TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 29/3/2024
Kinh tếĐiểm báo huyện
Tổng quan về xã
Tin hoạt động-KHCN
Hoạt động UBND xã
Tin tức trong tỉnh
Sản phẩmAn ninh- trật tự
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
dịch vụ- du lịch
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

biển lọc an

tàu thuyền ra khơi

lộc an-bình minh lên

nạo vét cửa biển lộc an

văn nghệ

Lượt truy cập: 245356
  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Biển xâm thực và nguy cơ mất đất ở Bà Rịa Vũng Tàu
04/04/2014

Viện Kỹ thuật biển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có báo cáo đánh giá thực trạng sạt lở bờ biển và các giải pháp phòng, bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó có sáu đoạn thường xuyên bị xói lở do tác động của tự nhiên cũng như các hoạt động của con người, gây nên những hậu quả khó lường.
Xâm thực nghiêm trọng
Sáu đoạn bờ biển đó gồm: khu vực Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu), khu vực Phước Hải, Lộc An (huyện Ðất Ðỏ), khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng xói lở tại các khu vực này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt từ 2 mét/năm trước đây lên đến 30 mét/năm; trong đó, có điểm sạt lở tới hàng trăm mét. Ðiển hình như tại khu vực Trại Nhái trong vòng mười năm, biển đã lấn vào đất liền 720 m, riêng trong ba năm gần đây, biển đã lấn hơn 80m. Một người dân ở phường 12, TP Vũng Tàu cho biết: Trước đây, người dân khu Trại Nhái và xã Phước Tỉnh (huyện Long Ðiền) vốn rất gần gũi, vì chỉ cách nhau vài ki-lô-mét, đi thuyền chỉ chừng chục phút là tới. Nay thì khoảng cách đã quá xa vì biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Không ít hộ gia đình trong khu vực bị sập nhà, phải dời đi, dời lại tới vài lần. Phó chủ tịch UBND phường 12 Huỳnh Tấn Dũng khẳng định: "Theo bản đồ địa chính, từ năm 1993 đến năm 2002 thì biển lấn vào đất liền khoảng 320 m, từ năm 2002 đến nay lấn khoảng 250 m. Như vậy khoảng 20 năm qua, biển đã lấn khoảng 700 m, nếu không có giải pháp kịp thời thì khu vực này sẽ bị mất đi hoàn toàn".
Theo các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật biển, nguyên nhân khiến tình trạng biển xâm thực đang trở nên ngày càng nghiêm trọng ở Bà Rịa-Vũng Tàu chính là do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Qua khảo sát nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở hay một số bãi biển còn phát hiện loại hình dòng rip, một loại dòng chảy rút rất mạnh từ bờ ra biển. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan do chính con người gây ra, mà hoạt động khai thác cát tràn lan, là lý do cơ bản gây nên tình trạng này. Ðơn cử như đoạn từ mũi Nghinh Phong đến phường 12, TP Vũng Tàu, trước đây có những đồi cát cao, dài là những bức tường chắn sóng hiệu quả nhưng theo thời gian đã bị khai thác hết nên nơi đây bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ðoạn Cửa Lấp - Phước Tỉnh (huyện Long Ðiền), do việc khai thác cát ở phường 12, TP Vũng Tàu đã làm mất cân bằng bùn, cát ở khu vực này và tạo ra những hố sâu nên khi thủy triều xuống làm dòng chảy mang cát từ trong bờ ra để bù lấp vào các hố này khiến bờ biển bị xói lở nhanh...
Lãng phí tài nguyên biển
Theo khảo sát của Viện Kỹ thuật biển, hàng chục km bờ biển từ Vũng Tàu tới Xuyên Mộc có hơn 90% là bờ cát, còn lại là các bờ đá, rừng nguyên sinh rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng. Thực tế, đã có hàng chục dự án du lịch trong và ngoài nước đi vào hoạt động hoặc đang ở giai đoạn đầu tư. Tiềm năng du lịch tại đây là rất lớn. Kể từ khi tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát triển tuyến đường ven biển nối TP Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc đã đánh thức toàn bộ một vùng đất rộng, vốn trước đây chỉ chuyên nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, thành một vùng "đất vàng" đúng nghĩa. Việc khai thác và phát huy nguồn tài nguyên biển phong phú này vừa là nhu cầu bức thiết, vừa là động lực làm thay đổi bộ mặt kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng xói lở bờ biển, biển xâm thực ngày càng mạnh, cũng như việc chậm triển khai các giải pháp phòng và bảo vệ đã khiến nhiều dự án du lịch bị ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ cho cả phía chủ đầu tư và chính quyền sở tại. Theo bà Châu Thị Liên, quản lý Khu du lịch Gió Biển (huyện Xuyên Mộc), hiện tượng biển xâm thực đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở nên gay gắt. Khu du lịch Gió Biển trước có xây dựng một hồ bơi giờ đã bị biển "nuốt" mất. Chủ đầu tư tiếp tục xây một hồ bơi mới lùi sâu vào 5m nhưng mấy tháng tiếp tục bị uy hiếp bởi tình trạng xâm thực. Ðại diện Khu du lịch Hồng Hà, một trong những khu du lịch bị biển xâm thực nặng nhất, cho biết, thời gian qua, khu du lịch đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ ngăn chặn tình trạng biển xâm thực diễn ra rất nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể gì. Hàng loạt khu du lịch như Hương Phong (Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồng Phúc (Việt - Nga Vietsovpetro), Hồ Tràm - Sanctuary, Cát Tiên... cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mặc dù tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai một số công trình bảo vệ bờ biển dạng kết cấu cứng, như: kè Phước Tỉnh, kè Hương Phong, công trình Stabiplage Lộc An, kè mỏ hàn Bình Châu... nhưng còn các khu vực kể trên chưa thực hiện được và nguy cơ xói lở ngày càng cao.
Ðể khắc phục tình trạng trên, Viện Kỹ thuật biển đề nghị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển theo ba giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2016 tập trung xây dựng công trình bảo vệ tại ba khu vực trọng điểm, gồm: Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu), Lộc An (huyện Ðất Ðỏ) và Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc). Cũng theo Viện Kỹ thuật biển, trong khi chưa có biện pháp khả thi, chính quyền tỉnh cần quản lý chặt chẽ hoạt động nạo vét, hút cát ở các cửa sông, cửa biển, bảo vệ nghiêm ngặt rừng và đồi cát phòng hộ dọc bờ biển, tránh hiện tượng ngăn được chỗ này nhưng biển lại gây xâm thực ở chỗ khác.

 

 

Báo BRVT
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 886 079 - Fax: (84.064) 3 886 079
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu