Mô hình tưới tiết kiệm chôn chìm: Công nghệ mới, hiệu quả cao
15/05/2020


Công nghệ tưới cà phê bằng cách chôn chìm đường ống dưới đất đã thực sự phát huy hiệu quả: Tưới ướt đều, tiết kiệm công lao động, tiết kiệm nước và phân bón…

Đây là những mô hình được dự án VnSAT áp dụng thành công.

Công nghệ mới

Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Kim Anh - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm đến vườn cà phê của ông Nguyễn Tấn Đức (ở thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa).

Ông Đức người xứ Quảng, là một trong những người đầu tiên đến khai phá, đặt cây cà phê ở vùng đất này. Không hề dấu diếm, ông khoe luôn: “Nhà tôi có 9 ha cà phê. Cây cà phê đã nuôi sống cả nhà tôi suốt mấy chục năm qua, hơn thế nữa còn mang đến sự khá giả cho gia đình tôi. Vậy nên thiếu nước thì tưới, thiếu phân thì bón, già cỗi thì tái canh… Không có lý do gì mà tôi lại chặt bỏ cây cà phê như bao nhà khác”.

Không chặt bỏ cà phê mặc dù giá cà phê mấy năm qua luôn trong tình trạng “lao dốc không phanh”, nhưng ông Đức cũng rất thức thời khi những vườn cà phê của ông được trồng xen bởi các loại cây ăn quả khác như bơ, sầu riêng…

Đưa chúng tôi đến vườn cà phê 1ha ở thôn Hàm Rồng (xã Ia Băng), ông Đức giới thiệu: “Vườn này chưa đến hai mươi năm tuổi, đang cho thu hoạch ổn định. Tôi trồng xen thêm bơ, sầu riêng để tiết kiệm đất, tiết kiệm phân bón và nước tưới, lại tăng thu nhập”.

Tây Nguyên đang là cuối mùa khô. Cái nắng như tranh thủ những ngày cuối mùa nên trút cái gay gắt, ngột ngạt xuống những vườn cà phê nơi đây. Nhiều vườn không đủ nước tưới nên héo rũ. Vậy mà vườn cà phê của ông Đức cứ ngằn ngặt xanh như thách đố những cơn nắng cuối mùa. Đây là vườn cà phê được ông Đức áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, do VnSAT Gia Lai đầu tư từ năm 2018.

Cái khác của công nghệ tưới tiết kiệm này là, không phải rải dây trên mặt đất, cho béc phun hoặc nhỏ giọt. Ở đây, đường dây được chôn sâu khoảng 15cm dưới đất, hai dây chạy song song bên gốc cây, cứ khoảng 40cm là có một “cửa” để đưa nước và phân bón đến rễ cây cà phê.

Theo ông Đức thì công nghệ tưới tiết kiệm kiểu này là vô cùng tiện lợi, bởi không phải thuê người, dùng sức kéo ống đi khắp vườn để tưới từng gốc cà phê. Ở đây, chỉ cần mở van ở trung tâm điều hành đặt ở đầu vườn, thậm chí là sử dụng điện thoại thông minh điều khiển từ xa, nước và phân bón đã đến từng gốc cà phê một cách đều đặn. Do là tưới nhỏ giọt, lại được chôn chìm trong đất nên nước không bị bốc hơi như tưới trên bề mặt. “Tưới kiểu này tiết kiệm được khoảng một nửa lượng nước mỗi lần tưới so với kiểu tưới truyền thống như trước đây”- ông Đức chia sẻ.

So sánh vườn cà phê của ông Đức áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm với những vườn cà phê tưới theo kiểu truyền thống trong khu vực, thấy có sự khác biệt rõ rệt: Một bên là héo úa, thiếu sức sống; một bên là xanh tốt, mướt mát. Ông Đức và các hộ dân tham gia dự án VnSAT cho biết: Không chỉ tưới cho cà phê, hệ thống tưới tiết kiệm này còn tưới cho cả những loại cây xen canh trong vườn. Cứ mỗi gốc cây có ít nhất 4 “cửa” để nước và phân bón đi vào gốc cây. Theo đó sầu riêng, bơ trồng xen trong vườn cà phê của ông cũng luôn xanh tốt, trĩu quả…

Mong VnSAT mở rộng hỗ trợ người trồng cà phê

Để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm chôn chìm cho 1 ha cà phê như của ông Nguyễn Tấn Đức, hết 63 triệu đồng. “Số tiền này được chia "năm mươi năm mươi": VnSAT đầu tư một nửa, còn tôi phải bỏ ra 31,5 triệu đồng, gồm các hạng mục như giếng, hệ thống đường ống và trung tâm điều hành. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với không ít người trồng cà phê ở đây”.

Cũng theo ông Đức thì tuy đầu tư cao nhưng “rất xứng đáng với đồng tiền bát gạo”, bởi tưới kiểu này tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, không lo hao hụt nước giếng như kiểu chọc bơm xuống giếng, bơm nước lênh láng khắp vườn. Phân bón cũng được đi theo đường nước đến từng gốc cây, theo đó ngoài tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể, còn tiết kiệm được công lao động, đặc biệt là không lo ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người như kiểu bón phân vãi trên mặt đất ở mỗi gốc cây như trước đây. “Nói chung là nếu có tiền, bà con nên đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, bởi đã được VnSAT hỗ trợ một nửa số tiền đầu tư rồi, hiệu quả đem lại thì rất cao”- ông Đức chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa)- ông Phạm Quý Thành, cho biết: Cả xã hiện có 3.571 ha cà phê. “Tuy nhiên, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm do VnSAT đầu tư thì chỉ có… 1 ha của ông Đức”- ông Thành cho biết.

Hỏi về nguyên nhân, ông Thành lý giải: Diện tích cà phê của xã là tương đối lớn, nhưng vườn cây của mỗi hộ lại phân tán manh mún nhỏ lẻ, thiếu tập trung nên rất khó trong việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (tiền bán cà phê ở những vườn có diện tích nhỏ không đủ đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm).

Một nguyên nhân nữa là do cà phê của bà con trong xã hầu hết đã già cỗi, thu hoạch không còn được lâu nữa nên đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm sẽ là rất lãng phí. Cũng theo Chủ tịch Phạm Quý Thành thì một rào cản hết sức quan trọng, khiến khó triển khai mô hình tưới tiết kiệm cho vườn cà phê trên địa bàn, đó là thiếu vốn: “Nhiều năm liền, cà phê mất giá khiến không ít chủ vườn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tiền đầu tư chăm sóc hàng ngày cho vườn cây còn khó, nghĩ đến việc đầu tư hàng mấy chục triệu đồng cho hệ thống tưới tiết kiệm, quả là quá… xa xỉ với bà con trong lúc này”- ông Thành nói.

Hỏi về việc sao không vay vốn ngân hàng để đầu tư vườn cây, ông Thành cho biết: Tài sản duy nhất của số đông người trồng cà phê là vườn cây. Trong khi đó, hầu hết các chủ vườn trước đó đã thế chấp “sổ đỏ” cho ngân hàng rồi, giờ muốn vay cũng đành chịu. Đây cũng là điểm khó khăn chung với người trồng cà phê ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, người trồng cà phê rất cần dự án VnSAT tiếp tục mở rộng hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm.

ũng ở thôn Hàm Rông (xã Ia Băng), ông Nguyễn Kha ở ngay cạnh nhà ông Nguyễn Tấn Đức kể trên. Tuy nhiên 1,5ha cà phê của ông Kha thì không được như bên vườn ông Đức, mà khô khát, héo úa. Ông Kha cho biết: Vườn cà phê 1,5 ha của ông có tuổi thọ đã trên 20 năm, cây già cỗi, thu hoạch không được mấy năm nữa, theo đó bây giờ đầu tư hàng mấy chục triệu đồng vào hệ thống tưới tiết kiệm sẽ là rất lãng phí. “Để chờ mấy năm nữa tái canh rồi đầu tư luôn”- ông Kha nói. Trong khi “tái canh thì cũng gặp muôn vàn khó khăn”- Chủ tịch xã Ia Băng- ông Phạm Quý Thành, nói.

Vậy là, hiệu quả thì đã thấy rõ, nhưng để áp dụng vào thực tế thì có không ít “nút thắt” cần được tháo gỡ.

 

Chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa), ông Phạm Quý Thành: “Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Được biết, ở Gia Lai, dự án VnSAT mới hỗ trợ được 13 mô hình tưới tiết kiệm. Để triển khai đến số đông các hộ nông dân khác, ngoài nỗ lực của chủ vườn, cần có sự giúp đỡ của chính quyền, của ngành ngân hàng và dự án VnSAT. Bởi không phải người trồng cà phê nào cũng có điều kiện đầu tư”.

 


Số lượt đọc: 703 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác