'Nữ hoàng' cỏ khô
08/06/2018

Sau gần 4 năm dày công khảo nghiệm và chọn lọc, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đang đi tới thành công trong việc nghiên cứu giống cỏ Alfalfa thích hợp để đưa ra SX tại Việt Nam.

Cỏ cây Alfalfa (Medicago sativa L.) hay còn có tên là cỏ cây Linh lăng, thuộc họ Đậu (Fabaceae) là cây thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đặc biệt quan trọng bởi khả năng cung cấp đa dạng các thành phần dinh dưỡng như Acid amin, Vitamin, Protein, Betacaroten, Acid hữu cơ, Ancaloid, Fitoleid... Tất cả 12 acid amin không thay thế đều có hàm lượng khá cao trong Alfalfa. Vì vậy với ngành chăn nuôi gia súc, cỏ Alfalfa được mệnh danh là “nữ hoàng cỏ khô”.

Đặc biệt đối với chăn nuôi bò sữa, đây là thành phần thức ăn không thể thiếu bởi cỏ Alfalfa có khả năng cho năng suất cũng như hàm lượng dinh dưỡng của sữa tăng lên đáng kể. Theo các nghiên cứu, chỉ cần chiếm 15 - 20% khẩu phần thức ăn thô, loài cỏ này có thể giúp bò sữa tăng thêm 15 - 20% lượng sữa/ngày với chất lượng tuyệt hảo.

Mặc dù là thành phần tối quan trọng trong chăn nuôi bò sữa, nhưng cho tới nay, tại Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào thành công trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm loài cỏ này để đưa ra SX. Vì vậy, các Cty sữa lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu... hàng năm vẫn phải NK khoảng 900 nghìn tấn cỏ Alfalfa và nhu cầu ngày càng tăng.

Đánh giá được nhu cầu bức thiết của cỏ Alfalfa tại Việt Nam, từ năm 2015, Viện CLT - CTP đã bắt tay triển khai đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống cỏ Alfalfa nhập nội làm nguyên liệu TĂCN.

Theo TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện CLT - CTP, sau gần 4 năm triển khai đề tài nghiên cứu, Viện đã nhập nội và tiến hành khảo nghiệm đối với trên 45 giống cỏ Alfalfa từ nhiều quốc gia khác nhau có điều kiện khí hậu tương đồng nhất với Việt Nam như Trung Quốc, Argentina, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Jordan, Đài Loan...

Đến thời điểm hiện tại, Viện đã lựa chọn và khẳng định được ít nhất 1 giống cỏ Alfalfa có khả năng thích nghi, phù hợp cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại Việt Nam (tạm đặt tên là giống AF1). Giống có khả năng cho năng suất, hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt qua 4 năm khảo nghiệm, giống cho thấy thích nghi với đặc thù khí hậu tại các tỉnh phía Bắc, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, nơi có vùng chăn nuôi bò sữa lớn.

TS Nguyễn Văn Thắng cho biết: Cuối năm 2017, TH True Milk đã thí điểm đưa vào trồng giống cỏ AF1 và AF2 do Viện nghiên cứu chọn tạo trên diện tích 2.000m2 tại vùng nguyên liệu TĂCN ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), áp dụng chủ động tưới tiêu.

Kết quả cho thấy, giống cỏ này phát triển rất tốt vào vụ đông và đông xuân. Sau gieo 2 tháng, có thể cho thu hoạch lứa đầu, sau đó trung bình cho thu hoạch các lứa tái sinh trong vòng 30 - 35 ngày/lần. Đặc biệt, giống có khả năng tái sinh rất mạnh, trong đó từ lứa tái sinh thứ 2 và thứ 3 cho năng suất cao nhất trong chu kỳ.

Trên diện tích 2.000m2 tại TH True Milk trong vụ đông và đông xuân vừa qua, trong thời gian 5 tháng (gieo từ đầu tháng 12/2017 đến đầu tháng 4/2018), giống AF1 có khả năng cho thu hoạch 3 lứa (1 lứa đầu và 2 lứa tái sinh), với tổng sản lượng cỏ tươi (quy ra tấn/ha) là 37,5 tấn/ha (trung bình từ 12 - 14 tấn/ha/lứa).

Theo tính toán của các Cty chăn nuôi bò sữa, chỉ cần năng suất cỏ Alfalfa trồng tại Việt Nam đạt trung bình 25 tấn cỏ tươi/ha/chu kỳ, giá thành đầu tư để trồng có thể rẻ hơn so với việc NK cỏ Alfalfa từ nước ngoài. Vì vậy, với năng suất thực tế của giống AF1 hiện nay xoay quanh 40 tấn/ha/chu kỳ, nếu trừ tỉ lệ hao hụt, đã vượt xa kỳ vọng của các Cty bò sữa. Điều này đang mở ra triển vọng để đưa ra SX giống cỏ Alfalfa đại trà nhằm phục vụ chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới.

Trên thực tế, TS Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Các kết quả khảo nghiệm đối với nhiều giống cỏ Alfalfa tại nhiều vùng sinh thái của Việt Nam thời gian qua (gồm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, ĐBSH) cho thấy, cỏ Alfalfa không phù hợp với điều kiện tại các tỉnh Nam Trung Bộ, mà phù hợp hơn với các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ và ĐBSH trong khoảng thời vụ từ cuối năm trước tới giữa năm sau (kéo dài từ 6 - 8 tháng).

Trong khoảng thời gian này, riêng giống cỏ AF1 có thể cho thu hoạch trung bình 5 lứa. Nếu có thâm canh, chủ động tưới, năng suất cỏ tươi bình quân có thể đạt 20 tấn/lứa, tương đương 100 tấn/chu kỳ, vượt xa rất nhiều lần so với năng suất kỳ vọng mà các DN bò sữa đặt ra hiện nay.

 

Trước những kết quả rất khả quan này, được biết trong năm 2018, TH True Milk sẽ có kế hoạch đưa giống cỏ AF1 ra SX trên diện rộng, với diện tích dự kiến khoảng 10 - 20ha tại Nghĩa Đàn, áp dụng cơ giới hóa 100% trong quá trình canh tác và thu hoạch nhằm từng bước thay thế nguồn cỏ NK. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đã có kế hoạch đưa vào SX thử giống cỏ này tại một số địa phương.

 

 


Các tin khác