Chính phủ vừa ban hành
Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp
bách trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của
Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.
Nghị quyết nêu rõ: Ngay khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các nước láng giềng vào tháng 8/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, phòng chống dịch bệnh; nhờ vậy, đã làm hạn chế tốc độ lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch như: Chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa kịp thời, không bảo đảm yêu cầu, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho cộng đồng; việc bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa kịp thời, thiếu nhất quán; hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn xảy ra ở một số nơi;... Do đó, từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Do tính chất nguy hiểm của virus dịch tả lợn châu Phi, hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; nước ta còn trên 2,4 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi rất cao; việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh gặp nhiều khó khăn; thời tiết diễn biến rất phức tạp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho virus dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, gây bệnh. Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân.
Hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Nghị quyết nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cụ thể, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).
Việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên nhưng tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách Trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại: Với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương từ 50% trở lên, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện; các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồn cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.
- LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ (25/11/2020)
- 3 chính sách mới về BHXH bắt buộc, BHYT áp dụng từ 2021 (24/11/2020)
- Qua đỉnh lịch sử, thịt lợn tại chợ về mức giá rẻ nhất năm (24/11/2020)
- Nông dân Ninh Thuận giàu nhờ ‘rau hoàng đế’ (21/11/2020)
- Hoa đu đủ đực: Từng là thứ vứt đi, nay thành hàng hiếm, bán tiền triệu (20/11/2020)
- NGHỊ ĐỊNH 120/2013 QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU (13/11/2020)
- Cử tri đề nghị "xóa sổ" tín dụng đen (13/11/2020)
- Giá vàng hôm nay 13/11: Tăng trở lại sau 2 cú sốc liên tiếp (13/11/2020)
- Bẫy mua sắm trong siêu thị bà nội trợ cần tỉnh táo tránh xa để không mất tiền oan (12/11/2020)
- 6 trường hợp được về hưu trước tuổi, hưởng nguyên lương (10/11/2020)