Phòng chống bệnh đạo ôn lúa, khó mà dễ
15/05/2020


Không có vụ lúa xuân nào ở Nghệ An không bị bệnh đạo ôn phá hoại với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau

Trung bình mỗi vụ lúa xuân hàng năm Nghệ An có từ 6000 - 7000 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, làm thất thiệt 10.000 - 11.000 tấn lúa. Riêng vụ xuân năm 2018 do có hàng ngàn ha lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông nên mức độ thất thiệt là đến gần 100.000 tấn lúa.

Vì vậy việc phòng chống bệnh đạo ôn cho cây lúa trong vụ xuân luôn được ngành NN-PTNT Nghệ An đặt lên hàng đầu để các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cảnh giác, chủ động phòng trừ kịp thời nhằm không gây ra thiệt hại lớn.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao ở Nghệ An trong các vụ lúa xuân, hầu như không có vụ nào không có bệnh đạo ôn xuất hiện phá hoại cây lúa từ sau khi gieo cấy cho đến khi cấy lúa trổ bông xong.

Xét về mặt địa lý mà nói, trên bản đồ Việt Nam thì Nghệ An và Hà Tĩnh nằm ở đoạn eo lỏm vào của khu vực Bắc miền Trung.

Vì vậy suốt cả mùa đông và đầu mùa xuân cứ mỗi lần xuất hiện gió mùa Đông - Bắc thì ở đoạn eo lỏm vào thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hút mạnh gió mùa Đông - Bắc vào gây mưa nhỏ, mưa phùn hoặc sương mù kéo dài nhiều ngày, ẩm độ không khí cao.

Đây chính là nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn gây hại nặng trong vụ lúa xuân hàng năm ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Việc lo phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa trong vụ xuân ở Nghệ An không còn là vấn đề đột xuất mà việc phải làm thường xuyên trong cả vụ sản xuất.

Vì vậy không có vụ lúa xuân nào người nông dân không phải mang bình bơm để phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn ít nhất là 1 lần, nhiều nhất là 2-3 lần.

Từ đó, người nông dân ở những vùng thường xuyên bị bệnh đạo ôn nặng họ vừa làm theo lời khuyến cáo của cán bộ chuyên ngành BVTV, vừa tự học tập kinh nghiệm của nhau trong cách phát hiện và phòng trừ bệnh đạo ôn để họ đúc rút thành kinh nghiệm cho mình.

Đây chính là nguyên nhân thành công hiện nay trong phòng chống và hạn chế sự phát triển của bệnh đạo ôn.

Một trong những huyện "trọng điểm" về bệnh đạo ôn lúa ở Nghệ An là Hưng Nguyên. Tại huyện này mỗi năm gieo cấy 6.200 ha lúa xuân.

Vụ lúa xuân nào cũng có 70 - 80% diện tích lúa bị bệnh đạo ôn với các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó, có ít nhất trên dưới 100 ha lúa bị bệnh đạo ôn gây cháy lụi tập trung ở các xã Hưng Tân, Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Châu, Hưng Lợi…

Vài năm nay mặc dù vẫn có bệnh đạo ôn trên lúa, nhưng đã kịp thời ngăn chặn và không có tình trạng lúa cháy do bị bệnh đạo ôn gây hại như trước đây. Vì sao vậy?

Theo ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên: Sở dĩ những vụ xuân 2 năm nay ở huyện Hưng Nguyên có bị bệnh đạo ôn, nhưng không gây ra tình trạng cháy lúa, làm năng suất giảm như trước đây là do chúng tôi chỉ đạo đến tận các cơ sở sản xuất và từ cơ sở sản xuất chỉ đạo đến tận người dân thực hiện tốt những việc phải làm đúng và kịp thời sau:

Một: Phát hiện bệnh đạo ôn sớm bằng cách, thường xuyên thăm đồng và mỗi lần thăm đồng là phải lội xuống ruộng dùng 2 bàn tay vạch lá lúa ra để quan sát, nhất là tầng lá thứ 2 trên xuống của cây lúa. Nếu thấy trên lá lúa có vết bệnh đạo ôn mới xuất hiện thì phải phun thuốc trừ ngay.

Nếu đi thăm đồng mà đi trên bờ ruộng quan sát qua loa thì không bao giờ thấy vết bệnh đạo ôn trên lá lúa và khi đã thấy được vết bệnh đạo ôn xuất hiện lên cả tầng lá trên cùng thì cũng là lúc vết bệnh dày đặc, lá lúa đã bắt đầu biểu hiện cháy, lúc này có phun thuốc cũng đã muộn và hiệu quả phun ít tác dụng, kém hiệu quả.

Cách làm này phải tập huấn tại ruộng cho tất cả bà con nông dân để họ biết cách phát hiện bệnh càng sớm càng tốt phòng trừ sẽ có hiệu quả.

Hai: Khi phát hiện có vết bệnh mới xuất hiện trên lá lúa thì lập tức phun thuốc ngay. Tuyệt đối không nên để chậm ngày phun thuốc, càng phun thuốc chậm ngày nào bệnh càng phát triển nhanh, mạnh ngày đó rất nguy hiểm, khó phòng trừ.

Ba: Sử dụng thuốc đặc hiệu để phun như: Beam 75WP, Kabim 30WP và Filia 35EC. Không sử dụng thuốc bán trôi nổi ngoài thị trường. Nên sử dụng loại thuốc nào Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn để các xã, HTX biết chỉ đạo bà con nông dân sử dụng đúng loại thuốc đó.

Bốn: Phun đủ liều lượng thuốc theo chỉ dẫn có ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác. Nhưng khi phun phải lưu ý cho vòi phun xịt thuốc nhiều vào tầng lá thứ 2 trên xuống của cây lúa.

Năm: Riêng bệnh đạo ôn cổ bông, tốt nhất phun phòng khi lúa mới trổ le te (8 - 10%) và chỉ nên phun vào buổi chiều tối là tốt nhất. Từ cách phòng chống bệnh đạo ôn như nói ở trên, ông Hoàng Đức Ân nói: Phòng chống bệnh đạo ở cây lúa khó mà dễ. Khó là do phát hiện bệnh quá chậm, để lá lúa cháy mới biết lúa bị bệnh thì không thể phòng trừ triệt để được. Ngược lại phát hiện sớm, phòng trừ ngay thì rất dễ, hiệu quả ngay.

Tương tự như cách phòng trừ bệnh đạo ôn nói trên, đến xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, nơi này 2 năm trước đây người nông dân không giám gieo cấy 2 giống lúa NA6 và AC15 vì lo sợ bệnh đạo ôn phá hoại. Còn vụ lúa xuân 2020 này, cả xã chỉ gieo cấy 2 giống lúa nói trên mà chẳng có nơi nào bị bệnh đạo ôn.

 

Được hỏi vì sao vụ lúa xuân này lúa vừa tốt, vừa sạch bệnh như vậy, ông Tăng Ngọc Ánh - Giám đốc HTXNN Diễn Quảng cho biết: Liên tục 2 vụ lúa xuân 2019 và 2020, mỗi vụ gieo cấy 260 ha lúa bằng các giống NA6, AC5 và nếp 97. Tất cả các giống đều rất tốt, sạch bệnh và đã trổ xong, hứa hẹn sẽ là một vụ xuân năng suất cao.

"Vì sao 2 vụ lúa xuân 2019 và 2020 ở Diễn Quảng không bị bệnh đạo ôn phá hoại nặng như trước đây là do cán bộ chúng tôi và tất cả bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, lội ruộng quan sát kỹ từng khóm lúa từ dưới gốc lên đến ngọn, nếu có vết bệnh đạo ôn mới xuất hiện là phun thuốc phòng trừ ngay, không để bệnh phát triển và lan truyền rộng. Thuốc phun cho bệnh đạo ôn chỉ dùng các loại thuộc đặc hiệu như Beam, Kabin, Filia theo khuyến cáo của chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp do HTXNN mời về phổ biến cho toàn dân nghe và làm theo", ông Ánh nói.

 


Số lượt đọc: 669 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác