Giữ ổn định lãi suất ngân hàng đến cuối năm.
01/10/2019

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra sáng 1/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh trong bối cảnh các nước phá giá đồng tiền thì việc điều hành tỷ giá của Việt Nam thời gian qua là phù hợp, hiệu quả.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Vũng Tàu. Ảnh HÀ AN

 MẶT BẰNG LÃI SUẤT ĐƯỢC DUY TRÌ ỔN ĐỊNH

Theo ông Tú, giữa tháng 9, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng).

Lãi suất hiện nay được xem là tốt nhất trong điều hành, hài hòa giữa người vay và người gửi tiền. Việc giảm lãi suất trong thời điểm này cũng mang đến thông điệp sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Một số tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đầu năm 2019 và tháng 8/2019. NHNN cũng đã điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, duy trì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các tổ chức tín dụng.

“Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. NHNN sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Được biết, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

TỶ GIÁ DIỄN BIẾN PHÙ HỢP

Thị trường ngoại tệ, tỷ giá cũng được NHNN đánh giá là tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù chịu nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định. Thanh khoản được bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tương đương mức cuối năm 2018.

Cũng tại buổi họp báo, một số ý kiến cho rằng cần giảm giá tiền đồng để đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Thống đốc phân tích: Việc phá giá hay tăng giá ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, để điều hành hợp lý tạo sự ổn định và lợi ích tốt nhất cho thị trường. Xuất khẩu chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc.

“Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã nhận định NHNN điều hành chính sách ngoại hối vừa qua và hiện nay rất hài hòa, hợp lý. NHNN còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô, không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu”, ông Tú cho biết.

Phó Thống đốc cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ; điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, NHNN sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.


Số lượt đọc: 1966 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác