Cần giải pháp toàn diện chống xói lở bờ biển.
31/05/2017

BR-VT là một trong 28 tỉnh, thành ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó hiện tượng xói lở bờ biển được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu như không có các giải pháp phòng chống đồng bộ, toàn diện trước mắt và lâu dài.

BIỂN LẤN SÂU VÀO ĐẤT LIỀN

Theo lời kể của người dân sống ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), trước đây, khu vực từ nhà hàng Phương Trang (hiện nay) về phía Nam cửa biển Lộc An là một rừng dương rộng 5ha, xen lẫn là những đồi cát trắng. Nhưng hơn 10 năm qua, tình trạng biển xâm thực diễn biến phức tạp đã khiến những đồi cát, rừng dương này bị biển “nuốt chửng”. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, hơn 10 năm trước, khu vực này có một số đồi cát cao trên 10m, rộng hơn 50m. Nhưng hiện nay, nhiều đồi cát đã bị nước biển cuốn trôi.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, không riêng khu vực Lộc An, trên địa bàn tỉnh còn 5 đoạn bờ biển nữa cũng thường xuyên bị xói lở gồm: khu vực Trại Nhái (phường 12, TP.Vũng Tàu); xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ); khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Đến khu vực Trại Nhái vào một ngày cuối tháng 5-2017, chúng tôi ghi nhận, tất cả đồi cát, rừng dương - vốn là những “công trình” chắn sóng, chắn gió trước đây- nay đã biến mất, chỉ còn khu đất trống trơ trụi, nham nhở.

Bà Trần Thị Ca (tổ 11, khu phố 1, phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Trước đây, khu vực này có cả một rừng dương và những đồi cát dài, tạo thành một điểm du lịch, dã ngoại lý tưởng. Nhưng bây giờ rừng dương không còn nữa do bị biển xâm thực. Nhiều nhà dân cũng bị sóng cuốn trôi. Toàn bộ khu Trại Nhái giờ chỉ còn khoảng 20 hộ sinh sống nhưng không ai dám ở gần biển nữa”.

Theo số liệu đo đạc địa chính của UBND phường 12 (TP.Vũng Tàu), tại khu vực Trại Nhái, trước đây, mỗi năm biển lấn vào đất liền 10-20m. Vài năm gần đây, biển vẫn tiếp tục lấn sâu vào đất liền nhưng lên đến 50-60m/năm.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, xói lở bờ biển làm ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế của tỉnh như: du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ; đồng thời ảnh hưởng đến kết cấu, tuổi thọ các công trình xây dựng, cảng, đường giao thông và cư dân sinh sống ven bờ. Nguyên nhân chính gây nên xói lở bờ biển, ngoài các yếu tố tự nhiên như hiện tượng nước biển dâng, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, còn do các hoạt động của con người như: xây dựng các hồ đập, khai thác cát vùng ven biển...

CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào 24-5 vừa qua, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đề xuất các giải pháp đồng bộ, toàn diện chống xói lở bờ biển BR-VT, gồm: thực hiện nuôi bãi, ổn định bờ biển cho đoạn từ cửa Bến Lội đến Bình Châu; xây dựng các công trình kè kết hợp bù cát tái tạo bãi bảo vệ khu dân cư thị trấn Long Hải; xây dựng các công trình ngăn cát, giảm sóng, ổn định tuyến luồng tại cửa Lộc An và Cửa Lấp; bù cát tái tạo bãi tại thị trấn Phước Hải; xây dựng các công trình kè cảnh quan kết hợp bồi đắp tạo bãi phía trước và các công trình khác ở khu vực còn lại...

Để chống xói lở bờ biển, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình như: đê Phước Tỉnh (huyện Long Điền) dài 1.625m; kè bảo vệ bằng công nghệ mềm Stabiplage và những dãy kè bằng đá ở phía Nam Lộc An (huyện Đất Đỏ) dài 600m; gia cố chống sạt lở bờ biển tại vòng cung mũi Ba Kiềm bằng đá hộc và khu neo đậu tránh trú bão tại cửa Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc)...

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh dừng cấp phép các hoạt động khai thác cát ở khu vực nhạy cảm. Bên cạnh đó, tăng cường trồng rừng ngập mặn ở các vùng ven cửa sông, cửa biển để chống lại sự xói lở bờ biển và chống xâm nhập mặn.


Số lượt đọc: 3806 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác