Một số khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP.Vũng Tàu bắt đầu gia tăng công suất phòng vào ngày thường nhờ lượng khách lưu trú qua đêm để đến sáng hôm sau đi Côn Đảo. Đây là tín hiệu tích cực cho du lịch Vũng Tàu kể từ khi tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo đưa vào hoạt động. Để khai thác tốt cơ hội này, nhiều DN dịch vụ đang tích cực quảng bá dịch vụ, kết nối với các đơn vị lữ hành và xây dựng mức giá bán dịch vụ phù hợp nhằm thu hút khách đến sử dụng dịch vụ vào ngày thường.
Du khách xuống tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 đi Côn Đảo.
CÔNG SUẤT PHÒNG TĂNG NHẸ
Tối thứ Tư (27-3), khách sạn Kiều Anh (257 Lê Hồng Phong, phường 8, TP.Vũng Tàu) có gần 50 khách lưu trú, công suất phòng đạt 30%/tổng số 100 phòng. Trong đó có 20 khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng lưu trú qua đêm để sáng mai lên đường đi Côn Đảo. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Tổng quản lý khách sạn Kiều Anh, thông thường 3 tháng đầu năm, khách sạn Kiều Anh chỉ đông khách vào thứ Bảy và tuần nghỉ Tết Nguyên đán còn những ngày trong tuần rất vắng khách. Tuy nhiên, năm nay, lượng khách lưu trú từ Chủ Nhật đến thứ Sáu có tín hiệu tăng dần. Thời điểm gia tăng bắt đầu từ giữa tháng 2 khi tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo khai trương hoạt động. “Dù số lượng chưa nhiều và đều. Có ngày vài khách nhưng cũng có ngày 30-40 khách. Thời gian lưu trú thường là 1 đêm trước khi đi Côn Đảo. Nhiều nhóm khách có đặt ăn tối tại khách sạn. Nhờ vậy, công suất phòng của khách sạn đạt hơn 30% trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 10% cả về công suất và doanh thu so với cùng kỳ”, bà Nguyễn Thị Thúy cho hay.
Tọa lạc tại Bãi trước, từ cuối tháng 2 đến nay, khách sạn My House (126A Hạ Long, phường 2, TP.Vũng Tàu) cũng bắt đầu có khách đi Côn Đảo lưu trú qua đêm. Đại diện khách sạn này cho biết, đều đặn mỗi ngày khách sạn bán được 4-5 phòng/tổng số 20 phòng cho khách lẻ đến từ Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang ở 1 đêm trước khi lên tàu đi Côn Đảo. “Đây là tín hiệu vui cho khách sạn vì nhiều năm qua, khách sạn chỉ kín phòng vào thứ Bảy với phân khúc khách du lịch đến từ TP.Hồ Chí Minh. Còn ngày thường thi thoảng mới có khách vãng lai. Hy vọng, thời gian tới công suất phòng của khách sạn sẽ tăng dần những ngày trong tuần”, đại diện khách sạn My House nói.
Khảo sát tại nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn TP.Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận từ tháng 2 đến nay, một số cơ sở lưu trú bắt đầu gia tăng công suất phòng ngày thường, trong đó, chủ yếu tập trung ở phân khúc từ đạt chuẩn đến 1-2 sao. Nguyên nhân công suất phòng tăng là do tiếng vang từ môi trường du lịch sạch đẹp, giá cả bình ổn du khách yên tâm khi đến du lịch, nghỉ dưỡng và một phần từ nhóm khách đợi tàu đi Côn Đảo. Thống kê của UBND TP.Vũng Tàu cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm, toàn thành phố đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách lưu trú đạt 1,1 triệu lượt, tăng 13,73% so với cùng kỳ.
Nhóm khách đến từ Hà Nội ăn sáng tại khách sạn Kiều Anh trước khi ra tàu đi Côn Đảo.
VẪN LÀ BÀI TOÁN THIẾU DỊCH VỤ VỀ ĐÊM
Đại diện nhiều DN nhận định, với sức chở gần 600 khách/chuyến, xuất bến mỗi ngày, hải trình ngắn, tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo đang tạo ra sức hút mạnh mẽ kéo khách cả nước đổ về Vũng Tàu. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 5, tàu cao tốc Côn Đảo sẽ tăng thêm 1 tàu với công suất tương đương. Khai thác tốt dòng khách này sẽ lấp dần khoảng trống khách ngày trong tuần, tăng lượng khách và doanh thu, kéo dần khoảng cách thấp điểm - cao điểm, ngày thường - cuối tuần cho du lịch Vũng Tàu.
Tuy nhiên, muốn thu hút được phân khúc khách này lưu lại qua đêm tại TP.Vũng Tàu, du lịch địa phương cần có chiến lược và sản phẩm, dịch vụ về đêm phù hợp. Khảo sát từ các đơn vị lữ hành đang khai thác tour Côn Đảo bằng tàu cao tốc Côn Đảo Express 36, cho thấy, đa phần khách có lưu trú qua đêm tại TP.Vũng Tàu trước khi đi Côn Đảo hoặc sau khi từ Côn Đảo trở về thường đến từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Họ đi máy bay đến TP.Hồ Chí Minh và được đơn vị lữ hành đón về Vũng Tàu. Tùy thuộc quỹ thời gian, đối tượng và yêu cầu từ du khách, đơn vị lữ hành sẽ thiết kế lịch trình tham quan phù hợp. Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel, cho biết, nếu khách về BR-VT từ buổi trưa, OSC Việt Nam Travel sẽ đưa khách tham quan Nhà Lớn Long Sơn, ăn trưa trên các làng bè rồi về Vũng Tàu nhận khách sạn. Buổi chiều tiếp tục đi city tour tham quan Bạch Dinh, Đình thần Thắng Tam, Tượng Chúa Giang tay, ngắm hoàng hôn tại Bãi Trước, ăn tối. “Cái khó nhất vẫn là dịch vụ giải trí về đêm tại Vũng Tàu chưa nhiều, muốn cho khách khỏi nhàm chán không dễ”, bà Nguyễn Thị Thương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, về đêm quanh đi quẩn lại Vũng Tàu chỉ có đua chó cuối tuần, thưởng thức hải sản ở Chợ đêm Bãi Sau, mua sắm tại Lam Sơn Square hoặc Imperial, đi bar hoặc cà phê nhạc sống và gần đây có thêm nhạc nước tại Hồ Mây Park… Nếu so sánh với TP.Hồ Chí Minh, những điểm giải trí trên chưa đủ hấp dẫn khách lưu lại Vũng Tàu. “Sau hơn 1 tháng khai thác tour Côn Đảo đi tàu cao tốc từ Vũng Tàu, tôi nhận thấy khách có lưu trú qua đêm tại Vũng Tàu trước và sau tour Côn Đảo đa phần từ trung niên trở lên. Nhóm khách trẻ thường chọn TP.Hồ Chí Minh lưu trú vì có nhiều điểm vui chơi, giải trí hơn. Dù cơ hội thu hút khách về BR-VT qua đêm từ hiệu ứng tàu cao tốc Côn Đảo rất lớn nhưng không dễ”, bà Nguyễn Thị Thương cho hay.
Ở khối lưu trú, hầu hết DN kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ đều nhìn rõ thời cơ từ tàu cao tốc Côn Đảo nhưng bản thân DN trong khả năng có thể chỉ biết đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức thêm không gian văn hóa, ẩm thực nhằm đa dạng thêm loại hình hưởng thụ cho khách, quảng bá, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, có chính sách giá phù hợp... Nhưng muốn thu hút khách lưu lại qua đêm, bản thân mỗi DN riêng lẻ không thể làm được. Vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong quảng bá, kêu gọi đầu tư các loại hình giải trí mới lạ… là rất cấp thiết. Nhiều DN cho hay, linh hồn của du lịch Vũng Tàu là Bãi Sau và Bãi Trước. Hai khu vực này hiện đã sạch sẽ, khang trang, trật tự và an ninh tốt. Nhà nước cần tập trung làm bật Bãi Sau, Bãi Trước với hệ thống đèn điện, dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý, chắc chắn du khách sẽ lưu lại Vũng Tàu qua đêm nhiều hơn.
Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, nhìn nhận rõ điểm yếu của du lịch Vũng Tàu là thiếu những không gian vui chơi, giải trí, nghệ thuật biểu diễn có chiều sâu, TP.Vũng Tàu đang đề nghị Sở VH-TT bàn giao 2 di tích Trận địa pháo cổ Núi Lớn và Thích Ca Phật Đài để duy tu và có phương án khai thác, quảng bá phục vụ khách tham quan. Song song đó, TP.Vũng Tàu cũng đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến để thành phố điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bãi Sau. Sau khi quy hoạch được điều chỉnh, Bãi Sau sẽ các các phân khu ăn uống, công cộng, tắm biển, dịch vụ giải trí, quảng trường… với các hoạt động sôi động cả ngày lẫn đêm. “Trong khi chờ đợi điều chỉnh quy hoạch Bãi Sau được thông qua, trong năm nay, TP.Vũng Tàu sẽ lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên toàn tuyến Bãi Sau, Bãi Trước để du khách có thêm không gian vui chơi, dạo biển, giải trí về đêm khi lưu lại Vũng Tàu”, ông Hoàng Vũ Thảnh cho biết thêm.
- Ngày 20/9, giá xăng tăng mạnh lần thứ 5 liên tiếp (19/09/2017)
- Xóm lồng đèn hơn 50 tuổi ở Sài Gòn tất bật vào mùa Trung thu (19/09/2017)
- Đầu tư tiền tỷ theo đuổi nghề trồng nấm. (18/09/2017)
- Vườn rau "đa năng" trong trường mầm non (18/09/2017)
- Tù nhân tỷ phú Hàn Quốc (14/09/2017)
- Anh báo động về nạn nô lệ người Việt tại các tiệm làm móng (14/09/2017)
- Chó ra đường không đeo rọ mõm, chủ bị phạt 800.000 đồng (14/09/2017)
- Nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả cao. (13/09/2017)
- Bảo vệ trụ nước tắm công cộng ở bãi biển. (13/09/2017)
- Thượng úy cảnh sát hy sinh khi chữa cháy ở TP HCM (08/09/2017)