Hậu quả, tác hại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em nghiện ma tuý
22/05/2019

10 năm trở lại đây ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Trong hồ sơ quản lý trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) đặc biệt trong đó có khoảng 50% tổng số người nghiện là trẻ em (dưới 16 tuổi). 

Hậu quả, tác hại của tệ nạn ma tuý đối với trẻ em

Đối với trẻ em, ma tuý để lại những hậu quả không thể lường hết được. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các em nghiện ma túy thể chất phát triển không bình thường chậm lớn, gầy còm, trí nhớ kém, trí thông minh giảm, lười biếng, ngủ nhiều, thích nằm, không thích lao độn, khả năng hoạt động kém ...

Ma tuý còn là nguyên nhân gây mất trật tự an toàn xã hội, là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm hình sự. Thực tế cho thấy ma tuý là bạn đồng hành của tội phạm, mối quan hệ giữa ma túy và tội phạm là mối quan hệ nhân quả. Ma tuý gắn liền với hành vi phạm tội, là nguồn bổ sung tội phạm. Khi bị nghiện, những người nghiện sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, có ma tuý, thậm chí giết người, cướp của. Ở trẻ em, các hành vi chưa mang tính chất nghiêm trọng, nhưng cũng xuất hiện những mầm mống của tội phạm như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo…

 

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghiện ma tuý của trẻ em

Thứ nhấtNguyên nhân từ tác động của nền kinh tế thị trường.

Qua mấy thập kỷ sống theo kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nay chuyển sang kinh tế thị trường. Sự đổi mới về cơ chế mang lại nhiều thành tựu về kinh tế nhưng cũng bộc lộ nhiều mặt trái của xã hội như: Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, sự chênh lệch quá lớn trong thu nhập, mức sống của các tầng lớp nhân dân, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự hình thành lối sống thực dụng, trụy lạc, sự giáo dục của gia đình bị buông lỏng do cha mẹ bị cuốn hút vào các hoạt động của cơ chế đã ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của giới trẻ nói chung và trẻ em nói riêng.

Thứ hai : Nguyên nhân về đặc điểm tâm lý của lứa tuổi.

Lứa tuổi trẻ em là lứa tuổi chưa thật sự trưởng thành, suy nghĩ còn non nớt, tự bản thân các em dễ bị lôi kéo, thích ăn chơi đua đòi, dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống gấp, lối sống hưởng thụ một cách cực đoan. Các thế hệ thù địch ra sức chống phá cách mạng nước ta trên nhiều phương diện, góc độ khác nhau của đời sống xã hội, chúng tăng cường tuyên truyền du nhập lối sống ngoại lai, tôn thờ lối sống tự do, vô chính phủ, vô kỷ luật, kích thích những dục vọng cá nhân thấp kém, những ham muốn lệch lạc của một số người, trong đó tập trung chủ yếu là đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Những năm gần đây, các loại văn hoá phẩm đồi trụy kích động bạo lực, mại dâm, lối sống thực dụng, buông thả… đang bằng mọi phương thức, hình thức xâm nhập vào Việt Nam trở thành mối lo ngại lớn. Lứa tuổi trẻ em rất nhạy cảm với những gì được gọi là mới lạ khác biệt, không ngại đua đòi bằng cách thể hiện bản thân mình cho “hợp thời đại”, “đổi mới tư duy”, lao vào con đường hưởng thụ, chơi bời, trác tang, tham gia vào các loại tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn ma tuý.

Động cơ dẫn các em đến với ma tuý đó là: tò mò thử xem, bạn bè rủ rê, lôi kéo, không hiểu tác hại của ma tuý, tiếp xúc với ma tuý dễ dàng…và cho rằng, sự tò mò của lớp trẻ và sức ép tự nhiên của những trò rủ rê cùng trang lứa là cái “hích” đầu tiên đưa các em đi vào thử dùng ma tuý. Nghiên cứu trực tiếp số đối tượng đang sử dụng ma tuý ở lứa tuổi trẻ em, cho thấy: bạn bè rủ rê 75%; chủ động xin hút thử 12,5%; tò mò mua hút 8,3%; cá độ được thua 4,2%. Trong đó người tham gia rủ hút hít 100% đã sử dụng ma tuý từ trước.

Thứ ba: Nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý, tuyên truyền:

Công tác quản lý, xuất nhập khẩu các chất ma tuý, các chất độc dược có tính gây nghiện còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, gia đình, tổ chức, đoàn thể nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống ma tuý chưa đủ mạnh, còn dàn trải, mạnh ai nấy làm, thiên về hậu quả, ít chú ý nhân rộng, phổ biến các kinh nghiệm, tấm gương tốt trong phòng ngừa và đấu tranh chống ma tuý. Đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về ma tuý còn ít nhưng lại nêu quá sâu về những tác dụng khoái cảm của nghiện ma tuý và thủ thuật hoạt động của tội phạm, gây sự tò mò. Mặt khác, công tác phòng chống mới được thực hiện chung chung cho toàn xã hội, chưa đi sâu vào phòng chống tệ nạn xã hội cho lứa tuổi trẻ em.

Thứ 4: Nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường:

Gia đình với chức năng nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục con em, là nơi có nhiều thời gian nhất, có nhiều thuận lợi nhất về mọi phương diện để giúp các em nhận rõ được tác hại ghê gớm của ma túy và từ đó có cách phòng chống tốt nhất.

Tuy nhiên, nhiều gia đình thiếu phương pháp giáo dục thích hợp với tâm lý lứa tuổi (quá luông chiều, thoả mãn, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu vật chất không chính đáng), thiếu tri thức về phòng chống ma tuý, không giáo dục cho con em tránh xa tệ nạn này. Cấu trúc gia đình không hoàn hảo như bố mẹ chết, chỉ có bố hoặc chỉ có mẹ, bố mẹ ly dị, sống trong cảnh dì ghẻ, bố dượng…thiếu người chăm sóc, giáo dục dễ dàng bị bọn xấu rủ rê. Gia đình có người phạm tội (bố, mẹ phạm tội, anh, chị phạm tội…) gia đình không hoà thuận, thường xuyên cãi vã, thậm chí có hành vi đồng loã, khuyến khích các em thử, nghiện và buôn bán ma tuý.

Nhà trường là môi trường có tác dụng to lớn đến sự hình thành nhân cách của các em. Đây là một tổ chức có tính chất chiến lược nhất trong việc phòng ngừa các em vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nơi nhà trường cũng có những yếu kém, sai lầm góp phần làm gia tăng tệ nạn ma tuý trong học sinh, ở nhiều trường các tổ chức đoàn, đội chưa thực sự là nơi để các thành viên trao đổi với nhau các quan điểm về cuộc sống, về hoài bão, về tâm tư, nguyện vọng để hoàn thiện bản thân. Tổ chức và kỷ luật của Đoàn, của Đội còn lỏng lẻo, không có chiều sâu về cả mặt nội dung và hình thức, nặng về thành tích mà lẩn tránh các vấn đề gai góc trong học sinh hiện nay như hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh với các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc…) Điều này sẽ dẫn các em đến hoạt động tiêu cực, tụ tập chơi bời từ đó dễ bị tệ nạn ma tuý lôi kéo, quyến rũ


Số lượt đọc: 2145 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác