10 ngàn container phế liệu đã được giải phóng.
18/08/2019

Lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm đến 97% trong vòng hơn 6 tháng qua. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu phế liệu vẫn phức tạp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng container phế liệu tồn bãi như thời gian qua.   

Bãi chứa container của Cảng TCIT hiện đã thông thoáng.

CẢNG ĐÃ THÔNG THOÁNG

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua BR-VT là một trong những địa phương đã thực hiện nhanh các giải pháp để giải phóng các container phế liệu tồn đọng. Tính đến ngày 17/8, số container hiện lưu giữ tại cảng biển chỉ còn 434 container giảm hơn 10 ngàn container so với tháng 2/2019. Các cảng như Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), Quốc tế Cái Mép (CMIT) và Tân Cảng Cái Mép (TCCT) đã giải phóng gần như toàn bộ lượng container phế liệu tồn đọng. Việc lưu bãi và thông quan các loại hàng hóa khác đã trở nên thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh, Cảng TCIT cho biết, vào giai đoạn cao điểm lượng container tồn bãi tại TCIT lên đến hơn 11.000 TEUs, chiếm gần 30% dung tích bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng. Dẫn tới tàu đến làm hàng tại TCIT đã phải chờ từ 1-2 ngày, trễ hơn so với lịch trình, ảnh hưởng đến toàn bộ lịch tàu trong tuần. Hệ quả, sau quý I/2019, TCIT đã mất 2 tuyến dịch vụ trên tổng số 10 tuyến dịch vụ. Ngoài ra, TCIT đã phải hợp đồng với Công ty CP Vina Logistics thuê cầu cảng Hưng Thái để giảm tải cho cầu cảng của TCIT trong thời gian cao điểm, tốn rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, tại thời điểm này lượng container tại TCIT chỉ còn khoảng hơn 500 TEUs. Để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Công ty mẹ của Cảng TCIT) đã  thực hiện giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu. Ngoài ra, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn còn đưa ra nhiều chính sách khuyến khích DN nhận hàng sớm tại cảng. Cụ thể, trong các ngày lễ, Tết DN vẫn làm việc bình thường và những ngày này nếu DN đến nhận hàng sẽ được Cảng TCIT miễn 100% phí lưu bãi cho toàn bộ hàng hóa XNK.

Thời gian qua, ngành hải quan cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng rà soát danh sách các DN nhập khẩu phế liệu về đang lưu giữ tại cảng và gửi thông báo cho DN khẩn trương đến làm thủ tục thông quan. Khi các DN đến làm thủ tục, hải quan triển khai thông quan nhanh đối với các DN đã có giấy xác nhận của cơ quan quản lý môi trường; rà soát quy trình, rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu để thông quan.

Theo ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cùng với các giải pháp trên, các lực lượng chức năng kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định; đơn giản hóa các thủ tục và sớm giao cho các cơ sở có chức năng xử lý chất thải thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Dự báo lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, vì thế các cơ quan chức năng cần tăng cường giải pháp kiểm soát. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT.

KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ HÀNG PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU

Theo cảnh báo từ Tổng cục Hải quan, thời gian tới, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do Trung Quốc và  Malaysia là 2 nước đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới đã hạn chế nhập khẩu phế liệu. Do đó, các mặt hàng phế liệu từ các nước phát triển sẽ tiếp tục tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trước đây, trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, ngành hải quan đã phát hiện một số DN thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như: làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng...

Tại thời điểm này hàng phế liệu tồn đọng tại Cảng TCIT đã giảm rất nhiều, trả lại mặt bằng thông thoáng cho cảng. 

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp ngăn chặn ngay từ khi hàng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, phế liệu nhập từ nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện như: DN nhận hàng phải có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Người nhận hàng trên bản khai hàng hóa có giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu ghi trên bản khai hàng hóa. Trong quá trình kiểm tra, nếu có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải thì thông báo ngay cho hãng tàu và DN kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.

 

 


Số lượt đọc: 3156 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác