Bệnh sốt xuất huyết lan rộng
18/08/2017

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với gần 60 ngàn người mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp đã tử vong. Tại BR-VT, từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh SXH cũng tăng mạnh, với 1.311 ca mắc, tăng 54,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn lơ là trong phòng chống bệnh SXH, khiến bệnh này có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới.

SXH TĂNG Ở NGƯỜI LỚN

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, số người mắc bệnh SXH đã không ngừng tăng trong thời gian gần đây. Hiện nay, 7/8 huyện/thành đều có các điểm “nóng” về SXH (trừ huyện Côn Đảo mới chỉ ghi nhận 1 ca mắc bệnh SXH). Địa phương có nhiều người mắc bệnh SXH nhất là TP.Vũng Tàu, với 780 ca, chủ yếu ở các phường: 7, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất. Tại 2 huyện Châu Đức, Tân Thành và TP.Bà Rịa, trước đây chỉ rải rác một vài người mắc bệnh SXH, nhưng năm nay số người mắc bệnh đã tăng mạnh. Chẳng hạn như tại huyện Tân Thành, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương này ghi nhận 125 trường hợp mắc SXH ở các xã: Tân Hải, Tân Hòa, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Sông Xoài và thị trấn Phú Mỹ.

Điểm đáng chú ý, nếu như trước đây, người bị mắc bệnh SXH chủ yếu là trẻ vì sức đề kháng yếu, thì nay SXH lại chủ yếu “tấn công” người lớn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận hơn 800 người lớn mắc bệnh SHX, chiếm gần 2/3 tổng số ca mắc bệnh này. Đa số ca mắc SXH nặng cũng rơi vào các trường hợp người lớn. Trường hợp chị B.T.H, 25 tuổi, ở phường 10, TP.Vũng Tàu phải vào Bệnh viện Lê Lợi điều trị SXH cuối tháng 7 vừa qua là một ví dụ. Chị H. cho biết, lúc đầu thấy mệt mỏi, sốt cao nhưng cứ nghĩ mình bị cảm thông thường nên chỉ mua thuốc hạ sốt uống mà không đi khám. Đến ngày thứ ba, do bị sốt quá cao, người nhà mới đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị SXH và phải nhập viện ngay để theo dõi.

KHÔNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ VỚI BỆNH SXH

Theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nếu không có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, SXH có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu đất trống bỏ hoang, dễ đọng nước mưa, trở thành nơi trú ngụ “lý tưởng” cho muỗi. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, chưa thực sự quan tâm đến công tác dọn vệ sinh, diệt lăng quăng xung quanh nơi sinh sống. Chính quyền một số phường, xã chưa quan tâm nhiều tới công tác xử lý ổ dịch, diệt lăng quăng, vẫn coi trách nhiệm xử lý dịch bệnh là của riêng ngành y tế...

Trước thực trạng nêu trên, để tăng cường phòng chống SXH, không để bệnh lan rộng, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát dịch tễ học, theo dõi mật độ muỗi tại những vùng trọng điểm, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường về dịch tễ để xử lý sớm khi có dịch xảy ra; tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường hàng tuần tại tất cả các địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh SXH; củng cố mạng lưới cộng tác viên tại khu phố, thôn, ấp để làm nòng cốt triển khai các hoạt động phòng chống SXH tại địa bàn dân cư… Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu, công tác điều trị để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân SXH. Trong trường hợp xảy ra dịch, sẽ thành lập các đội cấp cứu lưu động, bố trí cán bộ chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho y tế tuyến dưới.

Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết: Để giảm số ca mắc SXH, không để bệnh lan rộng, TP.Vũng Tàu đang tập trung tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng. Thành phố sẽ tiếp tục huy động đoàn viên, thanh niên, người dân ở các tổ dân phố cùng tham gia với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, tiến hành vệ sinh môi trường 1 lần/tuần ở những địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh và thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động này ở mỗi địa phương để chấn chỉnh kịp thời. Thành phố cũng yêu cầu lực lượng y tế xã, phường giám sát chặt chẽ, nắm thông tin kịp thời những trường hợp mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh tại từng hộ gia đình để có biện pháp xử lý.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho tằng, thực tế cho thấy, không ít hộ dân dù đã được vận động, tuyên truyền dọn vệ sinh, diệt lăng quăng trong không gian sinh sống của mình nhưng họ vẫn thờ ơ không thực hiện. Do đó, cần phải xử phạt để buộc người dân có trách nhiệm, ý thức hơn trong việc này. Quy định về xử phạt được ghi rõ tại Khoản 2, Mục b, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, nếu người nào không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.


Số lượt đọc: 569 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác