Từ dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa và 5ha đất trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè, có năm trúng mùa, trúng giá gia đình anh Hải thu nhập hàng tỷ đồng.
Với ý chí quyết tâm làm giàu ở vùng đất biên giới giáp Campuchia, anh Cao Hoàng Hải (SN 1980) ở ấp Chòm Xoài, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp đã phấn đấu vươn lên sản xuất lúa, mè cho thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng, đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng.
Vượt khó
Anh Hải là con trai lớn trong gia đình có 3 anh em. Việc học hành của anh dang dở khi chưa tốt nghiệp THCS. Năm 2001, anh lập gia đình, được cha mẹ cho 2ha đất làm phương tiện sản xuất.
Anh luân canh 2 vụ lúa và 1 vụ mè. Anh rất nhạy bén và tiến bộ trong cách nghĩ, cách làm. Kinh nghiệm trồng lúa của anh cũng không thua kém những có kinh nghiệm ở địa phương. Để làm được điều này anh phải bỏ biết bao công sức cải tạo đất, giúp đất bớt phèn chua, học hỏi kỹ thuật…
Anh Cao Hoàng Hải chia sẻ, ở vùng biên giới, việc canh tác nông nghiệp vô cùng vất vả vì chân đất cao hơn vùng khác, đất lại pha cát việc giữ nước lại càng khó. Vào vụ HT không thể trồng lúa được, chỉ trồng mè. Mùa lũ thì nước ngập ở đồng ruộng cao 2 - 3m, chưa có đê bao khép kín không thể canh tác được gì ngoài nuôi thủy sản. Một năm gia đình anh chỉ canh tác được 2 vụ ĐX và TĐ.
"Những năm trước đây tôi chỉ canh tác các giống lúa thường, dễ làm, ít sâu bệnh... nhưng không mang lại hiệu quả cao như mong đợi. Nhờ áp dụng các phương pháp canh tác mới, tôi mạnh dạn đầu tư gieo trồng giống lúa cao sản, có giá trị xuất khẩu và áp dụng theo phương pháp “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí tăng lợi nhuận", anh tâm sự.
Việc sản xuất lúa và mè của anh đều cho năng suất năm sau cao hơn năm trước, giảm đáng kể chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV... Bằng sự cố gắng, nỗ lực lao động, vợ chồng anh đã tích góp mua thêm 3ha đất lúa ở khu vực lân cận. Đến nay gia đình anh có trong tay 5ha. Qua nhiều năm tích lũy, anh Hải mạnh dạn đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp trị giá 1 tỷ đồng để phục vụ thu hoạch lúa của gia đình và làm dịch vụ.
Việc làm ăn của anh ngày một khấm khá. "Đội quân" gặt lúa của anh Hải làm dịch vụ khắp các tỉnh ĐBSCL, thậm chí còn sang cả Campuchia gặt thuê…
Lãi 1 tỷ đồng/năm
Từ dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa và 5ha đất trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè, có năm trúng mùa, trúng giá gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng. Đầu năm 2017, giá cả nông sản không ổn định cộng thêm thời tiết không thuận lợi anh chỉ xuống giống được 3ha mè, sau khi thu hoạch còn lãi gần 200 triệu đồng. Theo anh Hải, bình quân tổng thu nhập của gia đình khoảng 2,3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Ở tuổi 37, anh Cao Hoàng Hải có cơ ngơi vững chắc với 5ha đất, nhiều máy móc hiện đại và căn nhà tường kiên cố... “Tôi nghĩ mọi người, nhất là bạn thanh niên nên cố gắng chí thú làm ăn, trước là để phát triển kinh tế gia đình, sau là giúp ích cho xã hội. Tôi rất muốn thực hiện mô hình sản xuất gạo sạch. Về kỹ thuật canh tác thì tôi có thể tự tin nhưng đang gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu và đất manh mún...”, anh Hải tâm sự.
Không dừng ở đó, sắp tới anh sẽ đầu tư mua thêm 10 - 20ha đất để thành lập vùng sản xuất lúa lớn, có thể tiết giảm chi phí đầu vào và liên kết với DN để bao tiêu đầu ra.
Mới đây lần đầu tiên ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trình diễn "máy bay" mini xịt thuốc BVTV cho lúa tại huyện Tháp Mười. Điều mong muốn lớn nhất của anh là mua được máy bay loại nhỏ phun xịt lúa trên đồng ruộng nhằm tiết giảm chi phí, công lao động và tránh tiếp xúc trực tiếp các loại thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe...
Ngoài việc trồng lúa, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động tại địa phương, bình quân 1 lao động thu nhập 16 triệu đồng/vụ (1 vụ lúa khoảng 3 - 3,5 tháng). Bên cạnh đó anh còn giúp các hộ ở khu dân cư ấp 1 mượn tiền để giải quyết lúc khó khăn, không tính lãi, bình quân khoảng 20 triệu đồng/năm. Hàng năm anh còn bỏ ra khoảng 30 triệu đồng để làm công việc phúc lợi xã hội như làm đường, cầu, tặng gạo cho người nghèo…
Ông Nguyễn Văn Ta, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Ngự cho biết, anh Hải là nông dân siêng năng, chí thú lao động để phát triển kinh tế gia đình, nhạy bén áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là cơ giới hóa và chuyển đổi cây trồng theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Hải là tấm gương sáng cho các hội viên nông dân trong xã học tập.
- Khởi nghiệp từ nuôi lợn (01/11/2017)
- PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH TỪ CHỊU KHÓ CHĂN NUÔI (16/10/2017)
- VƯƠN LÊN TỪ NUÔI VỊT ĐẺ SIÊU TRỨNG (16/10/2017)
- Bí quyết thành công của người có thâm niên 10 năm nuôi ếch Thái Lan (06/09/2017)
- Tiên phong trồng na ở vùng đất thừa hạn, thiếu mưa (05/09/2017)
- Cảm phục tấm gương lên núi nuôi lợn rừng, thu 2 tỷ đồng/năm (05/09/2017)
- Giàu nhờ biết 'liệu cơm gắp mắm' (05/09/2017)
- Từ 10 con bò ban đầu, sau 10 năm trở thành 'tỷ phú' với vài trăm con (05/09/2017)
- Nuôi chim cút lãi hơn 1 triệu đồng/ngày (04/05/2017)
- Trồng thanh long ruột đỏ + nuôi dông thu nhập cao (28/11/2016)