Bí đỏ có bộ rễ rất phát triển nên có khả năng chống hạn rất cao. Do đặc điểm này, muốn trồng bí đỏ đạt năng suất cao cần phải làm đất sâu và kỹ, độ pH 5,5 - 7,5.
Cây bí đỏ (Cucurbita pepo L.; C. Maxima) có tên khác là bí ngô, bí ử, bí rợ, bầu Lào.
1. Thời vụ
Gieo hạt từ tháng 10, tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Vụ gieo tháng 10, tháng 11 sẽ ra quả vào tháng 12, tháng 1. Vụ gieo tháng 12, tháng 1 sẽ ra quả vào tháng 2, tháng 3.
Ở miền Bắc trong vụ đông, điều chỉnh vụ gieo sao cho khi cây ra hoa tránh được rét để tăng khả năng thụ phấn và đậu quả. Gieo sớm quá hoặc gieo muộn hơn, lúc ra hoa, quả gặp rét hoặc mưa sớm sẽ thất thu, cây mau rạc.
2. Làm đất và trồng
Bí đỏ có bộ rễ rất phát triển nên có khả năng chống hạn rất cao. Do đặc điểm này, muốn trồng bí đỏ đạt năng suất cao cần phải làm đất sâu và kỹ, độ pH 5,5 - 7,5. Trồng bí đỏ theo những hốc thẳng hàng, hốc sâu 30 - 40cm, rộng 40 - 50cm, cách nhau từ 2 - 3m tùy theo đất xấu hay tốt; giữ mật độ 2.000 - 2.500 cây/ha (70 - 90 cây/sào Bắc Bộ), mỗi hốc gieo 5 - 6 hạt cách đều nhau, gieo hạt xong lấp lên một lớp đất mỏng 2 - 3cm rồi tưới nước giữ ẩm.
Bón lót cho bí đỏ chủ yếu là bón theo hốc, sau khi bổ hốc rồi để 2 - 3 ngày cho hả đất rồi mới bón phân, bón xong trộn với đất đảo đều, lại để 2 - 3 hôm nữa mới gieo hạt.
3. Bón phân NPK-S Lâm Thao
* Tính theo 1 sào Bắc Bộ là 360m2
+ Bón lót: Phân chuồng 600 - 700kg (nếu đất chua bón thêm 25 - 30kg vôi bột). NPK-S*M1 5.10.3-8 bón 12 - 15kg
+ Bón thúc 1: NPK-S*M1 12.5.10-8 bón 10 - 12kg.
+ Bón thúc 2: NPK-S*M1 12.5.10-8: bón 10 - 12kg.
* Tính cho 1 ha:
+ Bón lót: Phân chuồng 15.000 - 18.000kg (nếu đất đồi, đất chua bón thêm 600 - 800kg ha vôi bột vào lúc làm đất).
NPK-S*M1 5.10.3-8 bón 330 - 415kg.
+ Bón thúc 1 khi cây cao độ 40 - 50 cm: NPK-S*M1 12.5.10-14 bón 280 - 330kg.
+ Bón thúc 2 ở thời kỳ ra nụ hoa tập trung để cây có thể đậu quả nhiều, quả to và chắc hơn: NPK*M1-S 12.5.10-14 bón 280 - 330kg.
4. Chăm sóc
Tưới nước, bấm ngọn, nhánh, tỉa hoa đực và lá vàng. Ở giai đoạn cây con cần tưới nước giữ ẩm đất 50 - 60% độ ẩm đồng ruộng.
Khi bí đỏ bò dài trên dưới 1m thì lấy đất chặn lên các đốt dây để tăng thêm rễ phụ làm tăng khả năng hút dinh dưỡng và giữ cho cây khỏi bị gió lay làm dập thân cây, hại hoa quả. Cần bấm ngọn làm rau ăn chỉ để lại mỗi cây 2 - 4 nhánh. Hoa đực thường ra trước hoa cái. Số hoa đực rất nhiều so với hoa cái nên khi hoa cái đã thụ tinh xong cần cắt bỏ bớt hoa đực, tỉa bỏ bớt các nhánh con kém phát triển, vặt bỏ các lá già mọc chen chúc để thêm thoáng cho cây, ong bướm dễ tìm hoa, tăng thêm khả năng thụ phấm thụ tinh và đậu quả cho cây bí đỏ.
Thụ phấn bổ khuyết cho hoa cái: Trên 1 cây bí đỏ hoa đực và hoa cái thường không nở cùng lúc, trong nhiều trường hợp khi đầu nhụy hoa cái có khả năng tiếp nhận hạt phấn tốt thì hoa đực đã tàn, sức sống của hạt phấn đã kém, do đó tỷ lệ đậu quả không cao. Vậy cần phải thụ phấn bổ khuyết cho cây bí đỏ. Tiến hành vào lúc hoa cái nở nhiều; khoảng 7 - 9 giờ sáng ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa rồi nhấn nhị đực lên đầu vòi nhụy của hoa cái, hay lấy panh cặp ít bong chấm nhẹ phấn ở nhị đực rồi quét lên nuốm nhụy cái. Chọn ngày nắng ráo để thụ phấn bổ khuyết chắc chắn tỷ lệ đậu quả trên cây bí đỏ sẽ cao.
Sau khi thụ phấn thụ tinh xong, quả non phát triển. Tùy theo yêu cầu mà có thể hái quả ở các độ tuổi khác nhau. Nếu trên cây đậu nhiều quả thì phải tỉa bớt khi còn non để tập trung dinh dưỡng nuôi số quả còn lại.
Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật, trong đó có sử dụng các loại phân bón NPK-S Lâm Thao, để nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng bí đỏ. Chúc bà con nông dân thành công.
- Dưa lê Hàn Quốc bò lên vùng cao Yên Bái (18/06/2020)
- Xoài Sơn La chất lượng cao (18/06/2020)
- Làm lúa thành tỷ phú (18/06/2020)
- Vĩnh Châu trúng mùa củ cải trắng (18/06/2020)
- Cây xoài Úc bén rễ vựa lúa Gia Lai (18/06/2020)
- Kinh nghiệm bảo vệ vườn cây trái mùa hạn, mặn (08/06/2020)
- Trồng sung mỹ - mô hình mới của nông dân xã Khánh Hòa (08/06/2020)
- Trồng ném lấy củ trên đất cát (15/05/2020)
- Bắt tay trồng rau sạch cung ứng cho siêu thị (15/05/2020)
- Phòng chống bệnh đạo ôn lúa, khó mà dễ (15/05/2020)