Mô hình mới: Trồng đinh lăng thương phẩm ở Xuyên Mộc
20/09/2017

Vài năm trở lại đây, huyện Xuyên Mộc xuất hiện mô hình trồng xen đinh lăng thương phẩm với một số loại cây ăn quả khác. Cây sinh trưởng tốt, thị trường và giá bán ổn định, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu nhờ loại cây dược liệu này.

Một trong những người đầu tiên trồng đinh lăng tại Xuyên Mộc là anh Phạm Văn Phong (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp). Anh Phong cho biết, trước đây người dân chỉ trồng cây đinh lăng với số lượng ít, chủ yếu để làm kiểng hoặc rau ăn. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu về loại cây này của các công ty dược liệu tăng mạnh, năm 2013, anh quyết định lấy giống đinh lăng Nếp của Nam Định về trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha. Theo anh Phong, đinh lăng rất phù hợp với loại đất xám và điều kiện thời tiết có nhiều giờ nắng trong năm, nhiệt độ trung bình 270C của Xuyên Mộc nên sinh trưởng và phát triển tốt. Cách trồng đinh lăng cũng khá đơn giản do loại cây này ít bị bệnh hại. Do chịu bóng mát nên trồng xen đinh lăng với một số loại cây khác như tiêu, đu đủ, chuối sẽ tốt cho cây, nông dân lại có thêm thu nhập. Chi phí mua phân bón cũng không nhiều do chủ yếu sử dụng phân chuồng, khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Cây trồng được khoảng 6 tháng thì có thể thu hoạch. Tất cả các bộ phận của cây đều có giá trị sử dụng và được các công ty dược liệu thu mua. Lá có giá khoảng 3 ngàn đồng/kg, thân từ 28-30 ngàn đồng/kg. Một số hộ không muốn bán sớm có thể đợi đến khi cây có củ, từ 2-3 năm tuổi, giá bán khoảng 50 ngàn đồng/kg. Sau 3 năm trồng đinh lăng, trung bình mỗi năm anh Phong thu 1,2 tỷ đồng/ha. Do đó, anh mạnh dạn đầu tư, mua giống và thuê đất trồng 15ha loại cây này.

Bên cạnh việc bán đinh lăng thương phẩm, do nhu cầu trồng đinh lăng tăng mạnh nên nhiều hộ nông dân cũng chuyển sang sản xuất giống để bán. Theo đó, người trồng cắt các cành của cây đinh lăng từ 6 tháng tuổi trở lên, làm thành các hom giống. Đến khi cây giống cao khoảng 25-30cm có giá khoảng 3-5 ngàn đồng/cây. Cây đinh lăng có trọng lượng khoảng 1kg có thể làm được 45-50 hom giống.

Nhiều hộ nông dân tại xã Hòa Hội cũng đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ trồng đinh lăng. Chị Nguyễn Thị Thêm (ấp 5, xã Hòa Hội) trồng 5.000m2 đinh lăng từ năm 2015. Chị Thêm cho biết: “Trước đây tôi trồng một số loại cây ăn quả nhưng hiệu quả chưa cao nên khi nghe một số người giới thiệu, tôi chuyển sang trồng đinh lăng. Hiện vườn đang trồng 20 ngàn gốc, tiền giống hết 70 triệu đồng, tiền phân bón hết 15 triệu đồng/vụ. Sau 6 tháng, tôi bán đinh lăng thương phẩm cùng với cây giống thu được 700-800 triệu đồng, lãi 600-700 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng trồng xen đu đủ, chuối trong vườn, thu thêm 50-70 triệu đồng/năm”.

Hiện nay, các công ty dược liệu có nhu cầu đinh lăng khá lớn. Ngoài ra, nhiều DN thu mua đinh lăng ép lấy tinh dầu rồi xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, Singapore. Đặc biệt, nhờ hợp khí hậu, chất lượng đinh lăng ở BR-VT có hàm lượng tinh dầu cao nên được ưa chuộng.

Ông Bùi Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết, vài năm trở lại đây, mô hình trồng cây đinh lăng được nhiều nông dân áp dụng và bước đầu cho hiệu quả tốt. Đến nay, toàn xã có khoảng 25ha trồng đinh lăng. Tuy nhiên, xã chưa vội khuyến khích trồng loại cây này do đây mới là mô hình mới, chưa xác định được hiệu quả lâu dài. Vì vậy, khi trồng đinh lăng ngoài chú ý tham khảo thêm thông tin về kỹ thuật cần tìm hiểu kỹ về thị trường, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng, cam kết với DN nhằm giảm rủi ro, sản phẩm sản xuất ra không thể tiêu thụ.


Số lượt đọc: 952 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác