Đẩy mạnh sản xuất rau quả VietGAP
03/12/2015

Trong những năm qua, Sở KH-CN đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất các loại rau, quả chủ lực theo chuẩn VietGAP. Từ đó, giúp nông dân làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng, ổn định thị trường tiêu thụ.

Bưởi da xanh ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) trái to, vị ngọt đậm đà được thị trường ưa chuộng nên giá bán khá cao, trung bình 45.000 đồng/kg; dịp tết có thể lên tới 50.000 - trên 100.000 đồng/kg. Để nâng cao giá trị cho bưởi da xanh Sông Xoài, Sở KH-CN tỉnh BR-VT đã triển khai dự án sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự án có tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng do thạc sĩ Mai Văn Trị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ làm chủ nhiệm. Ngoài ra, huyện Tân Thành còn xây dựng kho chứa, thiết kế logo, bảng hiệu cho bưởi da xanh Sông Xoài; đồng thời hỗ trợ vốn cho xã viên HTX mở rộng diện tích trồng bưởi, nhằm tạo ra nguồn hàng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sau 2 năm tham gia dự án này, ông Phạm Anh Ta, ở tổ 6, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài cho biết, vườn bưởi 1,5ha của ông được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới. Theo ông Ta, việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh theo quy trình VietGAP tuy có chút vất vả, nhưng bù lại nhà vườn bảo vệ được sức khỏe của chính mình và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Về hiệu quả kinh tế, theo các nhà vườn, bưởi da xanh canh tác theo lối truyền thống chỉ đạt năng suất dưới 20 tấn/ha/năm nhưng áp dụng theo quy trình VietGap có thể cho năng suất từ 40 tấn/ha trở lên. Ngoài ra, áp dụng theo đúng quy trình VietGap còn giảm được chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân công. Tính bình quân, sau khi trừ chi phí người nông dân trồng bưởi có lãi trên 600 triệu đồng/ha.

Tương tự, người dân trồng thanh long ở huyện Xuyên Mộc cũng đang ấp ủ quy trình trồng thanh long VietGAP. Ông Phạm Tấn Phước, chủ nhiệm dự án này cho biết, hiện có 5 hộ dân đang canh tác trên diện tích 2ha. Trước đây mỗi gốc thanh long chỉ có khoảng 20 quả, mỗi quả nặng 500 - 600g, nhưng khi áp dụng kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất tăng lên 30%.

Cũng tại huyện Xuyên Mộc, mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng ở HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm này có đầu ra ổn định, được tiêu thụ tại các siêu thị lớn như Metro, Co.op Mart và các tỉnh, thành phố lân cận.

Không chỉ tập trung hình thành các vùng trồng cây ăn quả VietGAP, Sở KHCN còn triển khai mô hình này tại các vùng trồng rau chuyên canh của tỉnh. Xã Châu Pha (huyện Tân Thành) là một ví dụ. Tại đây, Sở KH-CN đã triển khai dự án Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá, quả đạt chứng nhận VietGAP do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Bình, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ làm chủ nhiệm. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Bình, mô hình sản xuất rau theo chuẩn VietGAP sẽ giúp vùng rau Châu Pha phát triển và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết được sự bấp bênh như hiện nay. Trước đó, mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau cải kết hợp, sử dụng phân bón nano công nghệ Đức, lưới ngăn côn trùng và công nghệ tưới Isarel theo hướng VietGAP cũng đã được triển khai tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Mô hình đã mang đến sản phẩm sạch, năng suất cao và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có cùng sự hỗ trợ tích cực của Sở KH-CN trong việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, chắc chắn trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều vùng trồng rau quả quy mô, giá trị nông sản tăng cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.


Số lượt đọc: 1090 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác