Nhiều hộ dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) đang có xu hướng tự tạo cho gia đình mình 1 vườn rau sạch trong nhà, trong đó có phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu.
Trước vấn nạn rau xanh tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc hóa chất do người trồng sử dụng nhiều thuốc BVTV, nhiều hộ dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) đang có xu hướng tự tạo cho gia đình mình 1 vườn rau sạch trong nhà, trong đó có phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu. Thăm vườn rau thủy canh trước sân Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những bụi cải to khỏe, xanh mướt hay những bụi rau muống tươi tốt, cộng to trông rất sung mãn.
Ông chủ vườn rau Nguyễn Thành Thư, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động tỉnh Bình Định cho biết: “Nắm bắt được xu hướng của người dân thành phố hiện nay là tự trồng rau trong nhà để tự cung tự cấp nguồn rau xanh hàng ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình, chúng tôi làm mô hình này để giới thiệu rộng rãi đến với người dân phương pháp trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh hồi lưu. Nếu ai đến tham quan và có nhu cầu làm vườn rau thủy canh, chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật”. Theo ông Thư, trồng rau bằng phương pháp thủy canh vừa có lợi về mặt kinh tế, sức khỏe lại không tốn thời gian chăm sóc. Chỉ cần khoảng không gian 2m trên sân thượng là chủ nhà đã có thể sở hữu 1 vườn rau thủy canh. Giàn để trồng rau thủy canh được làm bằng nhựa hợp chất. Nhựa được đúc thành thanh dài hình chữ nhật rỗng ruột, to khoảng gần 10cm, sâu khoảng 4 - 5cm. Trên những thanh nhựa được khoét những lỗ vuông, mỗi lỗ cách nhau chừng 20cm, đây là những lỗ để trồng rau. Những thanh nhựa được ghép thẳng hàng từ thấp lên cao, mỗi thanh nhựa cách nhau 1 khoảng không gian đủ để cây rau phát triển. Mỗi giàn rau thủy canh được ghép 2 hàng thanh nhựa, có 100 lỗ trồng rau.
Trồng rau thủy canh không cần đất, trước khi trồng gia chủ chỉ cần mua xơ dừa với giá 7.000đ/bao, mỗi bao có thể trồng hơn 100 lỗ rau. Xơ dừa mang về được xử lý khoảng 1 tuần để trung hòa a xít, sau này không gây hại cho cây rau. Sau đó xơ dừa được xếp dày vào những lỗ trồng rau với nhiệm vụ giữ cây rau đứng vững trong quá trình phát triển. Trồng rau thủy canh không đất, không phân, không thuốc BVTV, không công chăm sóc. Dinh dưỡng nuôi rau được có trong dung dịch do các viện khoa học nông nghiệp cung cấp. Một bì dung dịch dinh dưỡng được mua với giá từ 80.000 - 100.000đ, mỗi bì pha với 40 lít nước, mỗi tuần pha 1 lần cung cấp cho cả 4 giàn rau. Nước đã được pha dung dịch dinh dưỡng sẽ tự động chảy lên cung cấp cho từng gốc rau, rễ rau hút nước mà phát triển. Nước dinh dưỡng chảy vào mỗi ô rau đến 1 ngưỡng nhất định sẽ thoát đi ra ống, quay về bình chứa, sau đó quay lại cung cấp tiếp. Khoảng cách giữa những lần đưa nước tự động do chủ vườn điều khiển. “Trồng rau bằng phương pháp thủy canh cái lợi trước mắt là được ăn rau cực sạch, thu hoạch liên tục trong năm, đủ lượng rau xanh cung cấp cho mọi thành viên trong gia đình, khi ăn không còn cảm giác sợ sệt như ăn rau chợ vì rau thủy canh không được trồng trong đất mà trồng thẳng trong dung dịch dinh dưỡng nên vừa không bị ảnh hưởng thuốc BVTV, phân bón mà còn không bị côn trùng tấn công.
Đặc biệt, rau được trồng bằng phương pháp thủy canh ăn rất ngon, giá trị dinh dưỡng không khác gì rau trồng tự nhiên trong đất. Trồng rau bằng phương pháp thủy canh không sợ rau chết, cả gia đình có đi du lịch 10 ngày nửa tháng cũng có thể yên tâm vì ở nhà rau ở nhà đã được hệ thống dẫn nước cho “ăn” tự động mỗi ngày", ông Thư chia sẻ. Vườn rau thủy canh của ông Thư có 4 giàn, mức đầu tư từ 7 - 8 triệu đồng/giàn, có tổng cộng 400 lỗ trồng rau. Ông Thư quyết định sẽ trồng tất cả các chủng loại rau cần thiết cho những bữa ăn hàng ngày, theo ông Thư thì cả dâu tây cũng có thể trồng trên giàn thủy canh. “Đầu tư 1 giàn thủy canh trong nhà có thể “canh tác” rau đủ ăn cho gia đình đến 10 năm. Có giàn rau thủy canh căn nhà càng thêm đẹp mà bếp ăn cũng an toàn hơn”, ông Nguyễn Thành Thư nói.
- Trồng gấc trên đất ruộng cho thu nhập khá (02/05/2019)
- Bón lót trong canh tác lúa thế nào cho hiệu quả (01/05/2019)
- Trồng mướp khía trên vùng cát (18/03/2019)
- Chuyển biến làm rau sạch (18/03/2019)
- Chủ động phòng chống châu chấu tre lưng vàng (18/03/2019)
- Xen canh bồn bồn trong vuông tôm (18/03/2019)
- Đam mê nhân giống khoai mỡ (18/03/2019)
- Khoai tây Marabel thu hơn 63 triệu đồng/ha (18/03/2019)
- Dấn thân trồng rau sạch (18/03/2019)
- Lưu ý sâu bệnh hại lúa xuân (18/03/2019)