Mỗi năm thôn Bằng Nha, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên ghép nhân ra thị trường hàng triệu cây ăn quả giống các loại, doanh thu đạt 17 tỷ đồng, lãi gần 10 tỷ.
Ông Nguyễn Võ Liển, Trưởng thôn Bằng Nha cho biết: Nghề nhân giống cây ăn quả đã hình thành ở đây gần 40 năm, nhưng phát triển sôi động nhất, kể từ năm 2005 đến nay, trước đó cơ bản chỉ sản xuất các giống cây táo chua, táo ngọt đáp ứng cho nhu cầu canh tác tại địa phương. Sau này nhờ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạng mẽ khắp các địa phương trên miền Bắc, đã thúc đẩy những người làm nghề nhân giống cây ăn quả thôn Bằng Nha mở rộng diện tích, gia tăng số lượng, sản xuất đa dạng các giống cây ăn quả các loại.
Anh Đào Ngọc Sáng mỗi năm gieo, ghép được trên 30 vạn cây ăn quả giống. Ngoài tự tiêu thụ hết sản phẩm làm ra, còn nhận bao tiêu, trung chuyển được hàng chục vạn cây giống cho các hộ khác. Tạo việc làm cho gần 10 lao động tại chỗ, mức thù lao 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày. Đồng thời còn ủng hộ hơn 30 triệu đồng cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Anh Sáng bật mí: “Nhân cây ăn quả giống, không tốn diện tích canh tác, ít bị rủi ro thiên tai, dịch bệnh, áp lực thời vụ cũng thấp, hiệu quả sản xuất đạt cao, mọi tầng lớp lao động đều có thể tham gia, tùy theo sức của mình”.
Ông Đào Hoàng Nghiệp, sức khỏe khá yếu, vẫn gieo, ghép được hơn 10 nghìn cây ăn quả giống/năm, chẳng những tự đảm bảo được cuộc sống, còn có dư để phòng khi ốm đau.
Gia đình chị Lê Thị Chuyên, trước đây gieo trồng tới 5 sào rau màu các loại, mà vẫn ráo mồ hôi là hết tiền. Từ sau chuyển sang nhân giống cây ăn quả, chỉ mình chị Chuyên cũng sản xuất được 2 vạn cây giống các loại, còn tranh thủ làm thêm được hơn 1 sào rau gia vị nữa. Là phụ nữ, ham làm cây ăn quả giống, nên cứ nghe đâu có giống cây trồng đặc sản, là chị lại tìm đến tận nơi hỏi mua bằng được, về gieo, ghép trong vườn nhà, sau nhân bán ra thị trường.
Theo chị Chuyên, ghép giống trên cây ăn quả không khó, làm dần sẽ quen, khó nhất là khâu tiêu thụ. Để giữ được chân khách hàng, người làm nghề phải chọn gieo cây gốc ghép và mắt ghép kỹ càng, chăm sóc cho cây giống khỏe, sạch sâu bệnh... Bằng những cách làm này, mỗi năm chị Chuyên ăn tiêu rồi, vẫn còn “bỏ ống” được hơn 100 triệu đồng/sào chuyên cây giống các loại.
Anh Nguyễn Trung Văn (chuyên cây ăn quả giống ở Bằng Nha) tiết lộ: Để có được thị trường rộng mở, các nhà nông trên địa bàn, đã nâng cao chất lượng cây giống bằng cách, mua hạt ăn quả từ miền núi phía Bắc để gieo ươm làm gốc ghép. Mắt ghép cũng đặt hàng từ các nhà vườn có cây mẹ đầu dòng cùng loại, có lý lịch giống rõ ràng, được nhà nước công nhận, cho phép phổ biến ra đại trà.
Bên cạnh trực tiếp sản xuất được hầu hết giống cây ăn trái các loại, vài năm nay, thôn Bằng Nha còn là điểm trung chuyển một số cây giống (không có lợi thế sản xuất tại địa phương), cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng như, mít, vú sữa, nho, cau lùn. Giúp thị trường giống cây ăn trái ở thôn càng thêm sôi động.
Nét mới trong nghề nhân giống cây ăn quả ở Bằng Nha hiện nay là, đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất cây giống theo chuỗi giá trị, trong đó các chủ hộ năng động, có mối giao thương rộng, đã đứng ra làm đầu mối trung gian tiêu thụ cây giống các loại. Nhờ vậy, các hộ khác có thêm điều kiện để nâng cao tay nghề, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
“Nhờ thường xuyên có thu nhập cao từ nghề sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, mà bộ mặt làng quê Bằng Nha ngày càng thêm trù phú. Địa bàn thôn cơ bản không còn nhà cấp 4. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,73%. Nhiều nhà nông đã mua sắm được tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Lòng dân hướng thiện, xóm quê luôn đầy ắp tiếng cười”, Trưởng thôn Bằng Nha, Nguyễn Võ Liển khoe.
- Xoài Sơn La chất lượng cao (18/06/2020)
- Làm lúa thành tỷ phú (18/06/2020)
- Vĩnh Châu trúng mùa củ cải trắng (18/06/2020)
- Cây xoài Úc bén rễ vựa lúa Gia Lai (18/06/2020)
- Kinh nghiệm bảo vệ vườn cây trái mùa hạn, mặn (08/06/2020)
- Trồng sung mỹ - mô hình mới của nông dân xã Khánh Hòa (08/06/2020)
- Trồng ném lấy củ trên đất cát (15/05/2020)
- Bắt tay trồng rau sạch cung ứng cho siêu thị (15/05/2020)
- Phòng chống bệnh đạo ôn lúa, khó mà dễ (15/05/2020)
- Sâu bệnh trên cây thanh long, biện pháp phòng trừ (15/05/2020)