Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) sáng 18/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ sự lo lắng, bởi tuy ở trong nước đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, song diễn biến trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi đó, tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại.
Theo ông Long, đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nước. Trung Quốc sau gần hai tháng không có ca nhiễm, đến nay thủ đô Bắc Kinh trở thành điểm nóng. Chính quyền thành phố đã nâng cấp độ cảnh báo, huỷ 1.200 chuyến bay, đóng cửa trường học, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển. Thủ đô Seoul và vùng phụ cận (Hàn Quốc) mỗi ngày ghi nhận hơn 36 ca nhiễm.
Nhấn mạnh quan điểm "thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn", Ban chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, lơi lỏng; sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra. Việt Nam phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Ban chỉ đạo cho rằng hiện Việt Nam vẫn còn bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị; đồng thời các cơ quan chức năng tiếp tục đưa người Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào trong nước làm việc, nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.
Với người nhập cảnh là nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư vào Việt Nam thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban chỉ đạo giao Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đứng đầu tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các khu vực riêng biệt đón tiếp, đảm bảo an toàn dịch tễ, xét nghiệm.
Đến nay Việt Nam đã đưa hơn 8.000 công dân về nước; thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo hộ công dân theo quy định và tình hình thực tiễn.
Ban chỉ đạo thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam; tăng cường khả năng xét nghiệm nhanh; giao đơn vị viễn thông quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới và ngăn chặn kịp thời.
Phát biểu tại Quốc hội ngày 15/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch trong nước và cân nhắc mở cửa quan hệ thương mại với 17 nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, cho rằng cần rất thận trọng khi công bố hết dịch trong nước bởi làn sóng dịch lần thứ 2 vẫn đang treo lơ lửng ở nhiều quốc gia.
Đến trưa 18/6, Việt Nam ghi nhận 335 ca nhiễm nCoV, trong đó 325 người được chữa khỏi, 10 người đang điều trị.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, điều kiện để công bố hết dịch bao gồm: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch (theo quy định của Thủ tướng".
Các cơ quan, người dân... đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan chức năng.
- Đề nghị xử phạt lao động công ích người vi phạm hành chính (18/06/2020)
- Những ai có nguy cơ ung thư đại trực tràng? (14/06/2020)
- Trường mầm non sen hồng ra quân hưởng ứng ngày môi trường thế giới (09/06/2020)
- Không yêu cầu xe máy cũ phải bật đèn nhận diện (09/06/2020)
- Lợn hơi bất ngờ hạ nhiệt cả ba miền, chợ dân sinh vẫn vắng bóng người mua (09/06/2020)
- Trồng rau má, càng nắng bán càng đắt, vườn không rộng vẫn thu trăm triệu (05/06/2020)
- Rau 'nhà nghèo' một thời ăn chống đói, nay là đặc sản, thu cả triệu đồng mỗi ngày (29/05/2020)
- ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ KIM LONG LẦN THỨ VI THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP (29/05/2020)
- 'Vương quốc mắm' miền Tây với 10 loại mắm có một không hai ăn một lần nhớ mãi (21/05/2020)
- Việt Nam có 10 loại rau rừng mọc dại giá 'đắt cắt cổ', có tiền chưa chắc đã mua được (21/05/2020)