Số lượt truy cập: 3082971
Đang online: 7
Địa điểm: Chọn ruộng nuôi bằng phẳng, có khả năng giữ nước tốt, nguồn nước dồi dào không bị ô nhiễm và thuận tiện trong việc cấp thoát nước. Chất đất có thể là đất thịt, đáy pha cát, không bị phèn chua; diện tích ruộng nuôi để tiện chăm sóc, quản lý là 3.000 - 5.000 m2. Ao phải có hệ thống bờ bao quanh chắc chắn, các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre, săm hoặc lưới cước thích hợp, nền cống phải đầm chặt không bị rò rỉ để rạm bò ra ngoài.
Độ sâu mực nước luôn duy trì ở mức 0,5 - 1,5 m để phù hợp với đặc tính sinh học của rạm (rạm thích sống trong hang hốc sâu dưới nước, khi lột xác chúng lại cần chỗ nước nông).
Thả rạm giống tốt nhất vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát
Đặt lưới chắn xung quanh ruộng hoặc sử dụng lưới nilon mỏng có chiều cao khoảng 40 - 50 cm hoặc sử dụng các tấm chắn bằng nhựa nhằm ránh việc rạm bò đi mất.
Xử lý trước khi nuôi: Trước khi cấp nước vào ruộng nuôi 1 - 2 tuần cần tiến hành tát cạn nước; bón vôi bột với lượng 7 - 10 kg/100 m2 ở khắp khu vực nuôi rạm và quanh bờ để tiêu diệt hết địch hại của rạm và các mầm bệnh trong ruộng nuôi; phơi đáy ao 3 - 5 ngày rồi tiến hành cấp nước vào ruộng qua lưới lọc nhằm hạn chế cá tạp, cá dữ vào khu vực nuôi; chỉ cấp nước ở mức phù hợp không được để nước tràn lên bờ ruộng.
Tiến hành gây màu nước bằng phân chuồng được ủ mục với lượng 30 - 40 kg/100 m2 hoặc bằng phân hóa học để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho rạm giống mới thả.
Rạm giống được thu nuôi vào mùa sinh sản của chúng, thường vào tháng 2 - 5 hằng năm; Chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật, đồng đều, nhanh nhẹn, các bộ phận phụ bộ đầy đủ, màu sắc tươi sáng và không bị các vật bám; Với cỡ rạm khoảng 200 con/kg thì thả giống với mật độ 15 - 20 con/m2; thả rạm vào lúc sáng sớm, thời tiết mát mẻ, không bị mưa; tiến hành thả rạm từ mé bờ để chúng tự bò ra, tránh hiện tượng rạm bị sốc môi trường.
Quản lý: Định kỳ 1 tuần/lần tiến hành thay khoảng 20 - 30% lượng nước cho ruộng nuôi nhằm kích thích lột xác và tăng tính bắt mồi của rạm; Định kỳ 2 lần/tháng bón vôi với lượng 2 - 3 kg/100 m2 khắp ruộng nuôi nhằm ổn định pH trong ao và ổn định nguồn nước; Tiến hành kiểm tra mương để phát hiện địch hại gây bệnh, dọn dẹp thức ăn thừa, xác rạm chết; Định kỳ bón thêm phân chuồn ủ mục để tạo thêm thức ăn cho rạm; Thường xuyên kiểm tra đăng cống chắn, bờ rào, lưới để tránh rạm thất thoát.
Chăm sóc: Rạm dễ nuôi, ăn tạp, thiên về thức ăn động vật như cá tạp, ốc, hến… Có thể tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn tại địa phương như cá tạp xay nhuyễn trộn với cám, ủ 3 - 5 ngày hoặc nấu chín cho rạm ăn. Căn cứ vào mùa vụ, nhiệt độ nước và các giai đoạn phát triển, tình hình bắt mồi của rạm để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý; khi rạm còn nhỏ từ tháng 1 đến tháng 3, cho ăn với lượng 20 - 30% trọng lượng cơ thể; từ tháng thứ 4 trở đi, cho ăn với lượng 7 - 10% trọng lượng cơ thể. Nên cho rạm ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, cho rạm ăn nhiều hơn vào chiều tối. Có thể kiểm tra lượng thức ăn của rạm thông qua sàng ăn đặt trong ruộng nuôi.
Để phòng bệnh cho rạm định kỳ 2 lần/tháng có thể bổ sung thêm Vitamin C, tỏi tươi được xay nghiền hoặc Tiên Đắc… trộn vào thức ăn của rạm, cho ăn liên tục 3 - 5 ngày.
Sau khoảng 4 tháng nuôi trở đi, rạm có thể đạt cỡ 40 - 50 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp hoặc tát cạn để thu toàn bộ; có 2 đợt trong tháng thích hợp để thu hoạch rạm là 2 - 3 ngày xung quanh ngày 15 hoặc mồng 1 âm lịch. Bởi, lúc này rạm có thịt chắc và có gạch, được người tiêu dùng ưa thích.
Nguồn tư liệu: http://www.thuysanvietnam.com.vn/