Trồng sen trên cát trắng
18/06/2020


Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nổi tiếng với các làng nghề truyền thống của người Chăm, giờ đây thêm địa điểm du lịch, là các hồ sen làng dệt Mỹ Nghiệp.

Ông Dương Tài Tin là một trong số những hộ trồng sen đầu tiên ở đây cho biết: “Xưa kia khu vực này là vùng ruộng trũng, sình lầy, mưa đổ về và không có chỗ thoát, tạo nên nhiều ao đầm và ruộng trũng nước, thường chỉ trồng lúa được 1 vụ/năm hoặc trồng rau muống và nuôi vịt, nuôi cá”.

Qua nhiều năm việc chăn nuôi vịt, cá và thả rau muống không mang lại hiệu quả kinh tế nên ông đi tìm loại cây trồng phù hợp cho vùng đất này. Sau quá trình tìm hiểu, gia đình ông bắt đầu trồng sen với mục đích lấy hoa, hạt và ngó sen để bán kiếm thu nhập trên vùng đất lúa không hiệu quả.

Qua 3- 4 năm sau khi trồng sen và thu hoạch các sản phẩm từ sen, được sự gợi ý của một người bạn ông đã học hỏi mô hình trồng sen kết hợp với phát triển du lịch ở một số tỉnh miền Tây đã từng làm trước đây và rất thành công như Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh...

Ông bắt tay vào quy hoạch lại vườn sen, mở rộng thêm diện tích trồng và thêm nhiều giống sen mới, tạo thêm nhiều tiểu cảnh như cầu tre, chòi lá và trồng thêm nhiều loại hoa quả để tạo cảnh quan đẹp cho vườn.

Cho đến thời điểm hiện tại, vườn sen với diện tích 2ha của gia đình đã là một điểm tham quan, du lịch có tiếng tại Ninh Thuận, một số tour tham quan du lịch đã đưa địa chỉ vườn sen nhà ông vào trong tour của mình khi đưa khách đến với Ninh Thuận, bên cạnh việc tham quan những làng nghề nổi tiếng khác.

Không chỉ thăm quan ngắm cảnh, ông còn cung cấp thêm một số dịch vụ như cho thuê trang phục truyền thống của người Chăm, trang phục dân tộc một số vùng miền khác để chụp hình lưu niệm, và phục vụ ăn uống tại vườn sen khi khách có nhu cầu.

 Mô hình trồng sen của gia đình ông thành công đã thu hút sự quan tâm của các hộ dân lân cận, các hộ dân xung quanh nhà ông cũng đã tiến hành chuyển đổi đất ao đầm, ruộng trũng canh tác lúa và nuôi vịt kém hiệu chuyển qua trồng sen và làm du lịch, các hộ dân cùng mở rộng diện tích, cải tạo vườn tược, tạo tiểu cảnh, giờ đây khi du khách tới đây sẽ thấy các ruộng sen thơm ngát trải dài ngút tầm mắt.

Vào mùa sen nở rộ bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 9 (do tại Ninh Thuận khí hậu nắng nóng quanh năm nên thời gian nở hoa của cây sen cũng kéo dài hơn những nơi khác) rất đông du khách tới đây.

Ông Tin cho biết: “Trước đây có ngày vài trăm người đến thưởng ngoạn, với giá vé mỗi người là 20.000 đồng, có ngày tôi thu về 3- 4 triệu đồng. Các bạn trẻ vào chụp ảnh cưới cả ngày trong khu vực hồ sen thì có mức giá 150.000 đồng, nếu thuê chòi riêng biệt tại hồ sen trong 01 buổi có giá là 50.000 đồng có thể thoải mái câu cá, vui chơi”.

Ông Tin cho biết thêm: “Hiện nay do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid -19, số lượng khách ngoại tỉnh sụt giảm nhiều, tuy nhiên lượng khách nội tỉnh vẫn đều đặn vào tham quan, tổ chức liên hoan, chụp hình cưới… Tính ra mỗi ngày tôi thu nhập vào khoảng 500 nghìn cho đến hơn 1 triệu đồng, hai ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần thu nhập nhiều hơn do lượng khách tăng hơn so với ngày thường”.

Trồng sen về hiệu quả kinh tế so với trồng lúa hoặc chăn nuôi vịt đơn thuần tăng hơn rất nhiều, góp phần thay đổi đáng kể kinh tế gia đình, mang lại vẻ mặt mới cho một vùng quê nắng gió. Trong thời gian tới, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích ao hồ trồng sen, thả cá, lập nhà hàng ăn uống... và mở rộng thêm nhiều dịch vụ để phục nhu cầu của du khách.

Mô hình chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả trên đất ruộng trũng sang trồng sen kết hợp với du lịch là một điểm sáng trong phát triển kinh tế tại nông thôn, đã có nhiều hộ dân xung quanh học hỏi và làm theo mô hình của gia đình ông Tin.

Đây là một bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và cơ cấu kinh tế tại nông thôn, không đầu hàng trước những khó khăn, nhờ những suy nghĩ táo bạo mang tính đột phá mà đã biến những cái bất lợi của tự nhiên thành lợi thế cho mình.

 


Số lượt đọc: 1134 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác