Với vườn cam lòng vàng (cam Vinh) trên 1.100 cây được chăm sóc hiệu quả, trung bình mỗi năm, gia đình ông Trần Duy Hà có thể thu về cả tỷ đồng, trở thành hộ làm kinh tế giỏi điển hình của xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Vào những ngày đầu tháng 11, chúng tôi được các đồng chí cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn hướng dẫn đến thăm vườn cam lòng vàng rộng hơn 1 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Trần Duy Hà, ở thôn Trường Sinh, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn.
Xởi lởi tiếp đón mọi người nơi vườn cam đang trong độ chín vàng, sai trĩu quả, thơm lừng mọng nước, ông Hà phấn khởi cho biết: Vườn cam này được gia đình tôi trồng từ đầu năm 2003. Đặc điểm của giống cam lòng vàng là cây càng lâu năm thì quả càng thơm ngon và có vị ngọt đậm hơn so với cam mới trồng. Hiện cây có tán rộng, sai quả nhất năng suất có thể đạt trên 3 tạ quả/cây, và nếu tính với giá bán hiện nay 25.000 – 30.000 đồng/kg thu về gần chục triệu đồng.
Vốn là hộ dân năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế nên cách đây 14 năm, khi thấy giá cả quả vải thiều không ổn định, gia đình ông Hà đã quyết định mua 150 cây giống cam lòng vàng về trồng khảo nghiệm thay thế cho diện tích vải thiều kém chất lượng. Tuy nhiên, ban đầu do gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên số cây cam bị bệnh chết khá nhiều.
Không nản chí, ông Hà một mặt tăng cường nghiên cứu tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây cam lòng vàng qua sách báo; mặt khác ông chịu khó đến học hỏi kinh nghiệm của những hộ đã trồng trước, đồng thời tự mình đúc rút ra kinh nghiệm quá trình chăm sóc vườn cam. Theo đó, ông đã biết được nguyên nhân chủ yếu khiến cây sinh bệnh chết là do việc cuốc xới gốc cam để bón phân, làm rễ cây thối nhiễm bệnh.
Từ đó, gia đình ông Hà hạn chế việc cuốc xới gốc cam mà chủ yếu thực hiện bón phân trên bề mặt sau đó tưới nước nhẹ. Cùng đó, việc chăm sóc cây cam lòng vàng cần bảo đảm bón đủ lượng phân cần thiết cho cây gồm cả phân gà đã ủ mục và phân hóa học (số lượng phân bón tùy thuộc vào tuổi của cây); việc tưới nước giữ ẩm cho cây cần thực hiện thường xuyên nhưng không được để cây úng nước, vườn cần có rãnh thoát nước tốt. Song song với đó là việc phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây, trong đó chú ý đối tượng nhện đỏ, sâu vẽ bùa, rệp và bệnh rỉ sắt – mắt cua.
Chỉ sau ba năm tập trung chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật, vườn cam lòng vàng nhà ông Hà đã cho thu hoạch với chất lượng quả tương đối tốt. Nhận thấy cam lòng vàng có thể sinh trưởng, phát triển tốt trên đất đồi Lục Ngạn, thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nên khi đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, gia đình ông Hà tiếp tục mua giống mở rộng vườn cam lên 1 ha với trên 1.100 cây. Trong ba năm gần đây, vườn cam lòng vàng nhà ông Hà luôn cho thu hoạch ổn định với sản lượng đạt từ 30 – 35 tấn quả/năm, giá trị thu về đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.
Khi đã có kinh tế, năm 2012 gia đình ông Trần Duy Hà lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 mẫu vườn nữa để trồng cam đường canh (cam ngọt Lục Ngạn). Những năm vừa qua, vườn cam này cũng cho nhà ông Hà thu lãi từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Như vậy, tính tổng thu nhập cả 2 loại cam, mỗi năm gia đình ông Hà thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt trong vụ cam năm 2017, được sự hỗ trợ của cán bộ Trạm Khuyến nông Lục Ngạn, gia đình ông Hà đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cam lòng vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện mô hình này, ngoài kỹ năng và kinh nghiệm chăm sóc vườn cam có sẵn, gia đình ông Hà còn được hướng dẫn thực hiện quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ một phần phân bón cho cây. Theo đó, trong quá trình chăm sóc vườn cam như: bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật loại nào, trong thời gian nào? Đều được gia đình ông Hà thực hiện việc ghi chép cẩn thận trong sổ nhật ký. Không những vậy, ông còn sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược thay thế cho thuốc hóa học trong phòng trừ sâu cho cây cam nhằm bảo đảm an toàn hơn cho người sử dụng sản phẩm. Đầu tháng 11, mô hình chăm sóc cam lòng vàng của gia đình ông Hà đã được nghiệm thu, đánh giá đạt tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho vườn cam này, không chỉ tạo điều kiện giúp thuận lợi cho sản phẩm cam lòng vàng nhà ông Hà được tiêu thụ ở các thị trường khó tính như siêu thị và xuất khẩu, mà còn giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm sạch an toàn. Đây đang là xu thế phát triển trong sản xuất cây ăn quả của huyện Lục Ngạn.
- Bắt bệnh, bồi bổ sức khỏe cho đất (04/11/2020)
- Dịch bệnh cây trồng, nguy cơ từ suy thoái đất (04/11/2020)
- Kỹ thuật bảo quản lúa gạo Japonica luôn thơm ngon (04/11/2020)
- Kỹ thuật bảo quản lúa gạo Japonica luôn thơm ngon (04/11/2020)
- Chăm sóc vườn cây trong điều kiện thời tiết bất lợi (04/11/2020)
- Biến rơm rạ thành 'vàng' (04/11/2020)
- Sản phẩm OCOP gạo sữa Dương Xuân Quả (04/11/2020)
- Sửa gen tạo giống 'siêu bố' (04/11/2020)
- Tưới tiết kiệm xoài bằng công nghệ mini pan (04/11/2020)
- Hiệu quả dùng màng phủ passlite cho rau an toàn (03/11/2020)