Mận đỏ Hoàng Su Phì mang lại nguồn thu 6 tỷ đồng/năm
11/05/2018

Tháng 5 là thời điểm những cây mận máu (mận đỏ) hay còn gọi là Chí Kháy Là (đỏ) tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) chuẩn bị thu hoạch. Năm nay thời tiết thuận lợi nên diện tích mận đều cho nhiều quả.

Là huyện phía tây của tỉnh, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây ăn quả. Đặc biệt những loại cây như mận, lê, đào… có giá trị kinh tế cao. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2012 - 2016, huyện đã quy hoạch phát triển cây mận máu và lê.

Tính đến hết năm 2017, huyện Hoàng Su Phì có gần 200ha mận máu được trồng hầu như ở tất cả các xã. Nhiều nhất là ở 2 xã Thàng Tín và Chiến Phố. Cây mận máu cho quả to đều, tròn mọng nước, vị ngọt đậm và đặc biệt khi đang đói bụng vẫn có thể ăn no, ăn chán thì thôi, không lo bị cồn ruột.

Năm ngoái do thời tiết mưa đá khiến nhiều diện tích mận của bà con nơi đây bị rụng dẫn đến sụt giảm đáng kể sản lượng quả. Đến thời điểm hiện tại, thời tiết chưa xuất hiện hiện tượng cực đoan (mưa đá, dông lốc), cây mận của bà con đang cho sai quả.

Ông Bùi Phúc Đức, Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời điểm hiện tại cây mận đang kết trái. Thời điểm mận máu chín sẽ vào tháng 6 hàng năm. Quả mận ở Hoàng Su Phì đã có thương hiệu nên thông thường bà con không phải mang ra chợ bán như ở nhiều nơi khác mà có thương lái vào tận vườn để thu mua.

Nhiều hộ dân tại xã Chiến Phố cũng cho biết, ngay thời điểm hiện tại, dù mận chưa chín nhưng đã có nhiều thương lái bên tỉnh Lào Cai đến tận vườn của họ để đặt cọc trước với giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg.

Sản lượng trung bình mận máu ở Hoàng Su Phì khoảng 300 tấn quả/vụ, đem lại thu nhập 6 tỷ đồng mỗi năm cho người nông dân.

Hiện, ngành nông nghiệp của huyện, xã đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mận đang ra trái, đồng thời khuyến cáo bà con chú ý đề phòng thời tiết cực đoạn ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì tập trung phát triển các loại cây ăn quả bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.


Số lượt đọc: 949 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác