Cả ấp khấm khá lên nhờ vườn sơ ri ngày một xum xuê
05/09/2017

Lâu nay, ai cũng nghĩ rằng sơ ri là đặc sản của xứ Gò Công (Tiền Giang). Gò Công là quê hương của cây sơ ri, nhưng thực ra sơ ri có mặt rải rác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Một thời giá sơ ri bấp bênh nên nhiều nhà vườn đã chuyển sang cây khác. Nhưng...

Đáng mừng là từ năm 2012 đến nay, giá sơ ri dần dần ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh nên nhiều người bắt đầu trồng lại, phổ biến nhất là sơ ri chua giống Brazil để cung cấp cho nhà máy ép lấy nước xuất khẩu đang hoạt động tại thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông.

Tại rạch Trà Cuồng, ấp Mỹ Trung A, xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, có nhiều hộ vươn lên khá giả nhờ trồng sơ ri ngọt.

Ông Lê Văn Tám, ngụ ấp Mỹ Trung A kể lại: “Hai mươi năm trước có dịp đi qua miệt Giồng Trôm, Bến Tre thấy người ta trồng sơ ri đều khá giả, tôi liền học hỏi cách chăm sóc và mua giống về trồng trên đất nhà. Không bao lâu cây phát tiển sum xuê, trái ăn rất ngon. Từ đó tôi tiếp tục nhân giống, đến nay đã được vài chục cây, mỗi vụ thu nhập trên vài chục triệu đồng".

Ông Phan Khắc Tài, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Trung A cho biết, thấy nhà hàng xóm có cây sơ ri cho trái rất ngon, màu sắc hấp dẫn nên ông xin chiết về trồng thử nghiệm trong vườn nhà. Sau một thời gian ngắn, cây đâm chồi nẩy lộc, trái chín đỏ tươi. Từ kết quả đó, ông tiếp tục cải tạo 7 công đất, chuyển đổi đất lúa bằng cách trồng sơ ri. Tính đến nay, ông đã sở hữu được 300 gốc sơ ri, trong đó có những cây trên 20 năm tuổi. Với giá bán dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/ký, một công sơ ri có thể thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm, tổng thu nhập trên 200 triệu.

Sơ ri Mỹ Thuận là giống cho trái ngọt, to, màu sắc bắt mắt nên được thương lái ưa chuộng. Ngoài ăn tươi còn có thể chế biến thành nước giải khát và làm các loại mứt. Sơ ri là loại trái giàu vitamin C và nhiều chất bổ dưỡng khác nên thị trường lúc nào cũng hút hàng.

Để có được nguồn cây giống thuần chủng, chất lượng thơm ngon, bà con nông dân xã Mỹ Thuận áp dụng phương pháp chiết cành để nhân giống. Ngoài ra người trồng còn tuân thủ sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp bằng cách hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn cây ăn trái theo nguyên tắc “4 đúng”, “3 giảm 3 tăng” nhằm bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng. Đây là ưu điểm, cũng là lợi thế của cây sơ ri Mỹ Thuận, giúp bà con nông dân phát triển nhanh chóng, nhiều gia đình ban đầu chỉ trồng vài ba chục gốc, nay đã mở rộng diện tích vài ba công, có của ăn, của để.

Ngày nay, khách du lịch vừa bước tới rạch Trà Cuồng, ấp Mỹ Trung A đều không khỏi ngạc nhiên vì nhà nào cũng có những vườn sơ ri xanh mướt, mượt mà. Vào những ngày hái trái, thương lái rộn ràng tấp nập, biến một vùng quê nghèo trở nên khởi sắc. Chính vì vậy mà bà con ở Mỹ Thuận gọi rạch Trà Cuồng là “rạch Sơ Ri”.

Theo kinh nghiệm của những người trồng lâu năm, mỗi công sơ ri nên trồng với mật độ từ 30 – 40 cây để cành nhánh hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời, giúp cây đạt năng suất và chất lượng cao. Thời gian cây cho trái sai nhất là từ 4 – 5 năm tuổi. Cây càng lớn sản lượng càng cao, chất lượng càng ngon. Sơ ri ra trái quanh năm, cao điểm là mùa giáp Tết, rộ nhất từ tháng 5 đến tháng 8.

Hiện nay một số nhà vườn có kinh nghiệm thường xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ để bán với giá cao hon. Sơ ri trồng tự nhiên, cứ hai tháng cho một lứa trái. Thường người trồng thu hoạch mỗi lần 15 ngày, sau đó ngừng hái trái một thời gian ngắn rồi mới thu hoạch tiếp.

Sơ ri là cây dễ trồng, ít kén đất cũng không đòi hỏi kỹ thuật quá cao lại phát triển nhanh, đầu tư ít vốn. Ông Phan Khắc Tài cho biết, rạch Trà Cuồng trước đây là vùng đất phèn, bà con trồng nhãn, bưởi và các loài cây có múi đều cho năng suất kém, chỉ có cây sơ ri là thích hợp.

Hơn nữa, ưu thế của cây sơ ri là có khách hàng, đặc biệt là thương lái rất ưa chuộng. Hằng ngày đều có thương lái lấy hàng từ Mỹ Thuận đi TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây với sản lượng bình quân từ 5 - 7 tấn/ngày, riêng các ngày cao điểm, lễ tết có thể lên tới 10 tấn. Ngoài tiêu thụ trong nước còn có những chuyến hàng chở sang Campuchia theo đường biên giới Tịnh Biên..

 

Hiện diện tích trồng sơ ri tại xã Mỹ Thuận đã tăng lên 200ha,giúp cho hơn 100 hộ gia đình có thu nhập ổn định, góp phần tích cực vào việc phát triển xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương đang khuyến khích nhà vườn tiếp tục mở rộng diện tích nhưng phải tuân thủ sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 


Số lượt đọc: 1099 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác