Trồng rau quả sạch ở ATK Định Hóa
03/12/2020

Chàng thanh niên dân tộc Tày -Hoàng Đình Lập (xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) đã chọn hướng đi khởi nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mô hình còn mở ra hướng canh tác mới cho người nông dân vùng miền núi.

Khác xa với hình ảnh thường có của anh thanh niên nông thôn miền núi vạm vỡ, sức vóc cuồn cuộn, Hoàng Đình Lập (28 tuổi), Giám đốc HTX Nông sản an toàn ATK Định Hóa có dáng dấp gày mảnh, nho nhã thư sinh. Nhìn Lập, rất khó tin đây lại là một thanh niên làm kinh tế nông nghiệp giỏi nổi tiếng cả vùng An toàn khu kháng chiến này.

Lập cười rất hiền bảo rằng, giờ làm nông nghiệp khác xa ngày trước, công nghệ cao không đòi hỏi nhiều sức lao động, lao động của HTX em toàn là các cô bác đã có tuổi.

Đưa chúng tôi tham quan 2 khu nhà lưới tổng diện tích trên 8.000m², Lập chia sẻ, HTX hiện là đơn vị sản xuất nông sản an toàn với diện tích khoảng 1,5ha, lớn nhất huyện nên rất được quan tâm. Năm 2019, huyện đã hỗ trợ làm nhà lưới trị giá 500 triệu đồng. Sản phẩm chủ lực của HTX là dưa lưới, dưa lê siêu ngọt, dưa chuột và các loại rau xanh.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ hiện đại vào trồng dưa lưới, dưa lê siêu ngọt trong nhà màng, năng suất và chất lượng đảm bảo, hiệu quả gấp đôi so với trồng ngoài điều kiện tự nhiên. Thực tế năm nay trồng 3 vụ gồm 2 vụ dưa và 1 vụ đỗ. Dưa lê và dưa chuột cho thu từ 13 -15 triệu/sào/vụ; đỗ thu 8 triệu.

Hiện, sản phẩm của HTX được đưa vào 1 số cửa hàng nông sản sạch và nhiều đầu mối tiêu thụ lẻ, dù bán với giá khá cao so với thị trường dưa chuột 25 nghìn đồng/kg; dưa lê 30 nghìn nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua.

Ý tưởng về sản xuất nông sản sạch đã được Hoàng Đình Lập ấp ủ từ lâu. Là con một, trong khi các bạn cùng trang lứa sớm vào đời mưu sinh, Lập được bố mẹ động viên học đại học để chọn một nghề đỡ chân lấm tay bùn.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm tại ĐH Nông Lâm Thái Nguyên vào năm 2014, Lập được lựa chọn tham gia chương trình thực tập sinh tại Israel.

Với niềm đam mê cây cối và khát vọng mở trang trại tại quê nhà, Lập đã tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thực hành trồng rau quả sạch.

Về nước, Lập tiếp tục “đầu quân” cho một số trang trại có tiếng về sản xuất rau quả sạch ở Hà Nội, Vĩnh Phúc. Sau đó anh cùng một người bạn thuê gần 1ha ruộng trồng dưa lê và dưa chuột. Trước khi bắt tay vào sản xuất, anh tiến hành cải tạo đất rồi tự thiết kế và mua thiết bị, vật tư về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động với chi phí rẻ bằng 50% so thị trường.

Chỉ trong 1 vụ đầu tiên Lập và bạn chia nhau mỗi đứa gần 30 triệu tiền lãi. "Từ lúc mới chỉ trong ý tưởng đến làm thật đều dễ thấy triển vọng của sản xuất rau quả sạch nên bọn em quyết tâm mở rộng mô hình và diện tích", Lập chia sẻ.

Theo tính toán của anh, mỗi vụ mô hình trồng rau, quả an toàn cho thu hoạch khoảng 6 tấn dưa chuột bao tử; 3 tấn dưa hấu; 10 tấn dưa lê; 1 tấn dưa lưới, tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 5-7 lao động thời vụ.

Tận mắt thấy cách làm và lợi ích từ trồng rau quả sạch của gia đình Hoàng Đình Lập, nhiều hộ gia đình trong xóm đã ngỏ ý cùng tham gia. Trên cơ sở đó, HTX  Sản xuất nông sản sạch an toàn ATK Định Hóa đã được thành lập năm 2019 với 8 hộ xã viên, dự định mở rộng diện tích lên 2ha rau quả an toàn theo hướng công nghệ cao.

Ngoài sản xuất một số loại rau quả theo quy trình VietGAP, thu mua nông sản cho xã viên theo giá ổn định, HTX còn sản xuất và cung cấp giống, phân bón vật tư nông nghiệp và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng...


 


Số lượt đọc: 566 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác