Cây
đu đủ luôn nghiêng một góc 45 độ so với mặt vườn trong suốt quá trình sinh trưởng
sẽ rất sai quả, dễ thu hoạch và quản lý sâu bệnh hại, ít bị đổ gãy khi gặp mưa
bão.
Năng suất thu hoạch thường cao hơn 50 - 60% so với phương pháp trồng cây đứng truyền thống. Chọn đất: Chọn chân ruộng đất thịt trung bình, thịt nặng, tưới tiêu thuận lợi. Đặc biệt phải tiêu thoát nhanh khi có mưa úng, kể cả úng cục bộ. Giống: Nên chọn giống đủ đủ Hồng phi hoặc Trạng nguyên. Đây là các giống đu đủ lai F1, năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ cây cho đạt 100%. Tuy nhiên, nếu các nhà nông không thể tiếp cận được với nguồn hạt giống đu đủ lai F1, thì vẫn có thể chọn các giống đủ đủ thuần tại địa phương để trồng (lựa những quả đu đủ chín, ra lứa đầu trên cây sai quả, chất lượng ngon, bổ lấy hạt, rửa sạch nhớt, phơi dưới nắng nhẹ cho khô kiệt. Bảo quản trong chai, lọ đến thời vụ thì đem gieo). Kỹ thuật gieo ươm cây giống: - Ngâm ủ hạt giống: Ngâm hạt trong nước ấm 3 sôi 2 lạnh trong 5 giờ, rồi tiến hành ủ hạt trong bao vải coton ẩm 4 - 5 ngày. Khi hạt nứt nanh nảy mầm đều thì mang gieo. Riêng với hạt giống đu đủ thuần (nông dân tự để giống) thì khi ngâm nước, phải loại bỏ hết hạt nổi, lọc lấy các hạt chìm trong nước, đem ủ và gieo ươm. - Làm bầu gieo cây giống: Dùng túi nilon kích thước 8 x 5cm (có đục lỗ thoát nước). Lấy đất phù sa hoặc thịt nhẹ, làm nhỏ kỹ, trộn đều với phân chuồng hoai mục, tỷ lệ 3:1. Đóng đầy hồn hợp đất - phân vào túi. Ấn nhẹ hạt vào giữa túi bầu. Mỗi bầu gieo một hạt. Phủ ít đất mịn lên trên. Xếp các bầu cây vào khay. Để ở nơi thoáng mát, không mưa nắng và tưới giữ ẩm cho cây hàng ngày. Nếu sản xuất cây giống qui mô lớn, cần phải làm nhà có mái lưới che. - Khi cây có 2 - 4 lá thật thì 2 ngày tưới 1 lần và điều chỉnh giàn che để cây con có đủ ánh sáng thì cây con mới mọc thẳng, sinh trưởng tốt. Thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại và phòng trừ sâu bệnh hại cho bầu cây giống. - Khi cây có 4 - 5 lá thật, cao 10 - 15cm có thể đưa ra ruộng trồng. Đu đủ Đài Loan cho năng suất cao và chất lượng quả rất tốt. Nhưng nếu là giống lai thì hạt ở quả không dùng làm giống cho vụ sau được. Trồng và chăm sóc: - Thời vụ trồng: Vụ xuân trồng từ tháng 3 - 4. Vụ thu trồng tháng 9 - 10. - Mật độ trồng: Cây cách cây = 1,5 x 1,5m (120 cây/sào). - Hố trồng: Dài, rộng, sâu = 40 x 40 x 35cm. - Hướng trồng: Đông - Tây. Mục đích để cây đu đủ tận dụng được ánh sáng mặt trời, tăng khả năng quang hợp, tăng năng suất, chất lượng quả và tăng khả năng chống đổ (trên các chân ruộng bậc thang miền núi hướng trồng đu đủ cần theo hướng đường đồng mức). - Cách trồng: Dùng dao sắc rạch nhẹ gỡ bỏ vỏ nilon (không làm vỡ bầu). Đặt cho bầu và cây giống nằm ngang trên mặt đất xuôi theo hướng Đông - Tây. Vun đất quanh bầu. Nén chặt gốc và tưới đủ ẩm cho cây. Trồng xong dùng que cắm để nâng ngọn cây cho ngóc lên, sao cho thân gốc đu đủ luôn nghiêng một góc 45 độ so với mặt luống từ khi trồng cho đến suốt quá trình sinh trưởng của cây. - Bón phân: + Bón lót trước trồng mỗi hốc 0,5kg vôi bột + 5-7kg phân hữu cơ hoai mục + 0,5kg super lân + 0,2kg kali clorua. + Bón thúc (với cây 1 tháng tuổi): Định kỳ bón 7 ngày/lần, lượng bón 50gr NPK Đầu trâu 16-12-8-11+TE/gốc. Cây 1-3 tháng tuổi: 15-20 ngày/bón 1 lần, lượng bón: 70-100gr NPK Đầu trâu 16-12-8-11+TE/gốc. Cây 3-7 tháng tuổi: Mỗi tháng bón thúc 1 lần, lượng bón 100-150gr NPK Đầu trâu 12-12-17-9+TE kết hợp vét đất ở rãnh vun lên gốc. + Cách bón: Hòa tan phân trong nước lã, tưới cách xa gốc 20-30cm. Để đu đủ tăng trưởng nhanh, có thể phun thêm phân bón lá 3-4 tuần/lần. Đu đủ sau trồng 2,5 tháng đã ra hoa, đậu quả, nhưng khi cây mang quả nặng cần cắm cọc chống đổ cây. Cắt bỏ lá già gần gốc. Khơi rãnh thoát nước. Nhổ bỏ cỏ dại. Cần hạn chế xới xáo để tránh làm tổn thương bộ rễ cây. Để hạn chế cỏ dại phát triển cần tủ gốc bằng rơm rạ, đồng thời còn có tác dụng giữ ẩm và chống rửa trôi dinh dưỡng. Phòng trừ sâu bệnh: Trong quá trình sinh trưởng, đu đủ thường bị một số sâu hại như rệp sáp, bọ nhảy, nhện đỏ. Khi mật độ sâu cao, có thể phun Decis 2,5 ND (nồng độ 0,1%), Trebon (1%) để diệt trừ. Để phòng bệnh virus xoăn ngọn cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tổng hợp như: Sử dụng giống kháng bệnh. Bón cân đối NPK. Không nên trồng 2 vụ đu đủ liên tiếp trên cùng chân ruộng. Luân canh triệt để với cây trồng nước. Với các bệnh đốm vàng, phấn trắng, thán thư... Phòng trừ sớm khi bệnh mới phát sinh, sử dụng các thuốc Daconil, Topsin hay Zineb, Mancozeb để phun. Thu hoạch: Đu đủ sau trồng 7 tháng đã có thể thu quả làm rau xanh, 9 tháng cho thu quả chín ăn tươi. Nếu thu quả để ăn tươi, nên thu khi trên quả xuất hiện các vết đốm hoặc sọc vàng nhạt (chín sinh lý), sau thu vài ngày quả sẽ chín hoàn toàn, chất lượng sẽ ngon nhất. Nếu thu sớm hơn (quả chưa chín sinh lý) quả ăn sẽ nhạt, giảm giá trị thương mại. Với cách trồng này vườn đu đủ sẽ cho thu hoạch quanh năm, năng suất trung bình có thể đạt 70 - 120kg/cây/năm.
- 800.000 đồng một cành địa lan Tết (08/01/2016)
- Rầy chổng cánh vân nâu hại nhãn (08/01/2016)
- Trồng bắp cải lãi khá (07/01/2016)
- Ngô nếp WXT 1130 ngắn ngày (07/01/2016)
- Kỹ thuật trồng dưa lê lai F1 Kim hoàng hậu (07/01/2016)
- Giống lúa An sinh 1399 (04/01/2016)
- Trồng rau sạch thu trăm tỷ (04/01/2016)