Trồng trên lưới
xangtylen, công thu hoạch rất ít nên vợ chồng tôi mới mạnh dạn làm...
Ông An giới thiệu về kỹ thuật trồng hành tăm trên lưới xangtylen
Có một thợ sửa chữa xe máy đã mạnh dạn áp dụng phương pháp trồng hành tăm trên lưới xangtylen. Vụ đầu tiên, ông thu gần 400kg hành tăm/sào, công đoạn thu hoạch hết sức đơn giản. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và đã học theo phương pháp này. Ông là Lê Đình An, xóm 2, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Là thợ sửa xe máy nhưng ông An vẫn làm thêm vài sào ruộng để lấy thóc ăn. Tuy nhiên, đất ruộng nhà ông ở vùng cao cưỡng khó lấy nước, năng suất thấp nên thường xuyên thất thu. Năm 2015, ông quyết định chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập. Nghĩ mãi chẳng ra được loại cây gì cho hiệu quả kinh tế cao nên khi được cán bộ khuyến nông xã truyền đạt kỹ thuật trồng cây hành tăm trên lưới xangtylen ông đã tham gia với diện tích 1 sào (500m2). “Thực tế, lúc đầu gia đình tôi rất băn khoăn vì trồng hành tăm không khó nhưng công đoạn thu hoạch tốn rất nhiều thời gian trong khi nhà lại neo người. Vợ tôi bảo hay cứ thử trồng vài luống xem thế nào đã chứ nghĩ đến công thu hoạch mà nản. Vậy nhưng, khi cán bộ khuyến nông cho biết, trồng trên lưới xangtylen, công thu hoạch rất ít nên vợ chồng tôi mới mạnh dạn làm”, ông An cho biết. Theo hướng dẫn, ông An cày, phơi ải, thuê máy dập nhỏ đất, làm rãnh thoát nước, bón thêm một ít vôi. Công đoạn tiếp theo là lên luống cao 35 - 45cm, rộng 1 - 1,2m; khoảng cách giữa hai luống là 30cm để thoát nước và đi lại chăm sóc. Trên các luống, ông tạo rãnh sâu 5 - 10cm, bón phân hóa học xuống lòng rãnh, sau đó đặt lưới xangtylen dọc theo chiều dài của rãnh, chiều rộng lưới bằng chiều rộng rãnh. Sau khi đặt lưới, ông rải tro bếp và phân chuồng đã hoai mục lên trên rồi rải thêm một lớp đất tơi xốp lên bề mặt của phân, độ dày 1,2 - 2cm, mục đích là để hành giống không tiếp xúc trực tiếp với phân, tránh gây thối, hỏng. “Hành tăm là cây cho giá trị kinh tế cao. Một kg hành tăm ở thời điểm cao nhất có thể lên đến 250 nghìn đồng, thấp nhất cũng 30 nghìn đồng. Đất đai ở đây rất phù hợp cho cây hành tăm phát triển. Nhưng ngặt nỗi, việc thu hoạch hành tăm mất rất nhiều công sức nên nông dân không mặn mà với cây trồng này. Tuy nhiên, từ ngày ông An mạnh dạn thử nghiệm phương pháp trồng hành tăm trên lưới xangtylen thì nông dân đã học theo rất nhiều. Đến nay, 5/8 ha trồng hành tăm đã được nông dân áp dụng phương pháp này. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là khâu đột phá về kỹ thuật giúp bà con mạnh dạn đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích”, ông Nguyễn Như Thiện, Chủ nhiệm HTXNN Thanh Văn. Hành giống được tra với khoảng cách hàng 20 x 20cm, cây cách cây 10 x 10cm, chồi hướng lên trên, rễ hướng xuống đất. Sau đó, bề mặt các luống hành sẽ được rải trấu, độ dày từ 3 - 5cm, rải một lớp rơm mỏng, trên cùng là một lớp cây vọt. Ông An cho biết: “Nhu cầu dinh dưỡng của cây hành không nhiều nhưng đất phải có độ tơi xốp cao để củ hành mau lớn và phải bổ sung lượng nước đủ ẩm để cây phát triển. Phía trên lưới xangtylen, tốt nhất nên rải một lớp vỏ trấu dày, một lớp rơm mỏng để tạo độ mùn, chất dinh dưỡng để cây hút; một lớp cây vọt (họ dương xỉ - PV) có tác dụng như giá đỡ, bảo vệ cây khỏi bị mưa gió làm gãy nát”. Theo ông An, hành tăm có thời gian sinh trưởng khá dài từ 200 - 210 ngày, xuống giống từ đầu mùa đông, thu hoạch vào mùa hè. Khoảng 170 - 190 ngày tuổi thì hành bắt đầu tàn lá, tuy vậy củ vẫn tiếp tục duy trì trao đổi chất, chuyển hóa mạnh để tích lũy dinh dưỡng cho củ chín. Lúc đó rễ hành chỉ còn rễ cấp một, rễ cấp 2, hệ thống lông hút đã tiêu hủy hoàn toàn. Khoảng 200 - 205 ngày thì thu hoạch là tốt nhất. Kể từ khi trồng đến lúc thu hoạch, hầu như ông không bón thêm một loại phân bón nào, cây hành tăm cũng rất ít bệnh. Trồng hành trên lưới xangtylen cũng rất ít cỏ, củ hành to, sáng, đẹp rất bắt mắt, năng suất cao. Đến kỳ thu hoạch chỉ cần vén lưới đầu luống, nhấc dần lên, sàng sẩy chọn lấy củ hành, bỏ phân và chất mùn. “Thu hoạch theo cách này khỏe lắm! 1 sào hành cùng lắm cũng chỉ mất 3 ngày công thu hoạch. Trong khi đó, nếu trồng theo cách truyền thống cũng mất ít nhất 7 - 10 ngày công. Việc thu hoạch thông qua lưới xangtylen vừa tiết kiệm công lao động, vừa không bị rơi vãi, dập nát. Tôi thu được gần 400kg hành củ/sào, bán được trên 20 triệu đồng. Chi phí đầu tư ban đầu chủ yếu là tiền lưới xangtylen khoảng 3 triệu đồng/sào, nhưng có thể bảo quản sử dụng trong 3 mùa; khoảng 10 - 12kg giống. Năm nay, tôi đã đưa toàn bộ diện tích đất màu chuyển sang trồng hành”, ông An phấn khởi nói.
- Giá trị của vỏ cà phê (14/11/2019)
- Cây na hợp với đồng đất và loại phân bón không chua (14/11/2019)
- Giống lúa nếp thơm NT202 (14/11/2019)
- Vườn rau thủy canh đẹp nhà, lợi bếp (13/11/2019)
- Khắc phục bưởi 'nhiều hoa ít quả' (08/11/2019)
- Một số giống bưởi đặc sản miền Bắc (07/11/2019)
- Trồng gấc thu nhập khá (07/11/2019)
- Thanh long ruột đỏ trụ vững trên vùng đất khó (07/11/2019)
- 9X khởi nghiệp từ trồng ổi Đài Loan (07/11/2019)
- Người tiên phong trồng cây cam sành trên đất phèn (06/11/2019)