Khoa học công nghệ “đánh thức” nông nghiệp, nông dân, nông thôn
03/09/2015
Khoa học công nghệ (KHCN) trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, nếu ví thương mại là “đôi chân” đưa nông sản Việt Nam tiến xa trên thị trường thì KHCN được coi là “xương sống” để ngành nông nghiệp nâng cao giá trị cho nông sản.

KHCN tạo sự bứt phá trong nông nghiệp

Sau 10 năm thực hiện chương trình công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thực hiện giai đoạn 2005-2015 đã cung cấp cho thị trường các loại con giống có tính trạng tốt về tăng trưởng như: Đàn cá tra hậu bị thế hệ thứ ba (10 nghìn con), phát tán và nuôi thương phẩm cá tra, dòng cá rô-phi đỏ nuôi phát tán và nuôi đánh giá thử nghiệm tại các vùng nước lợ và ngọt. Các đàn tôm sú, tôm chân trắng chọn giống được nuôi tăng trưởng tốt ở các vùng địa lý khác nhau. Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồi Vân (Oncorhynchus mykiss). Ngoài ra đã chế được vắc-xin thành phẩm cho cá giò, cá rô-phi và công nghệ sản xuất; chế phẩm vi sinh thương mại và công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ nuôi tôm thâm canh cho năng suất, chất lượng cao.

Ngoài việc khơi dậy tiềm năng của ngành thủy sản, KHCN còn tác động mạnh mẽ đến ngành chăn nuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, lĩnh vực này đã nhận chuyển giao gần 15 nghìn con trâu, bò, dê và gần 2.400 con lợn sinh sản và lợn thịt, hơn 500 nghìn con gia cầm các loại. Nhờ áp dụng KHCN trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, đã góp phần nâng tỷ lệ nuôi sống lợn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 99%, tỷ lệ phối giống trâu, bò, dê đạt 100%... Đây chính là những kết quả rất đáng khích lệ bảo đảm cho nông sản đạt yêu cầu về chất lượng giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu đạt xấp xỉ 31 tỷ USD (năm 2014), tăng 1,5 lần so bình quân các năm từ 2010 đến 2012.

Không chỉ phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, KHCN còn là lời giải cho bài toán tái cơ cấu ngành trồng trọt và xây dựng mô hình nông thôn mới trên cả nước. Theo ghi nhận chung từ Chương trình trọng điểm phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2011-2015 đã chọn tạo được 42 giống cây trồng bằng công nghệ chỉ thị phân tử và công nghệ tế bào; 33 dòng chuyển gien; xây dựng quy trình sản xuất tám chế phẩm sinh học phòng trừ tuyến trùng nấm, vi khuẩn gây hại trên rễ cây hồ tiêu, cà-phê, bông, ngô…; năm loại chế phẩm sinh học phục vụ trong chế biến sản phẩm, bảo quản rau quả tươi… Điều đáng nói là tất cả các giống cây trồng nêu trên đã và đang trải qua mô hình thử nghiệm, trình diễn và được ứng dụng rộng rãi trong cả nước, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, cao gấp hai đến ba lần so với mô hình thông thường. Đặc biệt, Việt Nam còn là một trong năm quốc gia trên thế giới đã nuôi trồng thành công Đông trùng hạ thảo, một trong những vị thuốc quý có giá trị kinh tế cao.

Mới đây, Bộ NN và PTNT cũng đã công nhận kết quả khảo nghiệm năm giống ngô biến đổi gien gồm: BT11, GA21, MON98034, NK603, TC1507 để chuyển Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép an toàn sinh học. Đây là một mốc quan trọng của ngành trồng trọt và cũng là giải pháp gỡ khó cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Cần một chiến lược dài hơi

Trong chiến lược phát triển KHCN nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2011 - 2020. Bộ NN và PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 thành tựu KHCN đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 30% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu đề ra, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng cần phải lấp đầy kiến thức KHCN cho người nông dân thông qua công tác chuyển giao tiến bộ KHCN. Đồng thời phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KHCN nhà nước với tư nhân, hợp tác xã, người nông dân thông qua những chính sách ưu đãi cụ thể.

Thực tế đã chứng minh, phát triển KHCN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải thu hút, khuyến khích DN chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học cao gấp nhiều lần con số hiện có (hiện cả nước có 132 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN, trong đó có 18 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - số liệu từ Bộ NN và PTNT năm 2014)… Có như vậy mới tạo động lực mới cho nghiên cứu KH và để các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, đặc biệt hướng trọng tâm vào công nghệ sau thu hoạch.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KHCN công lập; đổi mới cơ chế quản lý, chế độ tài chính theo hướng quản lý sản phẩm, đầu ra của nhiệm vụ KHCN… nhằm có được những công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, rút ngắn khoảng cách giữa nông nghiệp Việt Nam với thế giới nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Mong muốn được sở hữu những tiến bộ KHCN hay những mô hình ứng dụng KHCN có hiệu quả cao không chỉ là khát vọng của người nông dân, mà còn là đòi hỏi hết sức cấp thiết của nền kinh tế đối với các nhà khoa học, để KHCN không chỉ là xương sống của nền nông nghiệp mà còn là chìa khóa “đánh thức” hết thảy những tiềm năng sẵn có của nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta hiện nay.

Hiện cả nước đã có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới. Khoảng gần 90% số giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Việt Nam cũng giành ba giải thưởng về đột biến tạo giống lúa bằng kỹ thuật bức xạ do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chứng nhận.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 


Số lượt đọc: 1045 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác