Số lượt truy cập: 3225551
Đang online: 274
Trùn quế, hay còn gọi là giun quế, có tên khoa học là Perionyx escavatus, họ Megascolecidae. Giun quế thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy. Chúng được sử dụng rộng rãi trong việc chuyển hóa chất thảm ở Philippines, Australia và một số nước khác (Gurrero, 1983; Edwards, 1995). Năm 1986, Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đã nghiên cứu thành công việc thuần hóa giun quế có trong tự nhiên ở Việt Nam. Hiện nay giun quế được nuôi công nghiệp theo trang trại với các quy mô vừa và nhỏ tại nhiều địa phương trong cả nước.
Kích thước giun quế khi trưởng thành từ 10 – 15 cm, tỉ trọng nước chiếm khoảng 80 – 85%, chất khô khoảng 15 – 20% trọng lượng cơ thể. Hàm lượng các chất (tính trên trọng lượng chất khô) cao nhất là protein (68 –70%), kế tiếp là đường (12 –14 %), lipid (7 – 8%) và tro (11 – 12%). Do có hàm lượng protein cao nên giun quế được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung quý giá cho các loại gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Phân giun quế là loại phân hữu cơ sinh học, có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không gây ra tình trạng “sốc” phân, yêu cầu trữ dễ dàng, đặc biệt thích hợp cho các loại hoa kiểng, làm giá thể vườn ươm và là nguồn phân thích hợp cho việc sản xuất rau sạch.
Ngoài các ứng dụng đã nêu, giun quế còn được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp, y dược để sản xuất ra các loại thuốc hoặc sản xuất thực phẩm chức năng, phục vụ cho đời sống con người. Đây chính là các ứng dụng đem lại giá trị vượt trội cho giun quế. |
Do có chứa Lumbrokinase (enzyme thủy phân fibrin, tác nhân gây ra chứng nghẽn mạch máu do đóng cục), giun quế đã được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu theo hướng ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch. Sáng chế của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Dao, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được cấp bằng số 1-0007434 ngày 26/01/2009 đưa ra quy trình và công thức sản xuất bột giun quế dùng để điều trị các bệnh do huyết khối gây ra như tắc mạch chi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, nhồi máu phổi.
Quy trình sản xuất theo sáng chế như sau:
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột giun quế thu được bằng cách rửa sạch giun quế còn sống trong nước sạch và ngâm trong nước cất 2 giờ, ngâm liên tục từ hai đến ba lần. Sau đó, tiến hành nghiền loài giun quế này trong cối sứ chứa cát thủy tinh, hòa tan trong dung dịch nước muối sinh lý 0,9% NaCl, ly tâm ở tốc độ 3.000 vòng/phút trong thời gian 15 phút để loại bỏ phần cặn. Phần dịch nổi thu được được làm đông khô, sau đó bảo quản trong tủ đá. Sản phẩm khi dùng được trộn với tá dược là tinh bột theo tỷ lệ 1:1, sau đó xát cốm, và sấy khô trong tủ sấy có gió nóng ở nhiệt độ nằm trong khoảng từ 45°C đến 60°C. Sản phẩm thu được được nghiền thành bột, khử trùng và đóng gói trong túi nylon hai lớp.
- Bột gừng khô (Can khuông) có tên khoa học là Zingiber officinale Rose, có tính ấm, vị cay, thơm, chữa đau bụng lạnh, đầy hơi, chân tay lạnh, tê buốt. Khi kết hợp với bột giun quế sẽ tăng cường tác dụng thông máu, chống lạnh và tê bì tay chân. Bột gừng khô thu được bằng cách thái lát củ gừng tươi, phơi trong bóng râm mát rồi sấy khô, nghiền nhỏ thành bột mịn.
- Pluriamin là hỗn hợp gồm 18 loại axit amin tự nhiên thu được từ nhộng tằm khô theo phương pháp mô tả trong giải pháp hữu ích số HI-0014, mà tác giả đồng thời cũng là tác giả của sáng chế này.
- Tinh bột là tá dược vẫn thường được sử dụng trong ngành bào chế dược.
Trong bột giun có sẵn các axit amin bao gồm đủ 18 loại axit amin với hơn 40% là các axit amin không thay thế. Các axit amin này trong bột giun khô nằm trong khoảng 43-45% tính theo trọng lượng khô. Ngoài ra, vitamin (A, E, BI, C) và các nguyên tố đa vi lượng như canxi, natri, kali, phospho, sắt, kẽm, là các thành phần có sẵn trong bột giun và bột gừng khô nhưng với lượng rất nhỏ.
2. Phối trộn nguyên liệu, tạo công thức điều trị bệnh
Chế phẩm bột giun quế chứa các thành phần như sau:
Bột giun quế.
|
Ví dụ 1: Sản xuất 1.000 g chế phẩm bột giun quế Perionyx escavatus I (chế phẩm I) có tác dụng làm tan nhanh cục máu đông:
• Bột giun quế: 350 g (tương đương 14.000 UI - đơn vị hoạt lực enzyme).
• Bột gừng khô: 10 g.
• Pluriamin: 250 g.
• Vitamin (A;B1;C;E): vi lượng.
• Các nguyên tố đa vi lượng Ca, p, Fe, Zn, Na, K, v.v..: dạng vết.
• Tinh bột: vừa đủ.
Ví dụ 2: Sản xuất 1.000 g chế phẩm bột giun quế Perionyx escavatus II (chế phẩm II) có tác dụng nâng cao thể lực cho những bệnh nhân đã bị bệnh lâu ngày, ăn uống hấp thu kém đồng thời ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy bụng ở những người nằm lâu ngày, ít vận động:
• Bột giun quế: 300 g (tương đương 12.000 UI - đơn vị hoạt lực enzyme).
• Bột gừng khô: 20 g.
• Pluriamin: 300 g.
• Vitamin (A;B1;C;E): vi lượng.
• Các nguyên tô đa vi lượng Ca, p, Fe, Zn, Na, K, v.v..: dạng vết.
• Tinh bột: vừa đủ.
Các nguyên liệu được phối trộn theo công thức được xác định tùy theo chế phẩm. Sau đó, toàn bộ hỗn hợp được đưa vào máy khuấy đảo đều trong thời gian 15-20 phút, sau đó sử dụng rây số 355 để thu được bột mịn (các thao tác được thực hiện trong buồng vô trùng, có điều hòa ở nhiệt độ trong khoảng 18-25°C.
Chế phẩm thu được có độ ẩm không lớn hơn 10%; tổng lượng nitơ amin không nhỏ hơn 1%; lượng tro sulfat không lớn hơn 15%; lượng nitrit, nitrat nằm trong mức độ cho phép; hoạt tính phân hủy fibrin không dưới 35UI/g, ở dạng bột mịn, tơi xốp, có mùi thơm như mùi quế và vị ngọt của đạm, màu trắng ngà, có thể dập thành viên, mỗi viên 0,3 g (tương đương 4,2UI/viên).
Một hướng đi khác của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sản phẩm thuộc Công ty TNHH Nam Dược khi phối hợp giun quế cùng các vị thuốc hạ áp khác như câu đằng, hạ khô thảo, huyền sâm,… vừa hạ huyết áp vừa dự phòng được tai biến, mang lại kết quả hỗ trợ điều trị tốt cho người bệnh, mở ra triển vọng phát triển các bài thuốc cho người tăng huyết áp. Chế phẩm này đã được sản xuất và phân phối rộng rãi dưới dạng viên uống thảo dược.
Nguồn tư liệu: STINFO Số 12/2014