Thỏ là loài dễ nuôi, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm (các loại rau xanh, lương thực thông dụng). Chi phí cho chuồng trại, thuốc phòng bệnh, chăm sóc không cao. Thỏ mắn đẻ, phát triển nhanh, sản phẩm có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu. Thịt thỏ cho lượng prôtêin cao và năng lượng thấp hơn so với một vài loại thịt động vật khác. Phân loại Thỏ thuộc bộ gặm nhấm, có nhiều giống khác nhau như: thỏ trắng khổng lồ Bauxcat và Flandra (Pháp), trọng lượng 6,5 - 6,8kg; thỏ trắng Belie (Pháp); thỏ trắng Nga; thỏ Tây Ban Nha trắng; thỏ California (Mỹ); thỏ Chinchila (Anh). Hiện nay, nước ta không còn giống thỏ thuần, chỉ có 3 giống chính: thỏ trắng Tây Ban Nha - Việt Nam, thỏ xám, thỏ đen. Chọn giống Thỏ giống phải hăng hái, nhanh nhẹn, nuôi từ 6 tuần đến 5 tháng. Lông bóng dày mịn và sáng. To con, ngực sâu và nở. Lưng rộng, mông, đùi nở nang, không đồng huyết. Vành tai bóng sạch. Bàn chân và kẽ chân không ghẻ. Mí mắt không sưng, tròng mắt trong. Bụng mềm có lông xốp. Đuôi không dính phân ướt. Da lưng mềm và không tróc lông. Cục phân to tròn và khô. Thỏ chắc thịt, hiếu động. Được tiêm phòng đầy đủ. Tỷ lệ thụ thai trên 70%, đẻ được 5-6 lứa /năm, mỗi lứa 6-7 con. Số con sơ sinh sống sau 15 giờ phải đạt 6 con trở lên. Tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (30 - 35 ngày) trên 80% (mỗi lứa cai sữa trên 5-6 con), thích nghi tốt, khoẻ mạnh, không bệnh tật, tăng trọng nhanh (bình quân 30g/con/ngày)... Không nên chọn mua thỏ đang có thai hoặc đã sinh sản. Thỏ đang mang thai, di chuyển có thể chết hoặc đẻ non. Thỏ đi khập khiễng, lưng uốn cong, cào chân, liếm lông, nghiến răng, hơi thở nhanh... là dấu hiệu thỏ bị bệnh. 3 giống thỏ ngoại mới Thỏ New Zealand trắng: Đây là giống thỏ tầm trung, mắn đẻ (mỗi năm đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-8 con), sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, nhiều thịt, phù hợp với phương thức chăn nuôi công nghiệp và gia đình. Thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Thỏ Panon: Giống thỏ này xuất phát từ dòng của giống New Zealand trắng nhưng tăng trọng cao hơn, khi trưởng thành đạt 5,5 - 6,2kg/con. Giống thỏ này đã được nuôi thành công ở nhiều vùng nước ta. Thỏ California: Có nguồn gốc từ Mỹ, được lai tạo giữa 3 giống: thỏ Chinchila, thỏ Nga, thỏ New Zealand. Là giống thỏ tầm trung, trọng lượng trung bình 4,5 - 5kg, thân ngắn hơn thỏ New Zealand, lông trắng nhưng tai, mũi, bốn chân và đuôi có điểm lông màu đen. Giống thỏ này được nuôi nhiều ở Việt Nam. Chuồng nuôi
Chuồng nuôi phải bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Tránh mưa tạt, gió lùa. Thiết kế chuồng nuôi phải đặt ở những nơi thuận tiện cho việc quét dọn vệ sinh, dễ dàng chăm sóc, cách xa chuồng heo, chuồng gà. Không nên đặt chuồng thỏ ở nơi đã nuôi heo, gà .. vì dễ ngột ngạt và hôi thối. Có rào chắn tránh chuột và mèo gây hại.
Chuồng bằng lưới sắt có giàn đỡ bằng sắt hoặc bằng cây phủ lớp sơn, cao cách mặt đất trên 0,6m. Thỏ tơ từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi có thể nuôi 10 con trong chuồng kích cỡ 2x0,7x0,5m; loại chuồng có kích cỡ 0,7x0,5x0,5m chỉ dành nuôi 1 con thỏ trưởng thành trên 4 tháng tuổi.
Quy cách chuồng phù hợp nhất là khối hộp chữ nhật, dài 90cm, rộng 60cm, cao 50cm, có thể chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có khay lưới đựng thức ăn thô xanh, máng đựng thức ăn tinh, máng đựng nước cho thỏ, kích thước vừa phải, bảo đảm vệ sinh và không hư hao. Mỗi ngăn nuôi 5- 6 con thỏ thịt, 2 con hậu bị hoặc 1 con sinh sản. Chuồng có thể làm 1 tầng hoặc 2 tầng, 1 tầng thì nắp mở mặt trên, 2 tầng thì cửa mở phía trước, dưới đáy tầng trên phải có khay hứng phân.
Xây dựng thiết bị cho thỏ uống nước: Dụng cụ này rất đơn giản và dễ làm, có thể tự thiết kế như sau:
Dụng cụ cho thỏ uống nước có thể làm bằng sành, sứ hoặc đổ xi măng hình chậu cao 8- 10cm, miệng rộng 10- 15cm để thỏ không dẫm chân vào và không lật đổ được. Để giữ vệ sinh được nước uống, có thể làm van nước bằng ống kim loại hoặc thủy tinh dày cắm vào nút chai, nút can dốc ngược, có giá giữ vào thành lồng để thỏ hút liếm được nước. Hoặc làm khay nước có chai chứa nước dốc ngược.
Ổ đẻ: Kích thước vừa phải, dài 50cm, rộng 35cm, cao 20cm, mặt trên có nắp đậy, một nửa cố định, một nửa làm cửa cho thỏ ra vào. 1- 2 ngày trước khi đẻ, thỏ mẹ vào ổ nhổ lông bụng trộn với đồ lót để chuẩn bị đẻ. Cho nên, phải đặt ổ đẻ vào chuồng khi thỏ mang thai được 27-28 ngày và lấy ra khi thỏ con trên 20 ngày
Thức ăn Thỏ ăn được rất nhiều loại lá cây và quả củ. Tuy nhiên, các loại củ quả nên cắt thành miếng nhỏ, khoai tây nên luộc chín (để phòng chất độc khi củ khoai tây mọc mầm). Thức ăn nước uống phải thật sạch, không dính đất cát bẩn, không nhiễm dịch bệnh, chất độc (thuốc trừ sâu...). Vì thỏ rất mẫn cảm với các bệnh ở đường tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi, bệnh cầu trùng, bệnh sán lá gan, bệnh tiêu chảy do E.coli...
Cần cho thỏ ăn các loại lá cây, thân cành ở xa mặt đất (cành lá keo dậu, lá dâu, lá râm bụt...), các loại cỏ, rau trồng trên cạn, đất màu (cỏ voi, ngọn lá mía, rau lá đậu, sắn dây...). Không nên cho thỏ ăn rau cỏ mọc tự nhiên nơi ẩm ướt, hồ ao. Nếu dùng bèo sen thì phải nấu chín cho ăn đặc như cho lợn ăn.
Thỏ con nuôi vài tuần đến 4 tháng tuổi, chỉ cần cho ăn cám viên là đủ. Ăn thêm rau cỏ, thỏ dễ bị bệnh tiêu chảy và chết. Thỏ trưởng thành, sức đề kháng tốt hơn, có thể cho ăn rau cỏ rửa thật sạch để ráo nước. Lượng rau cỏ mỗi ngày chừng 20g/con.
Thức ăn viên phải đảm bảo thành phần dinh dưỡng cho thỏ tăng trưởng theo thời gian nuôi. Thỏ con nuôi đến trưởng thành có nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày từ 8-10% protein, 2-4% lipid, 10-20% glucid, trên 4 tháng tuổi thêm một ít chất xơ.
Thỏ có thai và cho con bú cần lượng dinh dưỡng mỗi ngày từ 10-15% protein, 5-7% lipid, 10-20% glucid, một ít chất xơ cần thiết.
Thỏ lứa ăn chừng 30-50g cám viên, mỗi ngày chia hai lần. Thỏ đực giống, thỏ cái nuôi con và mang thai, ăn chừng 80-100g cám viên. Chia hai lần sáng và chiều.
Thức ăn cám viên nuôi thỏ được chế biến từ nguồn ngũ cốc có sẵn. Nhu cầu lượng thức ăn chừng 4% trọng lượng cơ thể thỏ.
Mỗi con thỏ cần từ 0,2-1 lít nước trong ngày. Cho thỏ uống nước sạch, không có hàm lượng sắt. Nước uống phải được lắng lọc khử trùng. Nước lạnh dưới 80C không cho thỏ uống. Nhiệt độ thích hợp cho thỏ uống là 150C.
Nhiều người cho rằng thỏ không cần uống nước là sai lầm vì nước rất cần cho trao đổi chất. Thỏ chết không phải do uống nước và hay ăn cỏ ướt mà vì uống phải nước bẩn, ăn rau bị nhiễm độc...
Chăm sóc
Thỏ rất nhạy cảm với những tác động của môi trường. Phản ứng xấu với những thay đổi đột ngột về ăn uống, chăm sóc, khí hậu...Khi nuôi, cần lưu ý đến các nguyên tắc chăm sóc như sau:
Thỏ rất dễ bị bệnh rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột. Do đó nên tạo ra một phản xạ có điều kiện ở thỏ về thời gian ăn và thứ tự thức ăn. Đặc tính loài thỏ, rất thích ăn đêm, ban ngày ngủ nhiều.. Ban đêm, thỏ ăn gấp 2- 2,5 lần ban ngày. Nếu cho ăn sai nguyên tắc này, thỏ sẽ chậm lớn.
Một số thông tin liên quan, qua kinh nghiệm thực tế cho thấy:
Buổi sáng (từ 7 giờ đến 12 giờ): Việc đầu tiên là cho thỏ uống nước, tiếp theo là ăn thức ăn hạt (ngô, thóc...) hoặc hỗn hợp thức ăn tinh (cám, ngô, bột khoáng...). Đến 9-10 giờ cho ăn thức ăn thô xanh tươi (1/3 số lượng khẩu phần).
Buổi chiều (từ 14 giờ đến 17 giờ): Đầu giờ cho ăn củ, quả đã thái lát (khoai lang, bí ngô, đu đủ, cà rốt, su hào...) hoặc các loại thức ăn mềm (cám nấu trộn lẫn, bã chè, rau thái nhỏ...). Buổi tối (ban đêm): Cho ăn các loại thức ăn xanh như cỏ, lá cây, rau xanh... (2/3 khối lượng khẩu phần để thỏ ăn cả đêm).
Ban đêm tuyệt đối không cho thỏ ăn thức ăn hạt, thức ăn hỗn hợp tinh. Nếu ban ngày thỏ ăn không hết thì phải vét sạch máng. Nếu để thừa chuột sẽ lên ăn và cắn chết thỏ, nhất là thỏ con mới đẻ.
Trong thời gian nuôi vỗ béo, nên giảm bớt ánh sáng, tạo không gian yên tĩnh để thỏ nghỉ ngơi, ngủ sau khi ăn. Trước khi làm thịt 7 ngày, nên giảm thức ăn thô (cỏ khô, rơm...) thì chất lượng thịt sẽ tốt và ngon hơn.
Phối giống
Thỏ đực từ tháng thứ 8 trở đi có thể cho phối giống. Thỏ cái có thể phối giống sinh sản từ tháng thứ 6, khi đó bộ phận sinh dục thỏ cái sưng lên có màu đỏ. Cho thỏ cái vào chuồng thỏ đực để giao phối, ngày hai lần vào buổi sáng và chiều. Chỉ cho thỏ mẹ tái phối giống 1 tháng sau khi đẻ, thỏ con đủ sức rã bầy và tự ăn sau khi thôi bú sữa, thỏ mẹ còn thời gian 2 tuần bồi dưỡng sức khỏe đẻ lứa kế tiếp. Thỏ con 6 tuần tuổi cung cấp giống cho người nuôi kiểu công nghiệp thích hợp nhất.
Thỏ tăng trưởng nhanh từ lúc mới sinh đến 4 tháng tuổi. Từ tháng thứ 5 trở đi, thỏ tăng trưởng chậm. Nuôi thỏ công nghiệp lấy thịt có lợi nhất là giai đoạn 3-4 tháng tuổi (nặng 2,2-2,8kg/con).
Ở cơ sở nhân giống thương phẩm, cho con cái phối giống 2 lần với 2 con đực khác nhau, đực trẻ phối trước, đực già phối sau, cách nhau khoảng 4-6 giờ. ở cơ sở nhân giống thuần chủng, phối lặp lại với một con đực, cách nhau 4-6 giờ.
Phải bắt thỏ cái động dục đến chuồng thỏ đực, nếu làm ngược lại thì thỏ đực không chịu phối hoặc phối nhưng kết quả không cao.
Thỏ hay có hiện tượng chửa giả, chậm sinh và vô sinh: Khi thỏ động dục, nếu có những tác nhân làm hưng phấn... đều kích thích trứng rụng, hình thành quá trình điều tiết hooc-mon ở cơ quan sinh dục cái, cản trở kỳ động dục tiếp theo và thỏ cái biểu hiện như chửa thật. Muốn biết được thỏ chửa thật hay chửa giả thì phải khám thai, sau khi phối giống 12 ngày.
Trường hợp chậm sinh và vô sinh, lâu ngày không động dục hoặc phối giống nhiều lần mà không có thai, có rất nhiều nguyên nhân:
Thỏ đực, chưa thành thục về tính dục, già yếu hay bệnh tật... tính dục kém.
Thỏ cái, cơ quan sinh dục bị bệnh về tử cung, buồng trứng, rối loạn nội tiết (hooc-mon)...
Thức ăn kém dinh dưỡng nhất là đạm, khoáng và sinh tố... hoặc do khẩu phần thức ăn quá đơn điệu, thỏ mập quá hay ốm quá.
Nuôi dưỡng kém, chật chội, nóng nực, ẩm thấp, tối tăm, mưa tạt gió lùa.
Tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của thỏ, nếu do môi trường hoặc chăm sóc nuôi dưỡng có thể khắc phục được, còn nếu do bệnh tật thì nên loại thải sớm
Kinh nghiệm nuôi thỏ ít bị dịch bệnh và mau lớn Thỏ nói chung hay thỏ con sau cai sữa nói riêng rất nhạy cảm và bị tác động đột ngột của việc thay đổi thức ăn, môi trường sống... nếu không thích nghi có thể chết, có khi chết hàng loạt. Nguyên nhân chủ yếu do rối loạn tiêu hóa, bệnh phát sinh do suy dinh dưỡng sau khi cai sữa. Vì vậy, cai sữa cho thỏ phải quan tâm đến vấn đề thức ăn, nước uống... Trước hết, thức ăn phải giàu đạm, khoáng, vitamin, không có trứng giun sán và mầm bệnh... Nên sử dụng các loại lá cây có thân cao cách xa mặt đất như lá chuối, lá sắn dây, đỗ ván, keo dậu (me dại), mơ lông, lá chè tươi (bã chè tươi sau khi pha nước uống, phơi khô cho ăn dần rất tốt)... các loại rau muống, bắp cải, su hào, hạn chế không cho ăn nhiều. Nếu thiếu các loại lá thân cao thì phải cho ăn các loại rau, nhưng phải rửa sạch và phơi tái trước khi cho ăn. Các loại rau cỏ, củ quả chứa nhiều nước hơn lá cây, cho thỏ con ăn dễ bị rối loạn tiêu hóa. Các loại rau cỏ mọc gần mặt đất thường dính nấm, mầm bệnh và trứng giun sán... cho thỏ con ăn dễ bị mắc bệnh và chết...
Việc cai sữa thỏ con không đúng thời điểm sẽ rất có hại và gây chết hàng loạt. Nếu không tập cho thỏ con ăn thức ăn rau cỏ lá cây lúc còn bú mẹ thì khi cai sữa thỏ con sẽ ăn ngay rau cỏ lá cây (khác hoàn toàn với sữa mẹ), sẽ ăn ít hoặc bỏ ăn chất dinh dưỡng giảm sút. Đây là nguyên nhân chính thỏ con cai sữa ở tuần đầu chết nhiều hoặc chết hết, nếu không chết thì đàn thỏ cũng còi cọc, phát triển kém... Nếu thỏ giống thì phải loại thải vì năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi thỏ sẽ không cao...
Muốn cai sữa sớm, cần phải tập cho thỏ con biết ăn sớm, khi thỏ con biết nhảy ra từ thùng đẻ, sức ăn của thỏ con sẽ tăng dần, thích nghi dần với thức ăn mới khi sữa được bú ít dần và hết hẳn. Lúc này thỏ mẹ nuôi ở lồng khác, thỏ con vẫn giữ lại lồng cũ và nuôi ở đây 10 – 20 ngày nữa mới xuất bán hay đem nuôi ở lồng khác. Thời gian này thỏ cai sữa cứng cáp hơn, hoàn toàn thích nghi với thức ăn mới khác hẳn với sữa. Cai sữa cho thỏ, là vấn đề then chốt, là bí quyết thành công trong chăn nuôi thỏ.
Thỏ sau khi cai sữa, giai đoạn 30 – 90 ngày tuổi không nên nhốt nhiều con vào một lồng, thỏ thịt có thể nhốt 4 - 5 con/ngăn (0,3 - 0,4m2). Thọ hậu bị giống: 2 con/ngăn (0,25 - 0,35m2), không được nhốt chung thỏ cái với thỏ đực, vì ở tuổi này thỏ đã phát dục, lồng thỏ đực phải xa lồng thỏ cái, không để gần dù là ngăn riêng, nếu không sẽ có hại cho sinh trưởng, phát triển của thỏ do thường xuyên bị kích thích.
Chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát... nếu không, ô nhiễm môi trường (khí CO2, NH3, bụi bẩn...) sẽ không có lợi cho hô hấp, tuần hoàn... thỏ sẽ hoạt động kém.
Có người cho rằng, nước tiểu của thỏ gây bệnh cùi cho người, nhưng thực tế chưa có cơ sở khoa học để chứng minh điều đó.
Tại sao thỏ thích ăn phân của mình?
Thỏ ăn cỏ, sống chủ yếu ở thảo nguyên. Chúng thích ăn cỏ xanh non và hoa màu, nhưng đôi khi cũng ăn luôn cả phân của mình thải ra trong đêm. Thỏ tuy là động vật ăn cỏ, nhưng không giống với bò và dê, dạ dày của chúng rất nhỏ và không có hiện tượng nhai lại. Ban ngày sau khi chúng ăn một lượng lớn cỏ tươi non, thường xuất hiện dinh dưỡng quá thừa, đến tối liền hình thành phân mềm thải ra ngoài cơ thể. Còn buổi tối do thiếu cỏ, ăn ít, lượng dinh dưỡng giảm tương đối, phân thải ra vào buổi sáng hôm sau thường cứng.
Vì các chất dinh dưỡng trong phân mềm đã ở trạng thái tiêu hóa một nửa, dễ được cơ thể hấp thu và sử dụng, do đó thỏ có xu hướng tái sử dụng lại sản phẩm này. Qua phân tích, sau khi thỏ ăn phân mềm, vitamin B và vitamin K hợp thành dễ được ruột non hấp thụ, để cung cấp nhu cầu sinh trưởng cho cơ thể. Đồng thời, nguyên tố khoáng vật trong phân mềm cũng có lợi cho việc thúc đẩy sự hấp thu của cơ thể thỏ đối với chất dinh dưỡng.
Thỏ ăn phân mềm của mình thải ra là một hiện tượng lợi dụng đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhưng thỏ nhà, khi được nuôi dưỡng nhân tạo, đủ thức ăn, thường không xuất hiện thói ăn phân của mình. (Theo Bộ sách tri thức tuổi hoa niên)
Bệnh thường gặp ở thỏ
Bệnh chướng hơi đầy bụng, đau bụng ỉa chảy, viêm ruột truyền nhiễm, cầu trùng, viêm mũi, tụ huyết trùng, tụ cầu trùng, viêm tuyến sữa, viêm núm vú, ghẻ, nấm da, bại liệt, cảm nóng, viêm kết mạc mắt.
Bệnh ghẻ ở mũi và tai thỏ: Đây là bệnh ký sinh trùng ngoài da, rất phổ biến. Bệnh có thể truyền nhiễm và ký sinh trên da thỏ, qua các đồ vật, chuồng....
Thuốc điều trị: Thuốc nước dạng ống tiêm Ivermectin, liều lượng 0,7ml/3kg thể trọng. (Theo TS Đinh Xuân Bình, Ths Nguyễn Kim Lin) Nên vệ sinh chuồng trại và cách ly thỏ bị bệnh.
Bài thuốc trong dân gian : Dùng thuốc rê ( thuốc hút) ngâm với rượu trắng, pha đậm đặc, ngâm khoảng 1 tuần, bôi lên vết thương. Bôi thường xuyên.
|