Trồng nghệ đen, thu 8 – 10 triệu đồng/sào
10/05/2019

Mô hình trồng cây nghệ đen đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Gia Bình (Bắc Ninh) vì hiệu quả kinh tế và những công dụng của nó đem lại.

Nhận thấy được lợi nhuận kinh tế từ loại cây dược liệu này, anh Nguyễn Minh Sơn, Bí thư đoàn xã Giang Sơn đã không ngần ngại đầu tư trồng. Với kinh nghiệm sẵn có từ việc trồng thí điểm nghệ vàng cho một Cty dược và được người bạn ở Hưng Yên tư vấn, anh Sơn đã mạnh dạn đưa nghệ đen vào trồng thí điểm trên đất bãi. Ban đầu gia đình anh Sơn chưa đồng tình về việc trồng nghệ đen do vốn đầu tư khá cao, từ 2,2 – 2,5 triệu đồng/sào. Lượng phân bón cũng cần nhiều hơn trồng nghệ vàng. Nhưng với quyết tâm cao, anh Sơn đã đầu tư ban đầu với diện tích trồng 4 mẫu.

Anh Sơn cho biết, kỹ thuật trồng đơn giản: Phay đất lên luống cao khoảng 25cm, luống rộng 1 - 1,2m. Hàng cách hàng 60cm, cây cách cây 50cm. Trồng chéo cây, đan xen theo hình zíc zắc. Cuốc hốc sâu khoảng 15cm, bỏ tro bếp, lân vào hố lấp qua một lượt đất mỏng, sau đặt củ nghệ vào lấp đất.

Hiện tại, diện tích ruộng nghệ đen của gia đình anh Sơn đạt năng suất 1,2 – 1,5 tấn/sào. Với giá nghệ tươi bán thời điểm đầu vụ là 11 nghìn đồng/kg, trừ hết các chi phí, đem về lợi nhuận ròng từ 8 – 10 triệu đồng/sào.

"Nghệ đen là một cây trồng rất kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa và rau màu. Kỹ thuật trồng đơn giản, cây không quá kén đất, phù hợp với đất màu và đất bãi. Diện tích trồng nghệ đen trên địa bàn xã càng ngày càng tăng. Đến nay có khoảng 20 hộ tham gia trồng nghệ đen với diện tích 5ha", ông Trương Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn.

Bình Phước sẽ là thủ phủ ca cao

Theo thống kê của Sở NN- PTNT Bình Phước, hiện nay diện tích cây ca cao của tỉnh có hơn 1.000 ha, tập trung ở huyện Bù Đăng, chủ yếu được trồng xen trong các vườn điều, cà phê. 

Định hướng đến năm 2020, diện tích thâm canh cây ca cao trồng xen trong vườn điều dự kiến đạt từ 20.000 - 30.000 ha. Đây là điều kiện thuận lợi cho người trồng ca cao ở Bình Phước - vốn là vùng nguyên liệu ca cao lớn của Việt Nam.

Việc nông dân trồng xen cây ca cao trong vườn điều sẽ tiết kiệm được diện tích đất canh tác, vừa tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích vừa góp phần khuyến khích người nông dân giữ lại vùng nguyên liệu cho ngành điều của tỉnh.

Hiện nay, Bình Phước có gần 150.000 ha điều, trong đó khoảng 60.000 ha có đủ nước để nông dân trồng xen cây ca cao và được Bộ NN- PTNT chọn là một trong những vùng trọng điểm để phát triển cây ca cao đến năm 2020.

Theo các chuyên gia, ca cao là loại cây dễ trồng, có thể trồng xen với điều, cà phê,…nên không tốn nhiều đất, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật chỉ sau 18 tháng có thể cho trái.

Đến nay, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cây ca cao, trong đó có quy hoạch vùng nguyên liệu ca cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng tầm nhìn 2020 với 20.000- 30.000 ha trồng xen trong vườn điều. Trên thực tế, đã có rất nhiều nông dân đã trồng cao cao xen điều. Trên cơ sở đó đã hình thành một số tổ hợp tác sản xuất ca cao xen điều trên địa bàn toàn tỉnh.

Để thúc đẩy việc trồng xen ca cao trong vườn điều, ngành nông nghiệp Bình Phước đang thực hiện những giải pháp cụ thể như: xây dựng vùng ca cao tập trung năng suất cao theo hướng hữu cơ bền vững; đầu tư hệ thống thủy lợi tại vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác ca cao tiên tiến; xây dựng hệ thống thu mua và thông tin về giá để nông dân yên tâm sản xuất.

Về việc mở rộng diện tích ca cao, ngày 29/3 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Lê Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành đã có buổi tiếp, làm việc với Tập đoàn LR Group của Israel để bàn về vấn đề hợp tác phát triển cây ca cao và sản xuất các sản phẩm từ cây trồng này trên địa bàn tỉnh.

Ông Roy Ben Yami - Chủ tịch Tập đoàn LR Group cho biết, Tập đoàn mong muốn có cơ hội được hợp tác với Bình Phước để trồng cây ca cao làm nguyên liệu chế biến tại chỗ. LR Group sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư trong quy trình, bao gồm đầu tư giống, công chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, Tập đoàn LR Group có thể hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước trồng ca cao theo quy trình hiện đại và chịu trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm do người nông dân sản xuất ra.

Khoai lang trên đất lúa lãi khá

Nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đang phát triển trồng khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản cho củ màu tím, màu sữa, đỏ, trắng...

Sau hơn 4 tháng trồng đạt năng suất khá cao, từ 45 - 50 tạ/công (công = 1.000m2, mỗi tạ ở miền Tây là 60kg) và thương lái thu mua với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/tạ, mỗi ha nông dân thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Chị Trương Thị Bích Chi ngụ xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông trồng gần 10 công khoai lang hơn 50 ngày tuổi, cho biết: “Giống khoai lang trắng phù hợp với vùng đất phèn năng suất trung bình từ 50 - 60 tạ/công, trừ chi phí các khoản còn lời khoảng 10 - 15 triệu đ/công. Hiện nay, nông dân làm lúa bấp bênh và giá cả không ổn định nên phải luân canh, xen canh rau màu. Các công việc làm đất, lên liếp, trồng khoai, làm cỏ, vệ sinh ruộng, chăm sóc, bón phân cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương có thu nhập ổn định từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày.


Số lượt đọc: 1373 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác