Xứ dừa Bến Tre phải… nhập khẩu dừa
23/05/2017

Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, cho hay thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) chế biến dừa xuất khẩu của tỉnh đã nhập khẩu khoảng 40.000 trái dừa. Giá dừa nhập khẩu rẻ hơn một nửa so với giá dừa tại Việt Nam.

Khan hiếm dừa

Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc Công ty Chế biến dừa Lương Quới (huyện Châu Thành, Bến Tre), cho biết thời điểm hiện nay do mất mùa nên nguồn nguyên liệu dừa khô thiếu hụt, không đủ để công ty chế biến. Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt dừa khô càng khiến nguồn nguyên liệu dừa tại chỗ trở nên khan hiếm.

“Để nhà máy có nguyên liệu sản xuất, chế biến chúng tôi buộc phải nhập khẩu nguyên liệu dừa từ Indonesia” - ôngTrí cho hay.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 1.970 cơ sở sản xuất, chế biến dừa để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các DN nếu chạy hết công suất, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,1 tỉ trái dừa khô.

Đó là chưa kể hiện trên địa bàn tỉnh sắp có thêm ba DN sản xuất, chế biến dừa mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, theo dự báo, việc thiếu hụt nguyên liệu dừa sẽ là thách thức lớn nhất đối với các DN chế biến dừa trong thời gian tới.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết thêm do khan hiếm, thiếu nguồn cung đã đẩy giá dừa lên cao ngất ngưởng: 110.000-120.000 đồng/chục trái bán tại vườn. Giá cao nhưng nông dân không có dừa để bán, còn DN không có dừa để chế biến.

“Chúng tôi cảm thấy đau khi ngay trên đất Bến Tre, DN phải đi mua dừa ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, thậm chí qua Indonesia để nhập dừa mọc mộng về chế biến. Càng đau hơn khi 70% nông dân Bến Tre trồng dừa nhưng họ không sống được từ cây dừa” - ông Hạo nói.

Vì sao lại xảy ra nghịch lý các DN ở xứ dừa lại thiếu dừa để chế biến? Nhiều ý kiến cho rằng ngoài chuyện do ảnh hưởng của hạn mặn, sâu bệnh làm cho năng suất dừa trên địa bàn tỉnh giảm 70%-80% thì hiệu quả của cây dừa thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác như sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi da xanh...

Ông Nguyễn Văn Hoảnh, nông dân trồng dừa ở thị trấn Giồng Trôm hiện đang trồng 2 ha dừa. Ông Hoảnh kể những năm gần đây giá dừa rất bấp bênh, không ổn định nên ông đành phải trồng 0,6 ha dừa xen bưởi da xanh để tăng thu nhập. Thực tế năm vừa qua thu nhập từ bưởi đem lại lợi nhuận 182 triệu đồng/ha/năm trong khi thu nhập từ dừa chỉ đạt 97 triệu đồng/ha/năm.

Chính vì thế không chỉ ông Hoảnh mà nhiều nhà vườn khác ở Bến Tre quay lưng với cây dừa. “Nếu tình trạng này kéo dài, không bao lâu nữa những cây trồng khác sẽ chiếm diện tích vườn dừa, thậm chí có khi chiếm hết diện tích cây dừa” - một chuyên gia cảnh báo.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đánh giá hiện nay nông dân thấy cây gì, con gì nổi lên, có giá cao là ào ạt trồng, nuôi để rồi sau đó thất vọng như trường hợp con heo hiện tại. Lý do là không có chuỗi liên kết chuỗi giá trị cây dừa để bảo đảm tính phát triển bền vững.

Để khắc phục tình trạng này, ông Võ Thành Hạo cho rằng không một ai có thể tự giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự chung tay của nhà quản lý, DN và nông dân. Bởi sự bền vững phải bắt đầu từ liên kết trong ngành dừa. Đặc biệt là cần có sự chia sẻ hài hòa lợi ích giữa nhà vườn và DN để không rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng sản xuất rời rạc hiện nay đã không còn phù hợp, do đó cần phải liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển theo hướng vườn dừa hữu cơ. Đặc biệt, giữa các DN phải biết chia sẻ lợi ích lẫn nhau, cạnh tranh để cùng phát triển chứ không phải loại trừ nhau.

 


Số lượt đọc: 778 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác