Bón phân hợp lý để ứng phó với biến đổi khí hậu
08/05/2019

Cùng với sự phát triển của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất nông nghiệp sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong GDP nhưng luôn có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội.

Đặc biệt trong hoàn cảnh của nước ta, vẫn đang và sẽ còn phần lớn dân cư sống ở nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững là nhu cầu thiết yếu của họ...  

Biến đổi khí hậu ở khắp nơi

Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, bất thường về lượng mưa, nhiệt độ và hậu quả của chúng là mưa đá, tuyết rơi ở miền núi phía Bắc, hạn hán nặng ở miền Trung và Tây Nguyên; đặc biệt là tình trạng hạn hán kết hợp với xâm nhập mặn ảnh hướng lớn đến khả năng sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đất nhiễm mặn ở ĐBSCL là kết quả của tình trạng không có mưa trong một thời gian dài làm cạn kiệt nước của các dòng sông, tạo điều kiện để nước biển mặn (chứa nhiều muối hoà tan) chảy từ biển vào sâu trong đất liền, gây mặn đất canh tác và nước ngầm, ảnh hưởng xấu tính chất vật lý, hoá học, sinh học của đất.

Đất có hàm lượng tổng số muối tan (TSMT) trên 0,1% gọi là đất mặn. Đất có TSMT trên 0,5% trên thực tế nếu không được cải tạo, thì không trồng trọt được. Đất bị mặn ảnh hưởng xấu tới khả năng sản xuất tự nhiên của đất do sự có mặt trong đất một lượng lớn muối tan (NaCl, Na2SO4….) và các ion Cl- , SO42- , Na+ có thể gây hại cho cây trồng (làm giảm mạnh tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, hệ rễ cây phát triển kém, cây hút dinh dưỡng yếu, không sử dụng được nước ở các lớp đất sâu), cây có thể bị chết hoặc giảm năng suất.

Trong đất bị mặn ion Na+ đóng vai trò xấu chính, những tính chất xấu của đất chủ yếu do ion này gây nên. Đất thường có phản ứng từ ít chua đến kiềm yếu (pHKCl thay đổi từ 6 - 8). Muốn cải tạo đất mặn để có lợi cho cây trồng, phải loại trừ ion Na+ ra khỏi đất (trong dung dịch đất và phức hệ hấp thu của đất).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, ngày nay loài người đã có khả năng tạo ra những điều kiện khí hậu nhân tạo, song vẫn còn nhỏ về quy mô, hạn chế về công suất và đặc biệt vô cùng tốn kém nên nói chung vẫn còn khó phát triển ra diện rộng.

Do đó trong thực tế sản xuất nông nghiệp, để phát huy khả năng sản xuất tự nhiên của đất, việc hiểu biết các đặc điểm khí hậu trong mối quan hệ với cây trồng - phân bón - canh tác để tránh né và lợi dụng vẫn là phương châm chủ yếu cho việc đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, các biện pháp canh tác với việc lựa chọn cây trồng cùng kỹ thuật canh tác thích hợp và phân bón có vai trò rất quan trọng trong thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên mọi biện pháp cần quan tâm tới hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cây trồng cần quan tâm tới tất cả các vấn đề liên quan (đặc điểm đất đai, khí hậu, nhu cầu của thị trường, giá thành sản phẩm, chi phí sản xuất, khả năng chấp nhận của người sản xuất…) để đảm bảo sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và không tác động xấu tới môi trường mới có tính khả thi và phát triển bền vững.  

Làm thế nào để nâng cao hiệu suất của phân bón?

Vì vậy, bón phân hợp lý càng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp đang bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu, trong đó cần quan tâm tới những thay đổi của khí hậu, đất đai để bón phân cho phù hợp, tránh tương tác xấu giữa mất cân đối dinh dưỡng khoáng và bất thuận của khí hậu.

Hiệu suất của phân bón trong điều kiện khí bất thuận thấp hơn so với bình thường do cây trồng thường bị các yếu tố bất thuận (nhiệt độ, nước, mặn…) hạn chế sinh trưởng và năng suất cao, lại đòi hỏi lượng dinh dưỡng lớn hơn để tạo ra một đơn vị năng suất. Nhưng bón phân hợp lý giúp cây trồng sử dụng nước và dinh dưỡng khoáng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện bất thuận, là cơ sở quan trọng đảm bảo cho cây trồng cho năng suất với chi phí sản xuất đúng ở mức có lãi nhất.

Khoa học sử dụng phân bón là Nông hóa đã nghiên cứu và đề ra những đặc điểm trong quy trình bón phân cho cây trồng trong những điều kiện khác nhau của khí hậu, đất đai. Trong điều kiện bất thuận chú ý nhiều hơn tới phân lân và phân kali vì chúng có vai trò lớn trong việc giúp cây trồng khắc phục những điều kiện bất thuận của khí hậu (rét, hạn….) và đất đai (mặn, chua..) nhờ tạo ra các phản ứng sinh lý sinh hóa ở trong cây. Riêng phân lân còn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống rễ của cây trồng, tạo điều kiện tốt hơn cho cây hút nước và dinh dưỡng trong điều kiện bất thuận.

Trong số các dạng phân lân, phân supe lân đơn là dạng phân chứa lân hòa tan trong nước nên rất dễ tiêu và rất thích hợp cho cây trồng trong điều kiện bất thuận (khô hạn, rét, mặn..), đặc biệt thích hợp cho cây trồng trên đất mặn do khả năng cung cấp dinh dưỡng ở dạng rất dễ tiêu, đồng thời lại có khả năng khắc phục ion gây hại chính (Na+) của đất mặn một cách rất khoa học và hiệu quả. Vì đất bị mặn thường có phản ứng ít chua đến kiềm (cần tránh làm tăng pH) nên để đẩy Na+ ra khỏi đất phải chọn nguyên liệu vôi không làm tăng pH.

Trên đất này sử dụng nguyên liệu vôi dạng CaSO4 như thạch cao: CaSO4.2H2O hay supe lân đơn: Ca(H2PO4)2.H2O+CaSO4 thì không làm tăng độ pH của đất mà lại đẩy Na+ ra khỏi đất ở dạng muối Na2SO4 (trung tính hoà tan), dễ dàng rửa trôi theo nước. Trong thành phân của phân supe lân đơn có khoảng 40% CaSO4, có độ chua hóa học cũng có tác dụng tốt với đất mặn kiềm. Vì vậy có thể nói: phân supe lân đơn là phân bón đa tác dụng, rất thích hợp cho trồng trọt trên đất bị mặn và trồng trọt trong điều kiện bất thuận nói chung.

Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là một doanh nghiệp phân bón lớn, có truyền thống hơn 50 năm chuyên sản xuất và cung ứng phân supe lân đơn cùng nhiều phân bón khác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để thực sự giúp nông dân bón phân cân đối và hợp lý một cách đơn giản và hiệu quả, từ năm 2014 Cty đã sản xuất các phân đa yếu tố chuyên dùng (ĐYTCD) cho việc “khép kín” sử dụng cho các loại cây trồng với nhiều ưu điểm khác biệt: không chỉ có đủ dinh dưỡng đa lượng (N, P, K) với 2 dạng lân dễ tiêu (của lân supe và lân nung chảy) mà còn có đủ các chất trung lượng (S, Ca, Mg, Si) cùng nhiều dinh dưỡng vi lượng thiết yếu trong một hạt phân. Khi sử dụng các phân này ở mỗi thời kỳ bón chỉ cần dùng một loại phân ĐYTCD với một lượng bón cụ thể vừa đơn giản, tránh thừa hay thiếu dinh dưỡng khi bón phân vừa tạo tương tác tốt của các chất dinh dưỡng khoáng tới cây trồng để nâng cao hiệu quả phân bón và sản xuất trong mọi điều kiện của thực tế sản xuất nông nghiệp.

 

Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa không chỉ là năng suất cây trồng mà quan trọng hơn giá trị sản phẩm cao với chi phí sản xuất thấp để có lãi cao.

Để tăng tổng giá trị sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất mà đạt lãi cao cho sản xuất nông nghiệp cần tối ưu hóa tất cả các nhân tố hợp thành khả năng sản xuất thực tế (độ phì nhiêu tự nhiên của đất, cây trồng, khí hậu, kỹ thuật canh tác, phân bón....), trong đó bón phân hợp lý là một phương tiện đặc biệt hiệu quả.

Bón phân hợp lý vừa cung cấp dinh dưỡng cân đối, phù hợp với nhu cầu của cây trồng, khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, điều kiện khí hậu và kỹ thuật canh tác, vừa quan tâm tới giá phân bón, giá nông sản phẩm để tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp với chi phí sản xuất ở đúng mức có lãi nhất, lại an toàn với môi trường và chất lượng sản phẩm.

 


Số lượt đọc: 1234 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác