Mỗi năm ông Long thu về trên 300 triệu đồng nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, vườn thanh long của ông đã 7-8 năm tuổi nhưng vẫn cho năng suất ổn định.
Xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) không chỉ được biết đến với danh lam thắng cảnh chùa Hương Tích, những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như hành tăm, khu sản xuất công nghệ cao trồng dưa lưới, trồng hoa... mà những năm gần đây về với Thiên Lộc du khách còn được thưởng thức thêm sản phẩm thanh long ruột đỏ đậm đà thanh mát.
Đến với gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thế Long ở thôn Đông Nam, xã Thiên Lộc chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì một vườn thanh long được đầu tư bài bản, từ thiết kế vườn trồng đến hệ thống tưới và cả những cột đèn chiếu sáng.
Thôn Đông Nam nằm ở phía tây xã Thiên Lộc bám theo sườn núi Hồng Lĩnh nên vùng này sản xuất nông nghiệp khá khó khăn.
Bác Long cho biết: “Vườn nhà tôi đã thử nghiệm nhiều loại cây trồng, như cam, bưởi, ổi,... nhưng đều phải chặt bỏ do cây không cho hiệu quả kinh tế. Năm 2012, tôi bắt đầu đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thì thấy đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và phù hợp với vùng đất lắm đá sỏi này”.
Hiện tại, gia đình ông Long có tới 600 trụ thanh long ruột đỏ được đầu tư bài bản, gồm hệ thống tưới phun bằng các đường ống từ dưới mặt đất lên để cả dưới gốc lẫn trên ngọn nước phân tán đều khắp toàn bộ cây; hệ thống trụ bê tông chắc chắn để cây phát triển tốt nhất; hệ thống bóng điện để phục vụ cây thanh long khi mùa đông đến vì cây thanh long cần khá nhiều ánh sáng và để tiện cho công tác bảo vệ.
Theo kinh nghiệm của ông Long, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất, kể cả đất xấu và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu rất tốt. Nhưng muốn đảm bảo năng suất, chất lượng thanh long ruột đỏ, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, quy trình bón phân, tưới nước và cách chăm sóc.
Xã Thiên Lộc có địa hình được che chắn bởi núi Hồng Lĩnh nên tiểu khí hậu vùng này luôn khác biệt so với các địa phương khác của huyện Can Lộc nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Vì vậy, sản phẩm quả thanh long ruột đỏ trồng ở đây được đánh giá thơm ngon, ngọt đậm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cứ đến đầu tháng 4 âm lịch hàng năm, thanh long hoa nở trắng vườn. Khi quả thanh long chín thì đỏ rực cả một góc vườn. Mỗi năm gia đình ông Long thu hoạch từ 8 – 10 đợt quả, bình quân đạt 12 - 15 tấn quả. Tính ra, mỗi năm ông thu về trên 300 triệu đồng nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ.
Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông Long được 7- 8 năm tuổi nhưng vẫn cho năng suất ổn định. Ông phấn khởi cho biết: “Cây thanh long đầu tư ban đầu vốn lớn thì với nhiều gia đình nghèo cũng khá vất. Tuy nhiên, khi thanh long đã bắt đầu phát triển thì lại rất nhàn rỗi và mức đầu tư hàng năm ít hơn, cây cũng nhanh cho thu hoạch, chỉ khoảng từ 15 – 18 tháng sau trồng.
Vườn thanh long nhà tôi hiện nay đã 8 năm nhưng cây vẫn ổn định năng suất. Mấy năm nay nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng đối với thanh long ruột đỏ thì khỏi phải lo đầu ra, lúc nào cũng có thể tiêu thụ và có khi cung không đủ cầu”.
Giai đoạn những năm đầu, gia đình ông Long còn bán cây thanh long giống cũng như hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cho những hộ trong thôn, xã và một số xã khác đến mua. Từ 2 năm trở lại đây, gia đình chỉ tập trung duy trì chăm sóc cây thanh long ruột đỏ để thu hoạch quả bán và chỉ cũng bán giống cho những hộ trong thôn.
Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc: “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Thế Long cho thu nhập cao và ổn định nên nhiều người trên địa bàn xã cũng học tập trồng. Hiện nay, thanh long là loại cây rất phù hợp với điều kiện của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả khác”.
- 800.000 đồng một cành địa lan Tết (08/01/2016)
- Rầy chổng cánh vân nâu hại nhãn (08/01/2016)
- Trồng bắp cải lãi khá (07/01/2016)
- Ngô nếp WXT 1130 ngắn ngày (07/01/2016)
- Kỹ thuật trồng dưa lê lai F1 Kim hoàng hậu (07/01/2016)
- Giống lúa An sinh 1399 (04/01/2016)
- Trồng rau sạch thu trăm tỷ (04/01/2016)