Trung Quốc liên tục phô diễn sức mạnh đổ bộ tấn công ở Biển Đông
30/11/2020
Tập trận với tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn rồi điều động tàu đổ bộ tấn công chạy thử ở Biển Đông là những động thái mới nhất của Trung Quốc khi nước này thường xuyên có nhiều hành vi gây quan ngại ở Biển Đông.

Mới đây, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh vừa chụp giữa tháng 11 cho thấy tàu đổ bộ tấn công mang máy bay trực thăng Type-075 của Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ hải quân Du Lâm (TP.Tam Á, đảo Hải Nam), hướng ra Biển Đông.

Trước đó, tàu này còn ở xưởng đóng tàu tại Thượng Hải (Trung Quốc). Theo đó, đây là lần đầu tiên tàu đổ bộ Type-075 chạy thử ở Biển Đông.

Trong khi đó, ngày 25.11, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa triển khai 3 tàu đổ bộ loại Type-071 là Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) cùng một số tàu tên lửa lớp Type-022 tham gia 2 cuộc tập trận ở Biển Đông.

Các mục đích của Bắc Kinh

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Trung Quốc đã điều động đến 3 tàu đổ bộ loại Type-071, có thể mang theo 800 binh sĩ cùng một số tàu đệm khí đổ bộ, tham gia tập trận ở Biển Đông với nhiều mục đích”.

Thứ nhất, TS Nagao cho rằng Trung Quốc đại lục đã và đang gia tăng sức ép lên Đài Loan trong bối cảnh bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, theo đuổi chiến lược độc lập cho đảo này. Vừa qua, tàu chiến và máy bay của Trung Quốc thường xuyên hoạt động, gia tăng sức ép nhằm vào Đài Bắc.

Theo TS Nagao, điển hình là nhiều vụ chiến đấu cơ Trung Quốc đại lục đã bay vào vùng trời Đài Loan khiến lực lượng phòng vệ của đảo này phải điều động máy bay chiến đấu xuất kích ngăn chặn. Thậm chí, Bắc Kinh điều động cả nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động xung quanh Đài Loan.

Bắc Kinh càng trở nên khó chịu khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. “Chính vì thế, Bắc Kinh đang gia tăng sức ép nhằm vào Đài Bắc”, ông Nagao nhận xét.

Thực tế, quan hệ quanh eo biển Đài Loan đã gây căng thẳng cho phía bắc Biển Đông. Những tháng gần đây, giới quan sát lo ngại tình hình của quần đảo Đông Sa, ở phía bắc Biển Đông, mà Đài Bắc đang nắm quyền kiểm soát. Đầu tháng 8, tờ South China Morning Post đưa tin Đài Bắc vừa bổ sung thêm lực lượng quân sự đến Đông Sa. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục cũng triển khai nhiều lực lượng tấn công đổ bộ xung quanh khu vực này.

Mục đích thứ hai của việc Trung Quốc đưa tàu Type-071 tập trận, theo TS Nagao, nhằm gây sức ép với các nước Đông Nam Á. Ở Biển Đông, khả năng đổ bộ đem đến nhiều ưu thế cho việc tiến chiếm các đảo, bãi đá. Do đó, khi Trung Quốc thể hiện năng lực có thể cùng lúc đổ bộ 2.000 - 3.000 binh sĩ thì có thể gây quan ngại lớn cho nhiều nước trong khu vực.

TS Nagao cho rằng mục đích thứ ba của Bắc Kinh ở động thái trên là nhằm “thử lửa” phản ứng của Washington sẽ như thế nào, trong bối cảnh Mỹ đang giải quyết các vấn đề liên quan kết quả bầu cử ở nước này và nhiều khả năng sẽ chuyển giao chính quyền mới.

 


Số lượt đọc: 771 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác