Nhiều người đến tham quan, trầm trồ khen ngợi mô hình trồng chanh dây Đài Loan rộng 1,3 ha, với hơn 3.000 cây tại xã Uar của ông Nguyễn Đình Khánh (xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai).
Nhìn những giàn chanh dây trĩu trịt, lúc lỉu quả, ai cũng thích thú, cho rằng việc trồng thử nghiệm của gia chủ đã thành công.
Đây là mô hình trồng chanh dây được đầu tư bài bản đầu tiên tại huyện Krông Pa với mức đầu tư hơn 200 triệu đồng, bắt đầu trồng từ tháng 11/2018.
Đến nay, vườn đã cho lứa thu hoạch đầu tiên với sản lượng 20 tấn với giá bán 10.000 đ/kg. Ước tính, toàn bộ vườn chanh sẽ cho thu hoạch một năm được từ 50 - 60 tấn.
Là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Khánh nhận thấy các cây trồng chủ yếu ở địa phương như mì, thuốc lá, mía vài năm gần đây đã không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá thường bấp bênh, cây thường xuyên bị dịch bệnh.
Chính vì vậy ông đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù mới bén rễ ở vùng chảo lửa Krông Pa nhưng cây chanh dây đã thể hiện được ưu thế vượt trội như dễ trồng, phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mì, thuốc lá, lúa...
Để được như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã phải đi huyện Chư Sê, TP. Pleiku, thậm chí còn sang tận tỉnh Đăk Nông để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, để cho chắc ăn, ông còn mời chuyên gia từ Đăk Nông về hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, cách chữa bệnh cho cây.
Theo ông Khánh, việc chăm bón cây chanh dây cũng đơn giản, không tốn nhiều phân bón và cũng ít vất vả hơn so với các loại cây trồng khác. |
“Loại cây này có sức đề kháng rất cao, sinh trưởng mạnh, ít mắc các loại bệnh nên việc chăm sóc cũng không cần nhiều công. Nếu giá cả ổn định như thời gian gần đây thì chắc chắn chanh dây sẽ cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác ở vùng đất này", ông Khánh tin tưởng.
Một trong những người tham quan mô hình, ông Phạm Văn Bình (buôn Tang, xã Uar) thấy rằng, đây là loại cây trồng có khả năng phát huy được tính ưu việt về tăng hiệu quả kinh tế, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích canh tác, có thể thay thế những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp.
"Thời gian tới, gia đình tôi sẽ chuyển đổi một ít diện tích mía sang trồng chanh dây", ông Bình cho hay.
Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, đây là mô hình trồng chanh dây có diện tích lớn, được đầu tư bài bản đầu tiên ở huyện và mang lại kết quả khả quan.
"Theo tính toán thì cây này hiệu quả hơn so với các cây trồng khác trên địa bàn nên huyện sẽ nhân rộng mô hình, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao đời sống cho nông dân", ông Duyên nói.
- Bàn cách diệt rầy hại lúa (10/10/2019)
- Kỹ thuật tái sinh các loại rau (10/10/2019)
- Mít Thái lãi 100 triệu đồng/công/vụ (10/10/2019)
- Kỹ thuật mới trong canh tác vườn (09/10/2019)
- 2 giống lúa vượt trội (09/10/2019)
- Cây na hợp với đồng đất và loại phân bón không chua (03/10/2019)
- Kinh nghiệm trồng súp lơ xanh (26/09/2019)
- Lão nông tưới sầu riêng bằng hệ thống tự động (25/09/2019)
- Kỹ thuật trồng giống bưởi đỏ Hoà Bình (04/09/2019)
- Bệnh hại trên ớt và cách phòng trị (14/08/2019)