SỐNG KHỎE VỚI NGHỀ
Dưới ánh nắng chói chang trên bãi tắm Thùy Vân, anh Nguyễn Văn Thảo, 48 tuổi (tổ 9, ấp Hải Bình, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) vục nhẹ một bàn tay xuống cát lấy lên một vốc cát và mỉm cười hài lòng khi thấy có vài chục con ốc móng tay trắng, nhỏ lấp lánh. Anh khẽ reo vui: “Nhìn vầy là thấy có tiền rồi”.
Nói xong, anh Thảo giở đồ nghề, cuốn chiếc đai cao su ngang hông, nối với chiếc cào bằng một sợi dây thừng. Cầm chiếc cào ốc có chiều cao khoảng 1,6m được làm bằng hai ống tre, xếp hình chữ A, anh Thảo bắt đầu công việc của mình. Do lưỡi cào được làm bằng kim loại, nhọn, sắc nên anh Thảo luôn phải đi giật lùi để tránh lưỡi cào cào vào bàn chân. Cứ rà được một đoạn, anh lại lắc nhẹ lưới để sóng rửa trôi bớt cát, lộ ra những con ốc trắng tinh. Tưởng dễ, chúng tôi xin cào thử, nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đi được vài mét là đứng lại thở dốc. Anh Thảo cười: “Công việc này đòi hỏi có sức khỏe, chịu được nắng, gió của biển. Để đưa được nhiều ốc vào lưới, lưỡi cào phải ngập sâu từ 20-30cm trong cát và khi ấy chiếc đai lưng trở nên rất nặng. Các chị chỉ kéo lơi lơi trên bề mặt sẽ được rất ít. Bữa nay biển êm, ốc vô nhiều, tôi phải tranh thủ cào, chắc sẽ trúng đậm”.
Vừa cào, anh Thảo vừa kể, nghề này phụ thuộc vào con nước. Nước lớn quá thì không cào được, mà nước ròng (rút) xa bờ quá cũng không được vì ốc móng tay thường ở sát bờ biển. Trước đây, anh Thảo hành nghề đi bạn, đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng thời gian gần đây nghề biển thất thu, nên từ 2 năm nay, anh chuyển hẳn sang nghề cào ốc. “Bỏ ra 400 ngàn đồng mua chiếc cào, ra biển 2 tuần, tôi đã thạo nghề. Ngày nào ít nhất, tôi cũng cào được 70-80kg ốc, vào mùa có ngày cào được 170kg. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, công việc này cho thu nhập khá tốt, từ 400-500 ngàn đồng/ngày. Đi ghe chuyến được, chuyến không, còn cào ốc bữa ít, bữa nhiều nhưng cứ ra biển là có tiền”, anh Thảo cười, ánh mắt reo vui.
Niềm vui của anh Nguyễn Văn Thảo sau mẻ cào được chừng 5kg ốc móng tay.
Xắn quần lội ra xa, ôm theo chiếc cào có gắn túi lưới dài chừng 15m, ông Nguyễn Hữu Phước, 66 tuổi (nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, phường 3, TP. Vũng Tàu) không giấu nổi niềm vui khi nhận ra hôm nay khu vực Bãi Sau có rất nhiều ốc ruốc. Kéo chiếc cào rà đi, rà lại trên bãi biển, ông Phước cho biết, ông từng làm đủ nghề nhưng nghề cào ốc cho thu nhập cao hơn cả. Buổi sáng, ông cào từ 4-6 giờ, chiều từ 2-6 giờ, tùy thuộc vào con nước. “Sáng nay, tôi cào được gần 60kg ốc, bán với giá 12.000 đồng/kg. Cào ốc cũng như người đi mót lúa, “năng nhặt” thì sẽ “chặt bị”, ông Thảo vui vẻ nói.
Anh Trần Văn Minh (trái) thu được khoảng 40kg ốc móng tay sau 2 giờ cào trên bãi biển Long Hải, huyện Long Điền. Ảnh: MINH THANH
LỘC BIỂN LÀ CỦA CHUNG
Theo những người làm nghề cào ốc, công việc này mang lại thu nhập khá cao, nên nếu như 5 năm trước chỉ có vài chục người thì hiện nay, từ khu vực biển Vũng Tàu cho tới Xuyên Mộc,“đội quân”mưu sinh bằng nghề cào ốc lên tới 200-300 người, tùy theo mùa vụ.
Tại bãi biển Long Hải (huyện Long Điền), ông Trần Văn Minh, 52 tuổi (nhà số 179, khu phố Hòa Hội, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), một người cào ốc móng tay chia sẻ, người trong nghề chỉ cần ngó nghiêng thời tiết, dõi theo thủy triều là sẽ đoán được khu vực nào có nhiều ốc. Những hôm thời tiết thuận lợi không hẹn mà gặp, hàng chục người cùng kéo nhau ra bãi để cùng nhau chia “lộc biển”. Có lúc chỉ 1-2km bờ biển đã có đến hàng trăm người cùng cào ốc. Thế nhưng, họ chẳng bao giờ tranh chấp, cãi cọ nhau, trái lại với họ ra biển làm nghề càng đông càng vui. “Biển của chung mà, có lộc thì phải chia đều cho mọi người”, ông Minh hồn nhiên nói. Còn ông Nguyễn Hữu Phước cũng chia sẻ: “Biển rộng thế, cứ chăm chỉ khắc có tiền, chẳng ai lo mất phần của mình!”.
Mặt trời khuất dần, nước biển rút ra xa để lại bãi cắt phẳng lỳ cũng là lúc những người cào ốc thu dọn đồ nghề và sản phẩm ra về, kết thúc một ngày làm việc vất vả. Trên gương mặt họ có chút mệt mỏi nhưng ánh lên niềm vui tươi vì đã Ốc ruốc có nhiều màu sắc, vỏ chỉ bằng chiếc cúc áo và ruột chỉ nhỏ bằng đầu móng tay. Thịt ốc có vị bùi, béo nên đây là món ăn chơi quen thuộc của người dân xứ biển. Sau khi cào về, người bán phân loại ốc lớn chế biến thành món ăn, bán tại các quầy bán lẻ ở các chợ. Ốc nhỏ được bán cho các trang trại làm thức ăn cho vịt.
Ốc móng tay là loại ốc nhỏ, cỡ bằng móng tay út, gần giống con chem chép nhưng ruột nhỏ hơn. Ốc được người cào bán cho các vựa trên địa bàn tỉnh đưa đi tiêu thụ tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ làm thức ăn nuôi tôm.có một ngày làm việc hiệu quả.
- Từ 2020, thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM (20/09/2017)
- Ngày 20/9, giá xăng tăng mạnh lần thứ 5 liên tiếp (19/09/2017)
- Xóm lồng đèn hơn 50 tuổi ở Sài Gòn tất bật vào mùa Trung thu (19/09/2017)
- Đầu tư tiền tỷ theo đuổi nghề trồng nấm. (18/09/2017)
- Vườn rau "đa năng" trong trường mầm non (18/09/2017)
- Tù nhân tỷ phú Hàn Quốc (14/09/2017)
- Anh báo động về nạn nô lệ người Việt tại các tiệm làm móng (14/09/2017)
- Chó ra đường không đeo rọ mõm, chủ bị phạt 800.000 đồng (14/09/2017)
- Nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao. (13/09/2017)
- Bảo vệ trụ nước tắm công cộng ở bãi biển. (13/09/2017)