Tuần trước, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn". Việc này đang khiến nhiều thương hiệu Mỹ tại Trung Quốc khốn đốn, trong đó có chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh KFC.
KFC không tham gia vụ kiện này, mà là Philippines - một đồng minh của Mỹ. Nhưng toàn cầu hóa cũng có nghĩa bạn của kẻ thù cũng là kẻ thù. Nhiều người Trung Quốc cho rằng kết quả này đã bị Mỹ thao túng.
Tại một cửa hàng KFC ở thành phố Đường Sơn (Hà Bắc, Trung Quốc), những người phản đối mang theo cờ Trung Quốc, căng băng rôn đỏ bên ngoài với dòng chữ: "Tẩy chay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Chúng tôi yêu Trung Quốc. Ăn KFC là làm mất mặt tổ tiên chúng ta".
Một cửa hàng của KFC tại Trung Quốc. Ảnh: LA Times
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đã ghi lại cảnh một người bên ngoài cửa hàng KFC cố ngăn 3 vị khách vào trong. "Nếu có chiến tranh, mỗi quả bom Mỹ ném xuống chúng ta đều có phần tiền đóng góp của các anh đấy. Nếu dừng bây giờ, anh vẫn còn là người Trung Quốc. Còn nếu vào trong, khi Mỹ và Philippines đánh tới đây, anh chính là kẻ phản bội", người này nói. 3 vị khách sau đó đã rời đi. Nhiều đoạn video khác cũng cho thấy người tẩy chay còn mắng mỏ cả khách hàng bên trong KFC.
Hãng đồ ăn nhanh này không phải thương hiệu nước ngoài duy nhất bị tẩy chay sau phán quyết tuần trước. Nhiều người Trung Quốc đã ngừng mua giày Nike, điện thoại iPhone (dù chúng được lắp ráp tại Trung Quốc). Họ cũng không ăn hamburger của McDonald's và xoài sấy Philippines. Trào lưu đập phá iPhone rồi tung video lên mạng xã hội cũng trở nên rầm rộ.
Hàng loạt iPhone cũng bị đập nát trong phong trào tẩy chay. Ảnh: Weibo
Một người bán xoài trên Taobao - trang mua sắm online thuộc Alibaba (Trung Quốc) cũng tuyên bố: "Tôi yêu Trung Quốc. Cấm bán xoài sấy của Philippines đi. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm với vận mệnh quốc gia. Hãy để người Philippines chết đói đi".
Hiện chưa rõ bao nhiêu cửa hàng KFC đã trở thành mục tiêu của chiến dịch tẩy chay này. KFC mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc năm 1987 và hiện có hơn 5.000 chi nhánh tại đây. Trả lời LA Times, người phát ngôn của Yum Brands - công ty mẹ KFC cho biết họ "không làm gì sai" và là "một nạn nhân".
"Những người đang làm việc này chẳng hiểu thế nào là yêu nước thực sự", bà nhận xét. Bà cũng cho biết công ty đã rất nỗ lực để "địa phương hóa" hoạt động của mình tại Trung Quốc, cho phù hợp với văn hóa bản địa.
Tháng 9/2012, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại biển Hoa Đông cũng châm ngòi cho làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản tại đây. Người Trung Quốc đã đập phá xe Nhật trên đường, tấn công các nhà hàng Nhật Bản và cả chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Elevens.
- Những rào cản khó tháo gỡ của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (14/04/2020)
- Chị em một nhà (11/04/2020)
- Khám phá rạn san hô lớn nhất thế giới. (11/04/2020)
- TX.Phú Mỹ: Tập huấn cho người làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung. (30/03/2020)
- TP HCM ngừng người nhà thăm bệnh (30/03/2020)
- Tăng tốc độ Internet cho người dùng trong mùa dịch (30/03/2020)
- "Gõ cửa từng nhà". (30/03/2020)
- Hai nam kỹ sư ở TX.Phú Mỹ cách ly tại nhà vẫn ổn định sức khỏe. (12/03/2020)
- Trường hợp trốn cách ly y tế ở Hà Nam đã giám sát cách ly tại TP.Bà Rịa. (09/03/2020)
- Giám sát chặt chẽ người trở về từ vùng dịch. (08/03/2020)