Vườn giống công nghệ cao trên quê lúa
29/10/2019

Tọa lạc ở vị trí “đất vàng” của TP. Thái Bình, nhưng Trung tâm Khuyến nông tỉnh vẫn dành một khoảng đất rộng 8.000m2 để đầu tư “vườn công nghệ nông nghiệp” phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng sạch bệnh.

Xây dựng hạt nhân, lan tỏa công nghệ

Bà Đoàn Thị Kim Tứ - Phó GĐ phụ trách Trung tâm Khuyến nông Thái Bình dẫn chúng tôi lên tầng 3 để thăm khu nuôi cấy mô giống khoai tây sạch bệnh. Bà bảo, khách quý lắm bà mới dẫn lên đây tham quan, bởi muốn tạo ra giống khoai tây sạch bệnh thì phải có môi trường nuôi cấy vô khuẩn. Trước khi vào căn phòng này, mọi người phải tháo giầy dép để thay ủng, mặc áo quần trắng phau.

Phía bên trong, những giá sắt tầng tầng lớp lớp đỡ lấy các ống nghiệm thủy tinh trong suốt chứa dung dịch lỏng nuôi những mầm sống. Hàng trăm bóng đèn rọi suốt đêm ngày để cây quang hợp, sinh trưởng. Phòng kế bên, 4 - 5 công nhân đang hí hoáy pha trộn dung dịch dinh dưỡng; cấy mô (cắt từng đoạn từ thân của cây khoai tây siêu nguyên chủng sạch bệnh).

Tôi không nghĩ đó là một trung tâm khuyến nông. Tôi nghĩ đó là một bệnh viện hay phòng nghiên cứu khoa học chuyên biệt. Bà Tứ chia sẻ: Chúng tôi đầu tư khu sản xuất giống cây trồng sạch bệnh này để giải quyết vấn đề căn cốt nhất trong phát triển khoai tây vụ đông của tỉnh. Thái Bình là tỉnh có diện tích trồng khoai tây lớn nhất cả nước, thời kỳ đỉnh điểm đạt 17.000 ha.

Nhưng những năm qua khoai tây phát triển không ổn định và diện tích liên tục suy giảm. Năm 2016 chỉ còn 3.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng củ giống không đảm bảo. Việc nhập khẩu đã làm tăng giá thành SX thương phẩm và không chủ động về nguồn giống. Mặt khác, thời gian nhận giống thường chậm so với thời vụ gieo trồng, có năm chậm đến vài tháng, làm lỡ kế hoạch SX của địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn này, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã thực hiện thành công mô hình SX giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô kết hợp với khí canh. Đây là phương pháp tạo giống không cần đất. Chỉ cần phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ nuôi cây sinh trưởng và tạo củ. Củ giống trong khí canh (củ siêu bi nguyên chủng) hoàn toàn sạch bệnh được tiếp tục nhân giống trong nhà màn và trồng cách ly để tạo ra giống nguyên chủng. Vụ đông 2013, kết quả SX củ siêu bi nguyên chủng đạt 30 - 60 củ/khóm, cao gấp 10 lần so với trồng phương pháp truyền thống.

Từ thành công này, Trung tâm còn mở rộng SX củ giống nguyên chủng ra hàng loạt địa phương trong tỉnh. 10 HTX trong tỉnh đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất và đề nghị Trung tâm Khuyến nông chuyển giao công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô kết hợp khí canh. Đặc biệt, nếu trồng giống siêu bi đã được nhân ra từ vụ trước và bảo quản trong kho lạnh thì cho năng suất cao hơn khoai của nông dân tự để từ 20 - 25%, đồng thời có ưu điểm nổi trội hơn là mẫu mã đẹp, sạch bệnh, chất lượng.  

Xây dựng chuỗi liên kết

Bà Đoàn Thị Kim Tứ cho biết, mỗi năm Trung tâm mở được trên 400 lớp tập huấn kỹ thuật vụ xuân, vụ mùa, vụ đông với trên 40.000 lượt hộ nông dân tham gia. Đồng thời, liên kết với các công ty phân bón, giống, công ty tiêu thụ nông sản làm tốt công tác liên kết “4 nhà” giúp nông dân thuận lợi cả cung ứng giống, phân bón đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm…; Xây dựng vùng sản xuất cây vụ đông có giá trị thu nhập cao gồm ớt, bí xanh, dưa chuột xuất khẩu, sa lát, khoai tây…

Trong đó, nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả cao như cánh đồng mẫu 50 ha giống RVT tại Nguyên Xá – Vũ Thư; mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng tại xã Bình Định – Kiến Xương; mô hình gieo thẳng tại xã Tân Phong (huyện Vũ Thư), xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng); mô hình cánh đồng mẫu sản xuất hàng hóa tập trung, cấy giống RVT tại Thụy An 114 ha; xã Thái Sơn 100 ha lúa Nhật ĐS1, xã Nguyên Xá 170 ha, Vũ Hợp 120 ha...

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng được nhiều băng đĩa kỹ thuật, thường xuyên có chuyên mục bạn nhà nông, chuyên mục chuyên đề trên truyền hình tỉnh tối thứ hai, thứ tư hàng tuần, viết được nhiều bài đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam và trang tin khuyến nông quốc gia; tập san khuyến nông đáp ứng nhu cầu thông tin kỹ thuật phục vụ kịp thời cho sản xuất của tỉnh.

 

“Khác với khuyến nông các tỉnh, Khuyến nông Thái Bình có một phòng Ứng dụng công nghệ sản xuất, nghiên cứu các tiến bộ khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ví dụ, khi lao động nông thôn dịch chuyển, thiếu lao động trong giai đoạn mùa vụ thì mình nghiên cứu quy trình sạ hàng. Khi nhu cầu sử dụng thực phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng nâng lên, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng thành công quy trình canh tác lúa hữu cơ (sử dụng 100% phân vi sinh, không phun thuốc BVTV) gắn với liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp… Qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp Thái Bình”, bà Đoàn Thị Kim Tứ chia sẻ.

 


Số lượt đọc: 1143 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác