Ý nghĩa cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 với xây dựng chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay
19/12/2017

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự để vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30 và 31-1-1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong bối cảnh quân Mỹ - ngụy và các nước đồng minh của chúng tham chiến với một lực lượng quân sự lớn lên tới trên một triệu quân, có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, được phòng thủ vững chắc. Nhưng bằng cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ, ta đã đánh thẳng vào các vị trí quan trọng nhất của địch như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống ngụy, Bộ Tổng Tham mưu, Nha cảnh sát, Đài phát thanh Sài Gòn, tiến công làm chủ thành phố Huế và hầu khắp các vùng nông thôn rộng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá huỷ một khối lượng lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch.

Vì thế, xét cả về quy mô cũng như tính chất đồng loạt, tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã sáng tạo ra một hình thức tiến công chiến lược mới với hiệu lực chiến đấu cao, làm lung lay ý chí xâm lược của một siêu cường, làm cho chính quyền Mỹ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch, bao gồm tất cả các thành phố, tỉnh lỵ đều bị tấn công đồng loạt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 không chỉ diễn ra một đợt mà diễn ra nhiều đợt, không chỉ tiến công tuần tự từ ngoài vào mà còn kết hợp từ trong ra, khiến địch đã bất ngờ càng bất ngờ hơn.

Đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chúng ta đã huy động tổng lực từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đặc công, biệt động, pháo binh…, được nhân dân hết lòng ủng hộ, tích cực phối hợp tham gia chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa sự nổi dậy rộng khắp của quần chúng, sự chuẩn bị rất công phu của các lực lượng, giữ được bí mật tuyệt đối của các cấp, các địa phương, đơn vị, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta để làm nên một kỳ tích “có một không hai” trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp giữa lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang ba thứ quân; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và nhỏ; thể hiện nghệ thuật đánh địch bằng mưu cao, kế hiểm. Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc". Bộ Chính trị đánh giá: "Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pa-ri, chấm dứt ném bóm không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hoá chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã để lại cho các thế hệ hiện nay và mai sau niềm tự hào sâu sắc. Ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công vẫn còn nguyên giá trị:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nắm chắc tình hình; có các chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn phát triển của chiến tranh cách mạng trong điều kiện mới của Việt Nam.

Hai là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yếu tố chính trị - tinh thần.

Ba là, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, làm nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, phát triển tiềm lực quốc phòng, quân sự.

Năm là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.


Số lượt đọc: 1296 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác