Số lượt truy cập: 3087212
Đang online: 31
1. Tưới nước
Đối với từng loại cây trồng, từng giai đoạn phát triển khác nhau mà nhu cầu cây trồng cần nhiều hay ít nước. Để cây sinh trưởng phát triển tốt thì độ ẩm đồng ruộng cần đảm bảo 75 - 80%. Bảo đảm chế độ nước tưới phù hợp với từng loại cây trồng cần lưu ý những điểm sau đây:
- Đối với các loại rau ăn lá thì yêu cầu về nước tăng cao ở giai đoạn phát triển thân lá.
- với cây họ bầu bí, cà chua thì nhu cầu nước của cây tăng dần và cần nhiều nhất ở giai đoạn ra hoa đậu quả.
- Đối với dưa chuột cần lưu ý trong thời kỳ trổ hoa không để cho cây bị khô hạn hay thiếu nước tưới.
Nên tưới nước vào buổi sáng, khi cây ở giai đoạn cần nhiều nước thì nên tưới 1 lần/ngày. Kiểm tra độ ẩm theo kinh nghiệm bằng cách nắm chặt đất trong tay rồi mở ra thấy đất vẫn còn nguyên hình dạng nhưng không có nước rỉ ra kẽ tay là độ ẩm đảm bảo và không cần tưới, nếu đất tơi ra là thiếu nước và nếu thấy nước rỉ ra thì độ ẩm dư thừa.
Tưới rãnh (tưới ngấm) được khuyến khích ở tất cả các giai đoạn. Nước được dẫn vào các dõng luống sao cho mức nước dõng bằng 1/3 hoặc 1/2 chiều cao luống tùy từng giai đoạn. Trong giai đoạn giá rét dẫn nước vào ngập 2/3 rãnh cho thấm dần vào mặt luống sau khoảng 6 - 8 giờ rút cạn hết nước trong rãnh. Tránh để dư thừa nước dễ dẫn đến hiện tượng cháy lá, thối bẹ, thối củ với các loại cây như hành, tỏi, kiệu. Trong trường hợp nước không đủ thì có thể dùng gáo tưới cây, cần chú ý tưới vào gốc cây để tránh làm hỏng hoa (cây súp lơ). Tưới bằng nước sạch, không dùng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để tưới cho rau.
2. Bón phân
Bón phân tùy theo từng loại cây:
- Đối với cây rau ngắn ngày như cây rau ăn lá thì bón (tưới) phân nhanh tan (phân đơn) kết hợp với phân trung vi lượng;
- Đối với cây rau dài ngày thì cần bón lót sử dụng phân NPK tổng hợp tan chậm kết hợp với tưới phân nhưng tăng cường phân kali và phân lân giúp cây sinh trưởng khỏe.
Bón phân nên chia theo giai đoạn sinh trưởng của cây: cây con, phát triển thân lá, ra hoa đậu quả. Giai đoạn đầu cần nhiều phân đạm và lân nhưng cũng cần bón phân kali, giai đoạn sau tăng lượng phân kali và giảm phân đạm.
Khuyến khích bón phân áp dụng biện pháp bón vùi vào đất trước và sau trồng không chỉ giảm công chăm sóc, phân bón được giữ trong luống đất, cây hấp thụ tốt hơn mà còn hạn chế được tỷ lệ rau bị chết do nấm và vi khuẩn xâm nhập gây hại.
Một số cây trồng có mật độ dày không thể bón thúc bằng biện pháp vùi thì việc hòa phân bón với nước thành dung dịch để tưới cho rau là cần thiết. Không được tưới thúc dung dịch phân bón vào gốc cây rau mà nên tưới vào vị trí giữa 2 hàng hoặc giữa 2 cây . Trời khô thì bón thúc với nồng độ phân loãng. Trời dâm và mưa thì bón thúc phân với nồng độ đặc hơn.
Bón thúc phân định kỳ theo đặc điểm của từng loại rau:
- Đối với cây rau ăn lá ngắn ngày như cải bẹ, cải ngọt thời gian sinh trưởng ngắn vì vậy lượng phân bón ít hơn;
- Đối với các loại cây rau dài ngày như cải bắp, súp lơ, cải bao… lượng bón nhiều hơn.
Cụ thể lượng phân bón thúc cho các loại cây như sau: rau cải cần lượng phân đạm từ 1 - 3 kg/sào Bắc Bộ và phân kali từ 0,8 - 2 kg/sào Bắc Bộ cho mỗi lần bón (1 sào Bắc Bộ ' 360 m2). Bón lần 1 sau trồng 7 - 10 ngày, lần 2 cách lần 1 từ 10 - 15 ngày. Rau cải bắp thì bón thúc thêm lần 3 vào thời kỳ cây bắt đầu cuốn.
Sử dụng các loại phân bón chuyên dùng cho cây rau vì các loại phân này khi được bón vào đất sẽ cung cấp cân đối dinh dưỡng cho cây và ít bị mất phân khi gặp thời tiết bất lợi nắng nóng hay mưa nhiều. Khuyến khích sử dụng phân đạm xanh (urê + NEB 26) bón cho rau. Đây là phân bón hiệu quả trong việc tăng năng suất cây trồng, an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Cùng với lượng phân bón vô cơ thì nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh cũng quan trọng đối với năng suất và chât lượng cây rau và cải tạo đất. Không dùng phân hữu cơ tươi bón hoặc tưới cho rau, phân cần được ủ thật hoai mục. Phân hữu cơ chỉ nên bón lót, không nên tưới.
3. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Tỉa thưa hợp lý cành, nhánh (đặc biệt với các cây cà chua, ớt, khoai tây), làm cho bộ tán thông thoáng, hạn chế bệnh sương mai và sâu bệnh hại khác. Phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh mới phát sinh, gây hại. Nếu phát hiện trên ruộng có một số cây rau màu bị bệnh virus (khảm lá) hoặc vi khuẩn héo xanh gây hại cần khẩn trương nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh và áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh lây lan.
Nếu có điều kiện nên làm vòm ni-lông che sương muối và giữ ấm cho từng luống rau khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp 11 - 13oC.
Phun phòng kịp thời các loại thuốc trừ nấm đặc hiệu để trừ các bệnh mốc sương, thán thư, đốm lá. Đối với các loại rau ăn lá như cải bắp, cải xanh… và rau ăn quả như đậu cô ve, đậu đũa, dưa chuột nên dùng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc vi sinh hoặc sinh học. Dừng bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày.
Nguồn tư liệu: khuyennongvn.gov.vn