Nông sản an toàn tại Nghệ An đang có đầu ra rộng mở. Nhiều bà nội trợ, thay vì ra chợ mua rau củ quả trôi nổi đã tìm đến các siêu thị mua thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ rang.
Điều này tạo cơ hội để việc đầu tư sản xuất nông sản an toàn mau thu hồi vốn.
Cuối năm 2017, sau khi nghỉ nghề cơ khí đóng tàu, ông Nguyễn Kim Nam ở xóm 3, xã Nam Anh vay 300 triệu đồng đầu tư 600m2 nhà màng và hệ thống thủy canh hồi lưu, chuyên trồng các loại rau ăn lá.
Sau khi ươm hạt giống rau từ 4 - 5 ngày trong mút xốp, cây con được trồng trong cốc và đặt trong hệ thống giá đỡ. Dưới giá đỡ, tận dụng mặt đất trống, ông Nam trồng thêm các loại rau, lộc gia vị.
Hệ thống trồng rau thủy canh này được thiết kế linh động, khoa học, tiết kiệm không gian. Phương pháp này làm cho cây phát triển an toàn, đơn giản hóa cách trồng cây và đảm bảo sản phẩm sạch.
Theo ông Nam, dinh dưỡng thủy canh đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm đầy đủ và cân đối các nguyên tố đa lượng(N, P, K), trung lượng(Ca, Na, Mg, S) và vi lượng (Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Cl) giúp tối ưu hóa cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Đặc điểm nổi bật của phương pháp trồng rau thủy canh là có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Do trồng trong nhà màng, rau không sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học gây hại cho môi trường nên sản phẩm hoàn toàn, giàu dinh dưỡng và tươi ngon.
“Để có chất lượng sản phẩm rau thủy canh tốt thì ngoài khâu chọn giống tốt, giá thể quan trọng, đặc biệt xơ dừa phải qua xử lý mới được ươm cây, ươm hạt để cây phát triển, không mang mầm bệnh; trồng rau thủy canh chỉ 23 ngày là cho thu hoạch”, ông Nam cho biết.
Vụ đầu tiên, sau gần 1 tháng, ông thu về trên 20 triệu đồng. Hiện đang giữa mùa cải bó xôi, rau muống, dưa chuột… sau khi cắt bán 10 giàn, ông đã thu về trên 9 triệu đồng.
Hiện cơ sở đang cung cấp cho thị trường chủ yếu các loại rau ăn lá phổ biến như rau cải canh, cải bó xôi, cải ngọt, rau muống… và đang trồng thử nghiệm các giống rau mới chất lượng cao của Nhật Bản như cải đuôi phụng, dưa chuột bi...
Rau trồng theo phương pháp thủy canh của ông Nam phần lớn cung cấp cho cửa hàng Xanh Mart tại TP Vinh do chính ông làm chủ. Nhiều khách hàng trong xã và một số xã lân cận cũng tìm đến tận vườn để mua về ăn. Giá rau ổn định ở mức 30 nghìn đồng/kg, đắt hơn ngoài thị trường 3 - 4 lần nhưng vẫn “cháy hàng”.
“Sắp tới tôi sẽ đầu tư thêm giá đỡ để tăng diện tích rau thủy canh. Thực tế, trồng theo phương thức này sẽ tính toán được chi ly mức đầu tư, khả năng thu hồi vốn nhanh và quan trọng nhất là tạo ra được sản phẩm an toàn”, ông Nam cho biết.
Cách vườn rau của ông Nam chưa đầy 1km là vườn rau tại xóm 5 của anh Lê Cảnh Hiếu. Năm 2013, khi đang là sinh viên Khoa Nông lâm, Trường ĐH Vinh, Hiếu được sang Israel thực tập. Tại đây, trực tiếp chứng kiến nền nông nghiệp hiện đại của nước bạn, Hiếu ước mơ một ngày sẽ triển khai mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà lưới.
Đầu năm 2018, Hiếu đầu tư 400 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới rộng 1.000m2, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt. Vụ đầu tiên, Hiếu đầu trồng giống dưa Maya của Israel với mật độ 2.200 cây/1.000m2. Đến nay, dưa đang vào vụ thu hoạch rộ, mỗi ngày Hiếu thu hoạch 200kg, loại 10 - 12 quả/kg. Một nửa sản phẩm được đưa xuống TP Vinh nhập cho cửa hàng của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An và Tam Nông với giá 18 - 20 nghìn đồng/kg. Số còn lại, khách thường xuyên đến tận vườn thu mua về làm thực phẩm.
“Làm trong nhà màng không có sâu. Khi cây còn nhỏ chỉ phải phun một lần phòng trị nấm vì vậy sản phẩm đảm bảo an toàn. Với 2.200 cây/1.000m2, tôi đầu tư hết 30 triệu đồng. Theo lý thuyết, vụ dưa này sẽ thu hoạch 50 - 60 ngày. Nếu đạt sản lượng như dự kiến thì sẽ cho 100 - 120 triệu đồng/vụ. Dù sản phẩm bán rất chạy nhưng tôi mong muốn sẽ tìm được kênh phân phối sỉ toàn bộ sản phẩm để đỡ công bán lẻ”, Hiếu vừa ngắt quả dưa, cắn ngay tại vườn vừa nói.
Theo ông Trần Văn Nam, cán bộ nông nghiệp xã Nam Anh, hiện xã có 200ha màu. Sản xuất rau màu hàng hóa tại Nam Anh đã có trên 20 năm. Và mỗi ha rau đem về nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm. Đó là nguồn thu chính giúp người dân ở đây vươn lên làm giàu.
“Làm màu vất vả nhưng thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Vài năm lại đây, phong trào trồng rau an toàn, nhà lưới ở Nam Anh đang phát triển mạnh. Nông sản an toàn được trồng theo quy trình nghiêm ngặt không lo đầu ra nhưng đầu tư lớn nên cần có những mối liên kết chặt chẽ nếu không muốn thất bại. Sắp tới chúng tôi tiếp tục triển khai 5.000m2 rau VietGAP. Đây cũng sẽ là hướng phát triển rau màu hàng hóa tại Nam Anh trong thời gian tới”, ông Trần Văn Nam cho biết.
- Bắt bệnh, bồi bổ sức khỏe cho đất (04/11/2020)
- Dịch bệnh cây trồng, nguy cơ từ suy thoái đất (04/11/2020)
- Kỹ thuật bảo quản lúa gạo Japonica luôn thơm ngon (04/11/2020)
- Kỹ thuật bảo quản lúa gạo Japonica luôn thơm ngon (04/11/2020)
- Chăm sóc vườn cây trong điều kiện thời tiết bất lợi (04/11/2020)
- Biến rơm rạ thành 'vàng' (04/11/2020)
- Sản phẩm OCOP gạo sữa Dương Xuân Quả (04/11/2020)
- Sửa gen tạo giống 'siêu bố' (04/11/2020)
- Tưới tiết kiệm xoài bằng công nghệ mini pan (04/11/2020)
- Hiệu quả dùng màng phủ passlite cho rau an toàn (03/11/2020)