉnh, gà sạch là gà không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi; da gà màu vàng tươi tự nhiên, màu trắng ngà, sờ vào không bị màu dính ra tay, nếu thấy da gà có màu vàng khác thường thì không nên mua. Bên cạnh đó, nên lựa chọn sản phẩm thịt gà có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các siêu thị, các cửa hàng tin cậy. Với thịt gà làm sẵn, nên chọn những con có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.