Sau 2 năm thử nghiệm, ông Ngô Văn Chiến (thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã thuần hóa thành công con tôm thẻ chân trắng nuôi sống ở nước mặn sang nuôi sống ở nước ngọt.
Ông Chiến cho biết, trước kia ông chỉ quen với mô hình nuôi vịt đẻ kết hợp thả cá rô phi đơn tính, song do thị trường bão hòa các vật nuôi truyền thống nên những năm gần đây SX không còn đem lại hiệu quả cao.
Với quyết tâm làm giàu trên đất quê mình, năm 2015 ông Chiến đã đi nhiều tỉnh thành ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh… để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cũng như cách chăm sóc về loài thủy sản này.
Mặc dù, đặc thù tôm thẻ chân trắng sinh sống ở nước mặn và nước lợ, nhưng bằng niềm đam mê, sáng tạo, ông Chiến đã tự mày mò, nghiên cứu, tham khảo tài liệu để thuần hóa con tôm thẻ chân trắng nuôi ở vùng nước ngọt.
Thời gian đầu, khi mới bước vào thực hiện, ông Chiến gặp không ít khó khăn bởi vốn kiến thức hạn hẹp, kỹ thuật chăm sóc chưa cao nên tôm thường xuyên chết. Không nản chí, ông Chiến vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê.
Thế rồi, trời không phụ lòng người, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt của gia đình ông Chiến bắt đầu có tín hiệu đáng mừng. Tôm dần thích nghi với môi trường mới, phát triển đồng đều.
“Sau hai năm nay tôi nghiên cứu, tôi đã thuần hóa thành công con tôm nước mặn sang nuôi nước ngọt. Qua thu hoạch vụ đầu tiên, thấy hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới, phá thế lập canh nên tôi tiếp tục đầu tư”, ông Chiến vui mừng.
Theo kinh nghiệm của ông Chiến, để nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt thành công, thì người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật được ngành nông nghiệp khuyến cáo như chọn con giống ở những địa chỉ tin cậy để tôm sạch bệnh, ao nuôi cần được cải tạo kỹ sau mỗi vụ, lấy và xử lý nước theo đúng quy trình kỹ thuật.
Trong suốt quá trình nuôi nên duy trì mực nước tối thiểu trong ao từ 1,2 - 1,5m và quản lý chất lượng nước bằng các chế phẩm vi sinh để duy trì chất lượng nước ổn định đến cuối vụ.
Cũng theo ông Chiến, tôm thẻ chân trắng có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn từ 2,5 - 3 tháng, với hình thức nuôi bán thâm canh mật độ nuôi từ 80 - 100 con/m2, thức ăn cho tôm phù hợp theo độ tuổi phát triển của tôm.
“Do yêu cầu phải đảm bảo nhu cầu oxy hòa tan trong suốt quá trình nuôi, nên ao nuôi và trang thiết bị cần thiết cũng phải đáp ứng yêu cầu nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công trong quá trình sản xuất”, ông Chiến khẳng định.
Với niềm đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp ông Chiến bước đầu thu hoạch được những thành quả khả quan. Theo tính toán của ông Chiến, với diện tích 0,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi một năm gia đình ông có thể nuôi 3 lứa. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Được biết đến là người đầu tiên trên địa bàn huyện Kim Động thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở môi trường nước ngọt nên ông Chiến đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh khi họ tới tham quan, học hỏi.
Anh Nguyễn Đức Quân (quê ở tỉnh Hà Nam) chia sẻ: "Được bạn bè giới thiệu về mô hình nuôi tôm nước ngọt của gia đình ông Chiến, tôi đã về tận gia đình để tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Tại đậy, ông Chiến đã nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo từ cách xuống con giống, cách thức cho ăn và giờ cho ăn, phòng chống dịch bệnh…". |
- Nuôi ghẹ lột, mô hình mới mang lại thu nhập cao ở Thừa Thiên – Huế (15/10/2018)
- Nuôi cá lóc trong vèo tuy cực nhọc, song mỗi năm lãi 600 triệu đồng (29/03/2018)
- Nuôi tôm có chứng nhận, xu hướng mới nâng cao giá trị (24/11/2017)
- Hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng (01/11/2017)
- Để nuôi tôm thâm canh bền vững (15/05/2017)
- Đa dạng mô hình nuôi ghép thủy sản (15/05/2017)
- Nuôi tôm càng xanh toàn đực tăng sản lượng (20/10/2016)
- Cá rô phi nuôi bằng công nghệ biofloc tăng trưởng nhanh (19/08/2016)
- Phòng bệnh cho cá nuôi lồng bè (29/03/2016)
- Trúng đậm cá ngừ đại dương (21/03/2016)