Quản lý nông nghiệp sinh thái
17/07/2019

Mô hình “Công nghệ sinh thái” được ứng dụng thí điểm tại tỉnh An Giang từ vụ hè thu 2010, bước đầu đã mang lại kết quả hết sức khả quan.

(Mô hình công nghệ sinh thái đang được triển khai rộng ở An Giang)

 

An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn nhất ở ĐBSCL, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng chương trình “1 phải 5 giảm” nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo không có tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất cần thiết. Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, những yêu cầu của người dân về sản phẩm tiêu dùng ngày càng cao và mặt hàng lúa gạo cũng không tránh khỏi những yêu cầu khắt khe của thị trường. Những thương hiệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường tiêu dùng. Với chủ trương nâng cao thu nhập của người nông dân, quan tâm đến sức khỏe con người và môi trường, cần phải chú trọng đầu tư, mở rộng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ mới, nhằm giúp tăng giá trị sản xuất bền vững. Mô hình “Cộng đồng quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái” (trồng cây có hoa trên bờ ruộng) hay mô hình “Công nghệ sinh thái - Ruộng lúa bờ hoa” là giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tính đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, thu hút thiên địch giúp nông dân quản lý tốt sâu rầy, hạn chế thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Kỹ thuật được khuyến cáo áp dụng của mô hình “Công nghệ sinh thái” là trồng các loại cây có hoa với màu sắc, phấn hoa và mật hoa để thu hút và nuôi dưỡng các côn trùng có khả năng thu hút nhiều thiên địch đến tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ sản xuất và làm đẹp ruộng đồng. Các loại hoa có thể chọn trồng trên ruộng là sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, trâm ổi, xuyến chi, sục sạc, cúc mặt trời. Ngoài ra, có thể chọn các loại cây trồng vừa có hoa dẫn dụ thu hút thiên địch và giúp tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh. Mô hình “Công nghệ sinh thái” được ứng dụng thí điểm tại tỉnh An Giang từ vụ hè thu 2010, bước đầu đã mang lại kết quả hết sức khả quan. Từ thành công của mô hình này, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang đã xây dựng dự án triển khai các mô hình công nghệ sinh thái ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Có cơ sở là thành công của nhiều mô hình ở các địa phương, UBND tỉnh An Giang đã chính thức phát động nông dân An Giang ứng dụng chương trình “Công nghệ sinh thái” từ vụ hè thu 2011. Sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang đã triển khai nhiều mô hình trình diễn trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2013 đã có 52 mô hình được thực hiện với 2.496 nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 1.470ha. Để tạo sự đột phá trong việc nhân rộng ứng dụng công nghệ sinh thái, từ vụ đông xuân năm 2013 - 2014 Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang đã phát động thi đua nông dân An Giang Công nghệ sinh thái trên toàn tỉnh với sự tham gia và tài trợ từ các doanh nghiệp như Cty TNHH TM Tân Thành, Cty CP thuốc sát trùng Việt Nam và Cty CP Phân bón Bình Điền. Qua 6 vụ phát động thi đua đã có 112 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký với 595 nông dân tham gia và ứng dụng trên diện tích 898,6ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 164 mô hình và tổng diện tích ứng dụng là 2.368ha. Chương trình thi đua là một hình thức tuyên truyền sâu rộng góp nâng cao nhận thức của nông dân trong việc giảm thuốc trừ sâu rầy. Qua phát động thi đua thực hiện chương trình đã có 7 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh An Giang và 104 tập thể, cá nhận được tặng giấy khen của Sở NN-PTNT An Giang. Cụ thể, nổi bật nhất là ở mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái ở huyện An Phú. Từ việc ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật từ chương trình IPM, 1 phải 5 giảm và công nghệ sinh thái đã mang lại kết quả là xây dựng một cánh đồng không phun thuốc trừ sâu rầy trong suốt vụ lúa. Trong năm 2015 tổng diện tích thực hiện trong huyện này đạt 390ha, trong đó mô hình ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc nổi bật nhất với diện tích tương đương 200ha được 50 hộ nông dân thực hiện. Trong thời gian tới, huyện An Phú có kế hoạch phát triển diện tích thực hiện mô hình sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu rầy lên 2.000ha vào năm 2020. Riêng vụ đông xuân năm 2015 - 2016, Cty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã hợp đồng với nông dân An Phú trồng 10ha giống lúa thơm AG103 và AG140 với giá bao tiêu 7.000 đ/kg lúa, bước đầu đã thành công và sang các năm tiếp theo Cty sẽ mở rộng vùng sản xuất được bao tiêu lên hàng trăm ha. Trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát động chương trình thi đua ứng dụng công nghệ sinh thái, đặc biệt phát triển trong các “cánh đồng lớn”, góp phần ứng dụng thành công kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, giúp nông dân giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững.


Số lượt đọc: 1206 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác